NGHIÊN CỨU TỶ LỆ NHIỄM HELICOBACTER PYLORI VÀ HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ TIỆT TRỪ TRÊN BỆNH NHÂN VIÊM LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH BÌNH DƯƠNG
Lê Thị Yến Nhi , Nguyễn Thị Tuyết Lê
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý thường gặp. Helicobacter pylori là nguyên nhân quan trọng gây viêm loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày. Tiệt trừ H.pylori giúp nhanh lành vết loét, ngăn ngừa tái phát. Hiện chưa có nghiên cứu nào tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bình Dương về tỷ lệ nhiễm H.pylori và hiệu quả điều trị tiệt trừ.
Mục tiêu: (1) Đánh giá tỷ lệ nhiễm H.pylori trên bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng. (2) Đánh giá tỷ lệ điều trị tiệt trừ thành công của các phác đồ đang sử dụng.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương từ tháng 06/2019 đến 09/2019. Tổng số 150 bệnh nhân, xác định nhiễm H,pylori dựa trên xét nghiệm Clo test, những bệnh nhân nhiễm H.pylori được điều trị ngẫu nhiên theo các phác đồ tiệt trừ đang sử dụng tại bệnh viện là phác đồ ba thuốc cổ điển, phác đồ bốn thuốc không Bismuth và phác đồ ba thuốc có Levofloxacin.
Kết quả: Tỷ lệ nhiễm H.pylori là 63,33%, tỷ lệ điều trị thành công của phác đồ ba thuốc cổ điển, phác đồ bốn thuốc không Bismuth và phác đồ ba thuốc có Levofloxacin lần lượt là 54,17%, 77,5% và 88%.
Kết luận: Tỷ lệ nhiễm H.pylori tại bệnh viện cao, phác đồ ba thuốc cổ điển có tỷ lệ thành công thấp nhất, không đáp ứng tiêu chuẩn của phác đồ đầu tay. Tỷ lệ tác dụng phụ của phác đồ bốn thuốc thường gặp nhất là 87,6% nhưng không nghiêm trọng.
RESEASCHED ABOUT THE PREVALENCE OF H.PYLORI INFECTION AND THE EFFECTIVENESS OF ERADICATION THERAPY IN BINH DUONG PROVINCE HOSPITAL.
Abstract
Summary: The duodenal and gastric ulcer inflammation is a common disease. Helicobacter pylori has been an important cause of gastric and duodenal ulcer and gastric cancer. H.pylori eradication accelerates ulcer healing and prevents ulcer recurrence. There have not been reseasched about the prevalence of H.pylori infection and the effectiveness of eradication therapy in Binh Duong province hospital.
Objective:(1)Evaluating the prevalence of H.pylori infection of the patients who were diagnosed with duodenal or gastric ulcer inflammtion. (2) Evaluating the succeesful prevalence of the regimens.
Subjects and Methods:the study has been performed at Binh Duong province hospital from June 2019 to September 2019. The study consists 150 patients diagnosed H.pylori infection with Clo test, and treated randomly by the regimens: classical triple therapy, non bismuth quadruple therapy and triple therapy with Levofloxacin.
Results: the prevalence of Hpylori infection is 63,33%, prevalence of sucessful treatment of classical triple therapy, non bismuth quadruple therapy and triple therapy with Levofloaxacin in turn is 54,17%, 77,5% and 88%.
Conclusion: the prevalence of Hpylori infection is high, classical triple therapy has the most succeful prevalence and unqualified of a first regimen. The prevelence of side effects of non bismuth quadruple therapy is the most common but not serious.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý thường gặp với tỷ lệ hơn 50% dân số, trong đó nhiễm Helicobater pylori là nguyên nhân chính đưa đến viêm dạ dày mãn, loét dạ dày tá tràng, u mô lympho dạ dày (MALT lympho), và ung thư dạ dày. Theo nghiên cứu trong nước, tỷ lệ nhiễm Helicobacter pylori dao động trong khoản 50% - 70% [8]. Điều trị tiệt trừ H.pylori là rất quan trọng, đặc biệt ở khu vực có tần suất nhiễm H.pylori và ung thư dạ dày cao như ở nước ta.
