Nghiên cứu xây dựng mô hình lai tạo và nuôi dưỡng bò lai hướng thịt tại ba xã nông thôn mới của thị xã Bến Cát Bình Dương
Đây là đề tài cấp cơ sở do Phòng Kinh tế thị xã Bến Cát quản lý, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ chủ trì thực hiện và thạc sĩ Đậu Văn Hải làm chủ nhiệm.
Trong những năm, qua mặc dù phong trào chăn nuôi bò thịt ở Bến Cát nói chung và tại các xã nông thôn mới nói riêng có phát triển nhưng vẫn mang tính tự phát. Tính đến tháng 6/2018 toàn thị xã Bến Cát có khoảng 2.463 con trâu, bò. Phần lớn nông hộ chăn nuôi bò theo phương thức truyền thống; qui mô chăn nuôi nhỏ, nuôi giống bò địa phương cho sinh sản, chưa chủ động sản xuất thức ăn thô xanh, chưa tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò và phối giống tự nên đã ảnh hưởng đến chất lượng đàn bò. Một số hộ đã có trồng cỏ cho chăn nuôi bò thịt, nhưng trồng với diện tích rất ít, năng suất chưa cao nên chưa đáp ứng nhu cầu thức ăn thô xanh cho bò đặc biệt là vào mùa khô, vì vậy đã ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng và sinh sản. Bên cạnh đó, trong tỉnh chưa hình thành hệ thống giống bò hướng chuyên thịt, có khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng giống bò thịt nhưng mức độ nhân rộng còn hạn chế, chưa sử dụng nguồn tinh bò giống chuyên thịt cao sản. Một số xã đã hình thanh phương thức nuôi vỗ béo bò đực lai Zebu, nhưng cũng tự phát, thức ăn chỉ cỏ và cám hỗn hợp, cho bò ăn riêng từng loại, nhìn chung chưa có quy trình vỗ béo, khẩu phần ăn chưa phù hợp nên hiệu quả chưa cao.
Xuất phát từ thực trạng trên, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ đã đề xuất triển khai nhiệm vụ trên nhằm hỗ trợ người chăn nuôi bò thịt phát triển bền vững, để có những giải pháp phù hợp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò, nâng cao giá trị gia tang và hiệu quả kinh tế đáp ứng được chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và trong tỉnh nói riêng.
Nhiệm vụ được tiến hành với mục tiêu đánh giá được tình hình chăn nuôi bò thịt và tiêu thụ thịt bò tại Bến cát; đánh giá khả năng sinh trưởng của đàn bê lai hướng thịt (khối lượng tăng 20-30% so với bê địa phương) và xây dựng quy trình nuôi dưỡng bê lai từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi; nâng cao hiệu quả kinh tế từ 15-20% trong vỗ béo bò đực lai Zebu dựa trên nguồn thứa ăn sẵn có của địa phương; xây dựng được mô hình chăn nuôi bò thịt gắn với việc chủ động sản xuất, bảo quản thức ăn thô cho bò và đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, nâng cao kỹ thuật cho người chăn nuôi bò lai hướng thịt.
Trong quá trình triển khai, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra tình hình phát triển chăn nuôi bò thịt ở 9- hộ và thị trường tiêu thụ thịt bò ở thị xã Bến Cát; thực hiện lai tạo, tạo bò lai hướng thịt và đánh giá ngoại hình, khả năng sinh trưởng của bê lai từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi: Thí nghiệm đầu tiên được thực hiện tạo bò lai hướng thịt F1 trên đàn bò cái sinh sản lai sind sử dụng để lai tạo đàn bò lai F1 là 81 con, được chia đều làm 03 nhóm để lai tạo với các giống bò Red Angus, Charolais và Red Brahman (27 con/nhóm). Thí nghiệm thứ hai thực hiện đánh giá ngoại hình và khả năng sinh trưởng của bê lai F1 từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi.
