Nghiên cứu tuyển chọn cây đầu dòng Bưởi đường lá cam tại tỉnh Bình Dương
Bưởi đường lá cam được trồng nhiều tại xã Bạch Đằng. Tính đến năm 2016, có khoảng 410 ha, trong đó có 310 ha đang cho thu hoạch quả. Giống bưởi này được xác định là cây truyền thống đặc sản của địa phương. Do hiệu quả kinh tế mang lại từ cây Bưởi đường lá cam cao nên diện tích trồng giống bưởi này ngày một gia tăng, nhu cầu giống lớn để mở rộng diện tích. Tuy nhiên, hiện tại cây giống phục vụ cho trồng mới vẫn là cây chiết cành và từ nhiều nguồn cây giống khác nhau, dẫn đến hình dạng và chất lượng quả không ổn định.
Bên cạnh đó, giống bưởi này có nhiều ưu điểm về năng suất, phẩm chất và ít nhiễm sâu bệnh. Đây là giống được xác định là có triển vọng nhất trong hơn 25 giống bưởi của vùng Đông Nam bộ. Nhưng, giống bưởi này có nhược điểm là số hạt trên quả rất nhiều (từ 50 đến 110 hạt), nhược điểm này cần khắc phục để quả Bưởi đường lá cam có thể cạnh tranh được thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Bưởi là loại cây trồng thuộc nhóm cho quả xuất khẩu vì chất lượng quả ngon, vỏ dày, dễ dàng xử lý sau thu hoạch và vận chuyển. Để đạt được chất lượng theo yêu cầu xuất khẩu, việc chọn cây giống sạch và có khả năng kháng bệnh tốt là yêu cầu cần thiết của công tác giống trong tình hình bệnh vàng lá vẫn đang tiềm ẩn và khó phòng ngừa trên cây thuộc họ cam quýt. Chính vì vậy, nguồn nguyên vật liệu sau khi đã tuyển chọn phải đảm bảo sự cách ly cần thiết, kết hợp công nghệ loại trừ nguồn bệnh với công nghệ giám định bằng kỹ thuật hiện đại để tạo nguồn vật liệu sạch bệnh cung cấp cho người sản xuất trong hiện tại và tương lai.
Trước tình hình trên, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương đã đặt hàng Viện Cây ăn quả miền Nam tuyển chọn các cá thể ưu tú Bưởi đường lá cam dùng làm cây mẹ đầu dòng phục vụ cho nhân giống. Các cá thể sau khi được tuyển chọn được đánh giá trên các đặc tính nông học, chất lượng, năng suất quả liên tục 3 năm nhằm nhân giống và mở rộng diện tích.
Đề tài Nghiên cứu tuyển chọn cây đầu dòng Bưởi đường lá cam tại tỉnh Bình Dương do thạc sĩ Đào Thị Bé Bảy, Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện với mục tiêu điều tra, khảo sát hiện trạng cây bưởi trên địa bàn tỉnh Bình Dương bằng phương pháp truyền thống, từ đó tuyển chọn được những cá thể tốt làm cây đầu dòng phục vụ cho yêu cầu phát triển giống bưởi trên địa bàn tỉnh với các nội dung: Khảo sát quần thể và chọn cá thể tốt làm cây đầu dòng, áp dụng phương pháp mô tả, chọn cây đầu dòng theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tiêu chuẩn ngành 10TCN-601-2004; đánh giá đa dạng di truyền các cá thể Bưởi đường lá cam tuyển chọn sử dụng kỹ thuật SSR; bảo tồn gen Bưởi đường lá cam, bảo tồn in-situ và ex-situ, thực hiện phương pháp vi ghép và ghép lần 2 và test bệnh virus bằng kỹ thuật sinh học phân tử.
Theo báo cáo, Bưởi đường lá cam được trồng lâu đời ở Vĩnh Cửu - Đồng Nai, trước đây giống bưởi này không nổi tiéng như các giống bưởi Thanh Trà. Vào năm 1997, Bưởi đường lá cam đạt được giải nhì tại Hội thi cây Bưởi giống tốt do Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức, từ đó giống bưởi này được nhiều người biết đến với chất lượng quả ngon, vị ngọt thanh, con tép ráo và giòn, chỉ có nhược điểm là trái nhỏ và có rất nhiều hạt. Hiện nay, giống bưởi này cũng đang được phát triển mạnh ở vùng Tân Triều - tỉnh Đồng Nai.