Tỷ lệ kháng thuốc của H.pylori trong cộng đồng ngày càng tăng nhanh, làm giảm hiệu quả tiệt trừ của các phác đồ đang sử dụng, với tỷ lệ đề kháng Clarithromycin và Metronidzol khoản 30%, tỷ lệ đề kháng Levofloxacin khoản 18% [8]. Các khuyến cáo và đồng thuận về điều trị H.pylori trong thời gian gần đây như Toronto 2016, Maastricht V 2016, và ACG 2017 đề nghị với khu vực có tỷ lệ đề kháng Clarithromycin và Metronidazole cao hơn 15% như ở nước ta thì phác đồ bốn thuốc có Bismuth trong 14 ngày được khuyến cáo là lực chọn đầu tay [6], riêng ACG 2017 khuyến cáo có thể dùng phác đồ có Levofloxacin như là một phác đồ đầu tay [4].
Thực tế trong thực hành lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, các bác sĩ sử dụng ba phác đồ là phác đồ ba thuốc cổ điển, phác đồ bốn thuốc không Bismuth, hoặc phác đồ có Levofloxacin là phác đồ đầu tay do tác dụng phụ của hai phác đồ đầu tiên khá cao khoản 80%. Hiện tại chưa có nghiên cứu nào về tình hình nhiễm H.pylori và tỷ lệ điều trị tiệt trừ thành công của các phác đồ đang được sử dụng tại bệnh viện nên tôi tiến hành nghiên cứu này.
Mục tiêu:
1. Đánh giá tỷ lệ nhiễm Helicobacter pylori trên bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng.
2. Đánh giá tỷ lệ điều trị tiệt trừ thành công Helicobacter pylori của các phác đồ đang được sử dụng.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp mô tả cắt ngang
Địa điểm nghiên cứu: Khoa khám bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương
Đối tượng nghiên cứu: Bệnh nhân từ 16 tuổi trở lên có triệu chứng đường tiêu hóa trên được chẩn đoán bệnh lí viêm loét dạ dày tá tràng qua nội soi dạ dày, đồng ý tham gia nghiên cứu.
Tiêu chuẩn loại trừ:
- Bệnh nhân đang có thai hoặc cho con bú
- Bệnh nhân chống chỉ định nội soi dạ dày tá tràng, bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc chống chỉ định sử dụng các thuốc điều trị phác đồ tiệt trừ H.pylori.
- Bệnh nhân đang có bệnh lí mạn tính như: tim mạch, hô hấp, gan, thận, bệnh ác tính, bệnh về máu…
- Xét nghiệm chẩn đoán nhiễm Hpylori: CLO test
Phương pháp tiến hành: Bệnh nhân ngoại trú đến khám tại phòng khám nội tổng hợp BVĐK Bình Dương từ tháng 6/2019 đến tháng 9/2019 được chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng sẽ được phỏng vấn theo bộ câu hỏi, thu thập kết quả Clo test xem bệnh nhân có nhiễm Hpylori hay không.
Tiến hành điều trị phác đồ tiệt trừ Hpylori cho bệnh nhân có chỉ định điều trị, sau khám đánh giá lại các tác dụng phụ của thuốc.
Sau thời gian điều trị 6 - 8 tuần, ngưng thuốc hơn 2 tuần, bệnh nhân được nội soi dạ dày lại để đánh giá kết quả Clo test dương tính hay âm tính.
Xử lý và phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0
KẾT QUẢ
Trong thời gian từ tháng 6/2019 đến tháng 9/2019 chúng tôi tiến hành nghiên cứu trên 150 bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng thỏa tiêu chuẩn chọn bệnh có 95 trường hợp dương tính với Hpylori, chiếm tỷ lệ 63,33%; 55 trường hợp âm tính với Hpylori, chiếm tỷ lệ 36,67%.
Trong 95 trường hợp dương tính được điều trị có 6 trường hợp bệnh nhân bỏ trị, 89 trường hợp được điều trị ngẫu nhiên theo các phác đồ trong 14 ngày: 24 trường hợp điều trị phác đồ ba thuốc cổ điển gồm PPI + Amoxicillin 2g + Clarithromycin 1g, 25 trường hợp điều trị phác đồ có Levofloxacin gồm PPI + Levofloxacin 1g + Amoxicillin 2g, và 40 trường hợp điều trị phác đồ bốn thuốc không có Bismuth gồm PPI + Amoxicillin 2g + Metronidazol 1g + Clarithromycin 1g.
Đặc điểm dân số: Tuổi trung bình của bệnh nhân là 44,67 ± 13,22; tuổi thấp nhất 16 tuổi; tuổi cao nhất 71 tuổi. Tỷ lệ nam/nữ là 51/99 nữ chiếm tỷ lệ 66%. Thời gian mắc bệnh dưới 1 năm chiếm 46,5%; từ 1 - 3 năm là 20,8%; 3 - 5 năm là 12,5% và hơn 5 năm là 20,1%.
