Nghiên cứu sự đa dạng các loài cá ở hạ lưu sông Đồng Nai, đoạn từ phía dưới đập tràn Hồ Trị An đến Cù lao Thạnh Hội
Hiện nay, vấn đề bảo tồn các loài cá được chú trọng trên quy mô toàn cầu bởi các tổ chức như: IUCN, WWF, FFSG. Tuy nhiên, công tác bảo tồn các loài cá khu vực Đông Nam Á phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt dữ liệu đa dạng sinh học. Vì thế công tác bảo vệ sinh cảnh sống các loài cá gặp nhiều khó khăn.
Tại khu vực hạ lưu sông Đồng Nai trước đây chứa đựng nguồn tài nguyên cá đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên sự đa dạng các loài cá đang đứng trước nguy cơ suy giảm mạnh. Chính vì vậy, tác giả Đỗ Hạnh Vi, Trường THPT Huỳnh Văn Nghệ đã chọn đề tài “Nghiên cứu sự đa dạng các loài cá ở hạ lưu sông Đồng Nai, đoạn từ phía dưới đập tràn Hồ Trị An đến Cù lao Thạnh Hội” làm luận văn cao học của mình.
Với mục tiêu xác định phần loài và hiện trạng phân loại các loài cá phân bố ở hạ lưu sông Đồng Nai, đoạn từ dưới đập tràn hồ Trị An đến cù lao Thạnh Hội; xác định các đặc trưng của khu hệ cá ở khu vực nghiên cứu; ước tính sản lượng của một số loài cá phổ biến phân bố ở hạ lưu sông Đồng Nai, đoạn chảy qua thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, tác giả đã tiến hành khảo sát thực địa khu vực hạ lưu sông Đồng Nai, đoạn từ phía dưới đập tràn hồ Trị An (nơi hợp lưu với sông Bé) đến cù lao Thạnh Hội với chiều dài 42 km, được chia thành 4 vị trí khảo sát: Khu vực xã Hiếu Liêm, khu vực xã Tân Mỹ, khu vực thị xã Tân Uyên và Cù lao Thạnh Hội.
Qua khảo sát thực địa từ tháng 5/2014 đến tháng 4/2015 với tần suất thu mẫu cá hai tuần một lần, đề tài đã thu thập được 200 mẫu cá các loài. Sau khi phân tích các đặc điểm hình thái và xác định lại hiện trạng phân loại, đã xác định được 100 loài cá thuộc 75 giống, 37 họ của 13 bộ cá khác nhau.
Bộ cá Vược (Perciformes) chiếm ưu thế nhất về họ, giống, loài gồm 15 họ, 22 giống, 28 loài (28% tổng số loài), đứng thứ nhì là bộ cá Nheo (Siluriformes) gồm 8 họ, 17 giống, 26 loài (26%), tiếp đến là bộ cá Chép (Cypriniformes) gồm 2 họ, 21 giống, 25 loài (25%). Bộ cá Chép (Cypriniformes) chỉ có 2 họ, trong đó họ cá Chép (Cyprinidae) có số giống và số loài nhiều nhất (20 giống, 24 loài).
Đề tài đã ghi nhận đươc sự phân bố mới của loài cá Cóc Albulichthys albuloides, đồng thời ghi nhận một loài cá đặc hữu ở sông Mê Kông là cá Ngựa chấm Hampala dispar xuất hiện ở hạ lưu sông Đồng Nai. Các loài cá thu được có 76 loài có nguồn gốc tự nhiên (chiếm 76%, gồm có 57 loài cá nước ngọt và 19 loài cá lợ, mặn) và 24 loài cá nuôi (chiếm 24%, đều là cá nước ngọt). Đề tài ghi nhận được 9 loài cá quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam; 34 loài cá thực phẩm; 36 loài cá cảnh.
Khu hệ cá ở sông Đồng Nai, tại khu vực nghiên cứu có sự tương đồng với khu hệ cá hạ lưu sông Sài Gòn và vùng nước nội địa thành phố Hồ Chí Minh. Thành phần loài cá nơi đây phân bố tương đối đều trong cả hai mùa, số lượng loài trong mùa mưa tương đương với mùa khô. Tuy nhiên, số lượng và thành phần các loài cá có sự biến động qua các tháng nghiên cứu. Đề tài đã ước tính sản lượng của 18 loài cá phổ biến có giá trị kinh tế cao được đánh bắt quanh năm với số lượng lớn. Sản lượng cá ở mỗi loài có sự khác biệt theo mùa. Nhìn chung mùa mưa sản lượng cá nước ngọt chiếm ưu thế, mùa khô sản lượng các loài cá lợ, mặn chiếm ưu thế hơn. Kết quả nghiên cứu cung cấp dữ liệu khoa học cho công tác quản lý và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên cá tại khu vực.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, phỏng vấn ngư dân, đề tài còn thu thập thêm được 7 loài khác thuộc 4 họ của 4 bộ cá, các mẫu cá này hiện chưa thu được nên không đưa vào danh lục thành phần loài cá ở khu vực nghiên cứu.
