Nghiên cứu tận dụng rác thải nhựa trên biển làm nhiên liệu
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. Trong ngành tái chế, chi phí là vấn đề then chốt, do đó các nhà khoa học Mỹ đã sử dụng phương pháp mới biến rác thải trên biển làm nhiên liệu. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, khoảng 10 triệu tấn nhựa đang trôi ra biển mỗi năm và con số này dự kiến còn tiếp tục tăng bất chấp những nỗ lực thu gom và tái chế rác.
Hiện nay, người ta thường sử dụng tàu để thu gom rác từ các bãi rác trôi nổi và sau đó đưa trở lại cảng để xử lý, và tiếp thêm nhiên liệu. Khoảng cách từ cảng đến nơi thu gom rác thải cách nhau hàng nghìn km do đó cần tiêu tốn một lượng nhiên liệu lớn để cung cấp cho các tàu dọn rác này hoạt động.
Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra giải pháp mới, biến rác thải nhựa thành nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho hệ thống thu gom, xử lý rác tải và tàu vận chuyển trên biển, làm nhiên liệu cho máy bay. Với phương pháp mới này, nhóm nghiên cứu cho rằng hiệu quả sẽ cao hơn và thân thiện với môi trường hơn rất nhiều so với các phương pháp truyền thống.
Nhóm nghiên cứu đã đặt các cần thu gom nhựa cố định tại nhiều nơi xung quanh “đảo rác”, có thể thu gom nhựa lên tàu được dễ dàng hơn. Thông qua quá trình hóa lỏng thủy nhiệt (HTL) rác thải nhựa được thu gom và chuyển đổi thành một loại dầu. Trong quá trình này, nhựa được nung nóng đến 300 - 5500C ở áp suất cao gấp 250 đến 300 lần so với điều kiện mực nước biển. Nhiên liệu thu được gọi là “dầu diesel xanh”, có khả năng tự làm sạch và thân thiện với môi trường.
Nhóm nghiên cứu đã tính toán rằng một con tàu mang bộ chuyển đổi HTL sẽ có khả năng tự sản xuất đủ dầu để cung cấp cho bộ chuyển đổi HTL và động cơ của nó. Tuy đốt dầu sẽ giải phóng carbon vào khí quyển, song lượng khí thải ra vẫn sẽ ít hơn so với việc sử dụng dầu thông thường. Họ cũng lưu ý rằng HTL tạo ra một lượng nhỏ chất thải rắn, chất thải này sẽ phải được đưa về cảng, khoảng vài tháng một lần và nhiên liệu dư thừa do HTL sản xuất có thể được sử dụng cho các chuyến đi này.
Bên cạnh đó, phương pháp này cũng có thể giúp chuyển đổi rác thải nhựa thành nhiên liệu máy bay và các sản phẩm hydrocarbon có giá trị, nhóm nghiên cứu đã sử dụng rutheni trên chất xúc tác carbon và một dung môi thông thường để kích hoạt quá trình khử phân tử, có hiệu quả cao về mặt chi phí với khả năng chuyển đổi gần 90% nguyên liệu đầu vào.
Trần Phước