Bảng 1: Đặc điểm bệnh nhân tham gia nghiên cứu
Biến số
|
Tỷ lệ
|
Tuổi (năm)
|
44,67 ± 13,22 (16 – 71)
|
Giới (nam/nữ)
|
51/99 (1/1,94)
|
Thời gian điều trị
|
Dưới 1 năm
|
46,5%
|
1 – 3 năm
|
20,8%
|
3 – 5 năm
|
12,5 %
|
>5 năm
|
20,1%
|
Nhận xét: Tiền sử điều trị Hpylori trước đó có 86,1% chưa từng điều trị; 12,5% điều trị trước đó 1 lần, và có 2 trường hợp điều trị trước đó 2 lần chiếm 1,4%.
Nhận xét: Triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là đau thượng vị chiếm 79,2%; đầy bụng khó tiêu chiếm 51,4%.
Bảng 2: Hiệu quả tiệt trừ Hp chung
|
Theo ITT (n=95)
|
Theo PP (n=89)
|
Điều trị thành công
|
65/95 (68,42%)
|
65/89 (73,03%)
|
Điều trị thất bại
|
24/95 (25,26%)
|
24/89 (26,97%)
|
Nhận xét: Hiệu quả điều trị tiệt trừ chung là 73,03% theo PP và 68,42% theo ITT.
Bảng 3: Hiệu quả tiệt trừ Hp theo mỗi phác đồ
Phác đồ
|
Thành công
|
Thất bại
|
n
|
Ba thuốc cổ điển:
PPI + Amox 2g+ Cla 1g
|
13/24 (54,17%)
|
11/24 (45,83%)
|
24
|
Bốn thuốc không Bismuth:
PPI+Amox2g+Cla1g+Met1g
|
31/40 (77,5%)
|
9/40 (22,5%)
|
40
|
Ba thuốc có Levofloxacin:
PPI+Amox2g+Lev1g
|
21/25 (88,0%)
|
3/25 (12,0%)
|
25
|
Nhận xét: Hiệu quả tiệt trừ thành công của phác đồ ba thuốc cổ điển là 54,17%; phác đồ bốn thuốc không Bismuth là 77,5% và phác đồ có Levofloxacin đạt 88,0%.
Bảng 4: Tác dụng phụ của phác đồ ba thuốc cổ điển
Tác dụng phụ
|
Tỷ lệ
|
Không
|
34,6%
|
Có tác dụng phụ
|
65,4%
|
Khô đắng miệng
|
45,3%
|
Mệt mỏi
|
36,7%
|
Táo bón
|
15,7%
|
Đau thượng vị
|
10,4%
|
Tiêu chảy
|
6,8%
|
Nhận xét: Tỷ lệ tác dụng phụ của phác đồ ba thuốc cổ điển là 65,4% trong đó tác dụng phụ thường gặp nhất là khô đắng miệng (45,3%) và mệt mỏi (36,7%).
Bảng 5: Tác dụng phụ của phác đồ bốn thuốc
Tác dụng phụ
|
Tỷ lệ
|
Không
|
12,4%
|
Có tác dụng phụ
|
87,6%
|
Mệt mỏi
|
55,6%
|
Khô đắng miệng
|
46,8%
|
Miệng vị kim loại
|
35,8%
|
Buồn nôn
|
42,3%
|
Nôn ói
|
12,4%
|
Táo bón
|
10,6%
|
Tiêu chảy
|
7,6%
|
Nhận xét: Tỷ lệ tác dụng phụ của phác đồ bốn thuốc là 87,6% trong đó thường gặp nhất vẫn là mệt mỏi (55,6%) và khô đắng miệng (46,8%).
Bảng 6: Tác dụng phụ của phác đồ ba thuốc có Levofloaxacin
Tác dụng phụ
|
Tỷ lệ
|
Không
|
40,6%
|
Có tác dụng phụ
|
59,4%
|
Mệt mỏi
|
17,9%
|
Tiêu chảy
|
14,8%
|
Táo bón
|
8,5%
|
Buồn nôn
|
4,3%
|
Nhận xét: Tỷ lệ tác dụng phụ của phác đồ ba thuốc có Levofloxacin là 59,4%; thường gặp nhất là mệt mỏi (17,9%) và tiêu chảy (14,8%).
BÀN LUẬN
Đặc điểm dân số: Tuổi trung bình của bệnh nhân trong nghiên cứu là 44,67; thấp nhất là 16 tuổi; cao nhất là 71 tuổi, lớn hơn tuổi của bệnh nhân trong nghiên cứu Đ.N.Q.Huệ là 38,7 tuổi [11]; tương tự nghiên cứu T.T.K.Tường là 43,16 [16] và T.Đ.Cường là 41,9 tuổi [15].