Bình tuyển cây đầu dòng là một bước quan trọng trong chọn giống, vì có cây đầu dòng tốt, năng suất cao và chất lượng quả ngon, sẽ là nguồn vật liệu quan trọng tạo nên những quần thể cây tốt sau này. Đây cũng là điều quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cho người làm quần thể. Công tác bình tuyển cần nhiều thời gian, thường thực hiện liên tục 2 - 3 năm tùy theo giống.
Theo một số công trình nghiên cứu trước đây, qua khảo sát đặc tính của dòng/giống bưởi ở một số tỉnh Nam bộ, có gần 70 giống/dòng bưởi đang được nông dân trồng với nhiều đặc điểm khác nhau về phẩm chất, dạng trái, dạng lá. Tuy nhiên, chất lượng và năng suất là hai yếu tố quan trọng nhất quyết định cho sự tồn tại và phát triển của một giống bưởi. Vì thế một số giống/dòng bưởi có triển vọng tại các tỉnh miền Đông Nam bộ và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã và đang được bà con chú ý phát triển là: Bưởi đường lá cam, Bưởi đường da láng (Đồng Nai và Bình Dương), bưởi Da Xanh (Bến Tre), bưởi Năm Roi (Vĩnh Long và Cần Thơ). Giống Bưởi đường lá cam hay còn gọi là Bưởi đường cam do giống của lá bưởi này tương tự như lá của giống cam, tán cây tròn đều, trái dạng quả lê thấp, khi chín vỏ trái có màu vàng xanh, con tép tróc khỏi lưng vách múi tốt, có màu vàng nhạt đều, bó chặt, nước quả khá, có vị rất ngon, ngọt và thơm. Ngược điểm của giống này là số hạt trên trái khá cao.
Kết quả điều tra trong khuôn khổ đề tài này cho thấy, khảo sát ghi nhận tuổi cây 6 - 10 năm (80%), số quả trên cây 60 - 80 quả, nhân giống chủ yếu là chiết cành. Dạng cây hình bán nguyệt, cành mọc ciên. Phiến lá nhỏ, dạng hình trứng, cánh lá hình tim. Số nụ hoa trên chùm trung bình dao động 6 - 7hoa, số lượng cánh hoa biến động từ 4 - 5 cánh. Khối lượng quả trung bình biến động từ 640 - 1100kg, số hạt trung bình dao động từ 51 - 55 hạt.
Tuyền chọn cây đầu dòng được thực hiện liên tục 03 năm, chọn ra được 08 quần thể, trồng tại xã Bạch Đằng và chọn lọc ra 15 cá thể tốt. Đề tài đã chọn 03 cá thể có tuổi cây từ 07 - 10 năm đáp ứng tiêu chí của cây đầu dòng có nhiều ưu điểm vượt trội so với các cá thể khác.
Mức độ đa dạng di truyền của các cá thể tuyển chọn khá cao. 03 cá thể được nhóm tác giả đề nghị công nghệ cây đầu dòng có sự khác biệt nhau về mặt di truyền. Các chỉ thị phân từ SSRs trong nghiên cứu này có thể được sử dụng xác định các thể Bưởi đường lá cam tuyển chọn.
Bảo tồn in-situ tại quần thể 03 cây Bưởi đường lá cam và đã tạo ra thành công được 20 cây Bưởi đường lá cam vi ghép sạch bệnh (S1). Cây phát triển tốt, không có sâu bệnh hại, không có triệu chứng bệnh Vàng lá Greening và Tristeza. Kết quả giám định bệnh bằng kỹ thuật PCR cũng khẳng định lại không có sự hiện diện của hai tác nhân gây hại này trên 20 cây Bưởi đường lá cam (cây S1).
Giống Bưởi đường lá cam tốt cho năng suất cao và chất lượng ngon đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước, gia tăng khả năng cạnh tranh và tham gia thị trường xuất khẩu. Kết quả đề tài góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh vùng chuyên canh giống Bưởi đường lá cam có năng suất cao, chất lượng tốt sẽ góp phần ổn định kinh tế xã hội cho tỉnh Bình Dương. Cây đầu dòng tốt được sử dụng vi ghép tạo cây sạch bệnh, sẽ nhân giống và cung cấp cho sản xuất tại các vùng trồng bưởi của tỉnh Bình Dương và các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Đồng thời, đề tài cũng góp phần nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của cán bộ của đơn vị chủ trì, nâng cao trình độ chọn giống/ cây đầu cá thể Bưởi đường lá cam tốt cho cán bộ địa phương.
Minh Thu