Về nghiên cứu các loài cá, theo báo cáo cho thấy vào năm 1988, Mai Đình Yên và Nguyễn Văn Trọng nghiên cứu thành phần loài cá nước ngọt phía Nam Việt Nam và sự phân bố của chúng. Kết quả thu được 255 loài thuộc 130 giống của 43 họ. Luận án tiến sỹ của Tống Xuân Tám năm 2012 về “Nghiên cứu thành phần loài, đặc điểm phân bố, tình hình nguồn lợi cá ở lưu vực sông Sài Gòn”. Đây là nghiên cứu có tính hệ thống và tương đối đầy đủ về khu hệ cá nơi đây. Kết quả xác định được 264 loài, thuộc 155 giống, 68 họ, 16 bộ.
Năm 2012, Nguyễn Xuân Đồng nghiên cứu về đa dạng các loài cá ở các vùng nước nội địa thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận được 215 loài thuộc 135 giống, 65 họ của 18 bộ. Đến năm 2015, Nguyễn Xuân Đồng đánh giá những thay đổi về thành phần loài cá ở hạ lưu sông Sài Gòn dưới tác động của việc xây dựng hồ Dầu Tiếng. Tác giả nhận thấy sự thay đổi về nhân tố sinh thái đã kéo theo sự thay đổi về thành phần loài, trong số 133 loài thu thập được có 67 loài lặp lại, 13 loài không thu mẫu được và bổ sung 66 loài mới cho khu hệ.
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2007, tác giả Nguyễn Văn Thường đã tiến hành khảo sát thành phần loài cá Da trơn ở Đồng bằng sông Cửu Long thuộc hai tuyến sông Tiền và sông Hậu. Tác giả thu được 10 loài cá thuộc họ Pangasiidae gồm 4 giống: Pangasianodon, Pangasius, Pseudolais và Helicophagus, trong đó giống Pangasius chiếm ưu thế về thành phần loài (7 loài). Đến năm 2008, tác giả Nguyễn Văn Thường tiếp tục nghiên cứu “Tổng quan dẫn liệu về định loại cá Tra phân bố ở vùng hạ lưu sông Mê Kông”. Kết quả, tác giả đã nêu những đặc điểm nhận dạng loài cá Tra Pangasianodon hypophthalmus. Tên loài Pangasianodon hypophthalmus cũng được Rainboth năm 1996 sử dụng rộng rãi trong các báo cáo khoa học và tài liệu công bố trên toàn thế giới.
Năm 2014, Tống Xuân Tám và cộng sự nghiên cứu về thành phần loài cá ở lưu vực hạ lưu sông Hậu thuộc tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng. Kết quả ghi nhận được 113 loài cá, thuộc 87 giống, 47 họ, 16 bộ. Trong đó, nhiều loài cá có giá trị làm thực phẩm, làm cảnh, làm thuốc và đặc biệt có 1 loài mới bổ sung cho khu hệ cá ở Việt Nam là cá Tuyết tê giác vây trắng (Bregmaceros lanceolatus), một loài ghi trong sách đỏ Việt Nam (2007) là cá Hường vện (Datnioides polota). Nhiều loài cá không thấy xuất hiện cách đây 10 năm như: cá Linh rìa sọc (Dangila lineata), cá Linh rây (Dangila cuvieri), cá Linh ống (Henicorhynchus siamensis), cá Mè hôi (Osteochilus melanopleurus), riêng loài cá Chẽm (Lates calcarifer) xuất hiện rất ít ở khu vực này.
Bên cạnh đó khu vực miền Trung Việt Nam có các tác giả nghiên cứu cá như: Nguyễn Thị Thu Hè năm 2000 về “Điều tra khu hệ cá sông suối Tây Nguyên”. Tác giả đã thành lập danh sách của 138 loài cá thuộc 78 giống, 22 họ của 6 bộ cá khác nhau, đồng thời xây dựng khóa định loại và xác định đặc điểm phân bố của chúng…
Qua đó cho thấy, Công trình nghiên cứu của tác giả Đỗ Hạnh Vi bước đầu tiến hành tìm hiểu tính đa dạng về thành phần loài cá phân bố ở hạ lưu sông Đồng Nai, đoạn từ dưới đập tràn hồ Trị An đến cù lao Thạnh Hội, nhằm cập nhật và đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học các loài cá, làm tiền đề cho các nghiên cứu về đặc điểm sinh học của các loài cá. Đề tài đã cung cấp những dẫn liệu bổ sung, cập nhật về khu hệ cá phục vụ cho việc quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lợi cá ở khu vực nghiên cứu.
Ngọc Trang