Nghiên cứu một số giải pháp nâng cao hiệu quả học tập môn thể dục cho học sinh trường Trung học phổ thông Dĩ An Bình Dương
Bình Dương không chỉ là một trong những thành phố đang phát triển mà còn là địa phương có phong trào thể dục thể thao (TDTT) phát triển khá mạnh mẽ. Toàn tỉnh hiện có 33 trường trung học phổ thông (THPT), trong đó có 28 trường THPT công lập và 05 trường THPT dân lập và công tác TDTT trường học trường học ở Bình Dương được duy trì khá tốt và hàng năm đều tổ chức giải thể thao cho học sinh.
Tại thị xã Dĩ An, chính quyền địa phương cũng tập trung đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục. Trong đó, có sự đầu tư hoạt động TDTT trong trường học, nhưng nhận thức về giáo dục thể chất trong nhà trường của một số bộ phận cán bộ quản lý và các nhà giáo dục chưa đầy đủ, nhiều học sinh và gia đình chưa đánh giá đúng mức vai trò, vị trí môn thể dục trong trường học nên có quan điểm đây chỉ là môn học phụ.
Giáo dục thể chất (GDTC) là một phần quan trọng cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản cho người học, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện nhằm giúp học sinh có sự tăng tiến về sức khỏe và thể lực; đạt tiêu chuẩn sức khỏe theo lứa tuổi và giới tính; có những kiến thức, kỹ năng cơ bản về TDTT và phương pháp tập luyện; các kỹ năng vận động cần thiết trong đời sống.
Với mục đích nghiên cứu một số giải pháp nâng cao hiệu quả học tập môn thể dục cho học sinh trường THPT Dĩ An – Bình Dương trong giờ học thể dục, góp phần phát triển công tác giáo dục thể chất trong nhà trường, luận văn tập trung nghiên cứu 03 nhiệm vụ chính sau:
- Đánh giá thực trạng công tác giảng dạy và học tập môn thể dục của giáo viên, học sinh trường THPT Dĩ An - Bình Dương
- Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả học tập môn thể dục cho học sinh trường THPT Dĩ An - Bình Dương
- Đánh giá hiệu quả của một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả học tập môn thể dục cho học sinh trường THPT Dĩ An - Bình Dương
Luận văn đã xác định được 06 tiêu chí để đánh giá thực trạng công tác giáo dục thể chất tại trường THPT Dĩ An - Bình Dương bao gồm: Đội ngũ giáo viên giảng dạy GDTC; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác GDTC; thể thao ngoại khóa và hoạt động thi đấu thể thao trường học; nhu cầu tập luyện TDTT của học sinh; tính hứng thú tập luyện TDTT của học sinh; trình độ thể lực của học sinh. Kết quả ứng dụng cho thấy, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác GDTC chưa đáp ứng
Thực hiện ứng dụng các tiêu chí đánh giá thực trạng công tác GDTC tại trường THPT Dĩ An, cho thấy điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác GDTC chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh; số giải được tổ chức hàng năm ở trường vẫn còn ít và số lượng vận động viên tham gia còn ít; số lượng học sinh không hứng thú tập luyện TDTT nhiều hơn số học sinh hứng thú;… do đó, cần phải có giải pháp nâng cao hiệu quả giờ học thể dục nhằm góp phần nâng cao thể lực cho học sinh trường THPT Dĩ An.
Sau khi kết thúc ứng dụng thực nghiệm, luận văn đã tiến hành đánh giá thể lực của học sinh khối 11, tại trường THPT Dĩ An năm học 2018 - 2019. Kết quả, thể lực tăng lên rõ rệt ở cả nam và nữ. Đối với nam học sinh ở nhóm thực nghiệm có nhịp tăng trưởng tăng hơn 1.9 lần so với nhóm đối chứng, còn nữ học sinh thì tăng 1.5 lần. Và khi tiến hành so sánh nhịp tăng trưởng các chỉ tiêu của hai nhóm thực nghiệm và đối chứng sau thực nghiệm, thì số lượng học sinh xếp loại thể lực tốt và đạt ở nhóm thực nghiệm cao hơn nhóm đối chứng.
Thông qua những kết quả đạt được cho thấy, những giải pháp mà luận văn lựa chọn đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả học tập môn thể dục cho học sinh trường THPT Dĩ An - Bình Dương.
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu luận văn – luận án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).