Sau khi thực hiện lai tạo, nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện vỗ béo bò đực lai Zebu trên nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương: cám hỗn hợp, hèm bia, xác mì, rơm khô, cỏ voi, cỏ sả, cỏ Ruzi và cỏ tự nhiên. Tuỳ theo thực tế của từng hộ, khẩu phần ăn đã được phối trộn đảm bảo các yếu tố thí nghiệm trong khuôn khổ nhiệm vụ. Tổng số con bò lai Zebu tuổi trung bình tháng (22 - 26 tháng), khối lượng trung bình 307,4 kg được bố trí vào 9 nghiệm thức, với 5 con/nghiệm thức theo phương pháp hoàn toàn ngẫu nhiên. Theo đó, bò được nuôi cá thể, nhốt hoàn toàn, hàng ngày vệ sinh chuồng trại 2 lần, cung cấp nước uống tự do tại chuồng. Thức ăn sử dụng là TMR (Total Mixed Ration) được phối trộn trên thực tế mà nông hộ có, cho ăn 3 - 4 ngày/lần.
Thực hiện xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt gắn với việc chủ động sản xuất, bảo quản thức ăn thô cho bò và đảm bảo vệ sinh môi trường: Từ những kết quả thu được về khả năng sản xuất của đàn bò trong mô hình thí nghiệm và mô hình đối chứng, lượng thức ăn sử dụng và đơn giá thời điểm, hiệu quả kinh tế đã được tính toán và kết quả cho thấy, đối với đàn bò cái sinh sản đã tiết kiệm được 40,8 ngày nuôi/lứa đẻ, vì vậy không những tiết kiệm được thời gian nuôi dưỡng mà còn tiết kiệm được chi phí thức ăn/bê sinh ra. Hiệu quả kinh tế từ mô hình thí nghiệm so với mô hình đối chứng khoảng 6 triệu đồng/mô hình/12 tháng.
Song song với việc triển khai các nội dung nghiên cứu ứng dụng của đề tài, công tác chuyển giao kỹ thuật cho người chăn nuôi bò cũng được thực hiện Kết quả chuyển giao kỹ thuật cho người chăn nuôi bò đã đạt 100% kế hoạch đề ra. Người chăn nuôi nhận biết thêm nhiều giống bò chất cao nhập nội để lai tạo với bò địa phương, tạo đàn bò lai hướng thịt thích nghi với điều kiện nuôi dưỡng tại từng địa phương. Người chăn nuôi còn học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi bò thịt từ các trang trại và nông hộ khác.
Thông qua nghiên cứu triển khai nhiệm vụ cho thấy, chăn nuôi bò thịt tại ba xã nông thôn mới của Bến Cát được phát triển theo hướng chăn nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo bán thịt nhưng qui mô còn thấp. Trình độ kỹ thuật chăn nuôi bò thịt còn hạn chế, công tác phòng bệnh truyền nhiệm được quan tâm nhưng tỷ lệ số hộ tham gia phòng bệnh truyền nhiễm cho đàn bò chưa cao (80%), tỷ lệ số hộ chăn bò phòng bệnh ký sinh trùng còn thấp (23 - 39%)…
Bê lai F1 Charolais, Red Angus và Brahman có khối lượng lớn hơn bò Lai Sind và có khả năng thích nghi với điều kiện nuôi dưỡng tại Bến Cát. Hiệu quả vỗ béo bò đực lai Zebu (Lai Sind) đã làm giảm chi phí thức ăn/kg tăng trọng từ 30,10 - 41,24% so với nuôi dưỡng theo phương thức truyền thống.
Mô hình chăn nuôi bò thịt nông hộ đảm bảo vệ sinh môi trường (hệ thống biogas và thu gom phân vào hố ủ), góp phần làm ô nhiễm môi trường; khả năng sản xuất của đàn bò Lai Sind được cải thiện (khoảng cách lứa để giảm 40,8 ngày và khả năng tăng trọng của bê 2 - 12 tháng tuổi là 507,7 g/con/ngày tăng 20,69%).
Mỹ Linh