Nghiên cứu có số bệnh nhân nữ cao hơn nam là 66%, tương tự các nghiên cứu trong nước như T.T.K.Tường là 56,6% [16] và N.T.N.Đoan là 74,4% [12].
Tỷ lệ nhiễm Hpylori:
Một phân tích tổng hợp năm 2018 về tỷ lệ nhiễm Hpylori trên thế giới khoản 44,3%, thay đổi tùy theo khu vực như ở Nigeria là 89,7%, thấp nhất ở Indonesia là 10% và Yemen là 8,9% (10). Tỷ lệ này có sự khác biệt giữa các quốc gia, giữa các vùng do sự khác biệt về tình trạng kinh tế xã hội, mức độ đô thị hóa và điều kiện vệ sinh. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm Hpylori dao động từ 50-70%, trong nghiên cứu này của chúng tôi là 63,33% cao hơn nghiên cứu N.V.Thịnh là 58,1% [13] và thấp hơn nghiên cứu của H.T.T.Hà là 74,6% [7].
Triệu chứng thường gặp nhất là đau thượng vị 79,2%; đầy bụng khó tiêu 51,4%; chán ăn 23,6%…
Thời gian mắc bệnh đa số dưới 1 năm chiếm 46,5% tuy nhiên thời gian bệnh trên 5 năm chiếm tỷ lệ cao là 20,1%.
Hiệu quả điều trị:
Phác đồ điều trị Hpylori hiệu quả phải thỏa các tiêu chuẩn như sau: PPI ức chế toan mạnh và có thời gian bán hủy chậm, kháng sinh dung nạp tốt đường tiêu hóa, có tác dụng hiệp đồng và đạt hiệu quả tiệt trừ trên 80,0%. Việc vận dụng linh hoạt các phác đồ điều trị trong thực hành lâm sàng ở những vùng có tỷ lệ kháng thuốc khác nhau không những quyết định tiệt trừ thành công mà còn hạn chế tỷ lệ kháng thuốc thứ phát do thất bại phác đồ đầu tiên. Tại Việt Nam có tỷ lệ kháng Clarithromycin và Metronidazol hơn 30,0% phác đồ ba thuốc cổ điển và phác đồ bốn thuốc không Bismuth không chứng minh được vai trò hiệu quả trong tiệt trừ Hpylori nữa.
Cụ thể, thông qua nghiên cứu chúng tôi ghi nhận:
Hiệu quả tiệt trừ thành công của phác đồ ba thuốc cổ điền còn thấp 54,17%, cao hơn trong nghiên cứu của N.X.Thủy là 34,5% [14] và Yuksel là 42% [9].
Hiệu quả tiệt trừ thành công của phác đồ bốn thuốc không Bismuth là 77,5% thấp hơn so với nghiên cứu của Ayako là 94,9% [3] và Javier là 88% [5].
Hiệu quả phác đồ ba thuốc có Levofloxacin là 88% cao hơn trong nghiên cứu Abbasi là 86,7% [1] tương đương với nghiên cứu của Ahn là 88,8% [2].
Hiệu quả điều trị tiệt trừ Hpylori chung tại bệnh viện là 68,42% theo ITT và 73,03% theo PP còn thấp do phụ thuộc nhiều yếu tố: phác đồ đang sử dụng, tình trạng thuốc hiện có tại bệnh viện, sự tư vấn của bác sĩ, sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân, số lượng cỡ mẫu chưa đủ lớn.
Trong ba phác đồ sử dụng thì phác đồ bốn thuốc không bismuth là phác đồ có tác dụng phụ nhiều nhất với tỷ lệ 87,6% sau đó là phác đồ ba thuốc 65,4% và phác đồ có Levofloxacin là 59,4%.
KẾT LUẬN
Tỷ lệ nhiễm Hpylori của bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng tại bệnh viện còn cao 63,3%, tỷ lệ điều trị tiệt trừ H.pylori còn thấp là 68,42% theo ITT và 73,03% theo PP, trong đó phác đồ ba thuốc cổ điển có tỷ lệ thành công thấp nhất là 54,17% phác đồ bốn thuốc không Bismuth là 77,5% và phác đồ ba thuốc có Levofloxacin là 88,8%.
Tác dụng xảy ra nhiều nhất là ở phác đồ bốn thuốc không Bismuth chiếm tỷ lệ 87,6%, thường gặp là mệt mỏi và khô đắng miệng.
Khuyến nghị:
- Triển khai cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán và điều trị H.pylori như: test hơi thở, tìm kháng nguyên trong phân, nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ, kĩ thuật khuyếch đại gen PCR…
- Trong thực hành lâm sàng không dùng phác đồ ba thuốc là phác đồ đầu tay, thay vào đó là phác đồ bốn thuốc có Bismuth hay không Bismuth.
- Do nghiên cứu được thực hiện trong thời gian ngắn, số lượng cỡ mẫu chưa đủ lớn để phản ánh đúng thực trạng tại bệnh viện, cần thêm các nghiên cứu sau này về hiệu quả tiệt trừ của từng phác đồ cụ thể.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Ngọc Quý Huệ, Trần Văn Huy, Nguyễn Thanh Hải. Viêm dạ dày mạn do Helicobacter pylori: hiệu quả tiệt trừ của phác đồ bốn thuốc có Bismuth. Tạp chí y dược học, 32, p.149-159.
2. Nguyễn Thị Nhã Đoan. Hiệu quả của phác đồ bộ ba có Levofloxacin kết hợp với Bismuth trong tiệt trừ Helicobacter pylori. Tạp chí khoa học tiêu hóa Việt Nam. 2018; IX(53), p3294-3300.
3. Nguyễn Văn Thịnh. Nghiên cứu tình trạng nhiễm Helicobacter pylori, một số vi khuẩn kỵ khí khác và những tổn thương niêm mạc dạ dày trong viêm dạ dày mạn. Viện nghiên cứu y học lâm sàng. 2010; 12, p.23-30.
4. Nguyễn Xuân Thủy. Đánh giá hiệu quả điều trị diệt Helicobacter pylori bằng phác đồ PCA, PTMB, PLA. Tạp chí khoa học tiêu hóa Việt Nam. 2016 IX(45), p.2851-2855.
5. Trần Đình Cường, Trần Văn Huy. Đánh giá hiệu quả của phác đồ RBMT ở bệnh nhân viêm dạ dày mạn nhiễm Helicobacter pylori đã thất bại với phác đồ ba thuốc. Tạp chí nội khoa Việt Nam. 2017; p.206-14.
6. Trần Thị Khánh Tường. Hiệu quả điều trị của phác đồ 4 thuốc có Bismuth trong điều trị nhiễm Helicobacter pylori. Tạp chí khoa học tiêu hóa Việt Nam. 2017; IX (49), p.3067 – 3074.
7. Abbasi L, Seyedmajidi S. Levofloxacin containing triple therapy versus bismuth based quadruple therapy as regimens for second line anti - Helicobacter pylori. 2019; 10(2), p.211-216.
8. Ahn HJ,et al. Efficacy and safety of the triple therapy containing Ilaprazole, Levofloxacin, and Amoxicillin as first line treatment in helicobacter pylori. Gastroenterol Res Pract. 2017; 24(10), p.1587-1600.
9. Ayako Yanai, Kei S.,et al. Non bismuth quadruple therapy for first line Helicobacter pylori eradication: A randomized study in Japan. World Journal of Gastroenterology. 2012; 3(1), p.1-6.
10. Chey, William D MD, Leontiadis, et al. ACG Clinical Guideline: Treatment of Helicobacter pylori infection. American Journal of Gastroenterology. 2017; 112(2), p. 212-239.
11. Javier P.G., Xavỉe C. Update on non bismuth quadruple therapy for eradication of Helicobacter pylori. Clin Exp Gastroenterol. 2012; 5, p.23-24.
12. Malfertheiner,P., Megraud,F.,Omorain. Management of Helicobacter pylori infection the Maastricht V/Florence Consensus Report. Gut. 2017; 66, p.6-30.
13. Thi Thu Ha Hoang, Carina Bengtsson. Seroprevalence of Helicobacter pylori Infection in urban and rural Viet Nam. Clin Diagn Lab Immunol. 2005; 12(1), p.81-85.
14. Varocha Mahaicha, Pathakorn Vilaichone, Duc Trong Quach. Helicobacter pylori management in Asean: The Bankok Consensus Report. Journal of Gastroenterology and Hepatology. 2017; 33(1).
15. Yuksel Gumurdulu, Ender Serin. Low eradication rate of Helicobacter pylori with triple 7 - 14 days therapy in Turkey. World Journal of Gastroenterology. 2004; 10(5), p.668-671.
16. Zamani M, Ebrahimtabar F. Systematic review with meta-analysis: the worldwide prevalence of Helicobacter pylori infecti. Aliment Pharmacol Ther. 2018; 47(7), p.868-76.