Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Chọn lựa công nghệ và mô hình thương mại điện tử phù hợp cho loại hình doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
a/ Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trung tâm Tin học và Thông tin khoa học công nghệ
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Trần Trọng Tuyên
- và những người tham gia chính:
1. ThS. Phan Văn Trọng
2. ThS. Trương Hoài Phan
3. CN. Vương Đình Thành
4. CN. Nguyễn Thị Thơ Mộng
5. CN. Lưu Thị Cẩm Loan
6. CN. Nguyễn Thị Ngọc Vàng
7. CN. Phạm Thị Vương
8. CN. Lê Thị Gấm
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ: Chọn lựa công nghệ và mô hình thương mại điện tử phù hợp cho loại hình doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Xây dựng mô hình thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
I. Đặt vấn đề
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ gặp nhiều khó khăn, vừa cắt giảm chi phí đầu tư và nhân lực, vừa phải mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Do đó, việc xây dựng và cải thiện chất lượng website đang được các doanh nghiệp chú trọng quan tâm, từng bước xem đây là kênh quan trọng, hiệu quả và tiết kiệm để quảng bá thương hiệu, sản phẩm và chăm sóc khách hàng. Song song đó, thương mại điện tử cũng được các doanh nghiệp Việt Nam xem là một công cụ hỗ trợ thương mại truyền thống trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Tại Bình Dương, thương mại điện tử (TMĐT) đang bắt đầu được ứng dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa có một mô hình TMĐT cho doanh nghiệp áp dụng một cách hiệu quả. Hạ tầng công nghệ thông tin - Viễn thông của tỉnh hiện nay khá tốt, song việc đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin của hầu hết các doanh nghiệp còn rất khiêm tốn. Đặc biệt, do thói quen sử dụng mô hình thương mại truyền thống và chưa nắm bắt hết lợi ích mà TMĐT mang lại nên đa số doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn, chậm trễ trong quá trình phối hợp triển khai ứng dụng TMĐT.
Để khắc phục những hạn chế và phát huy những điểm mạnh trong việc phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhóm nghiên cứu đã đề xuất thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương” nhằm khai thác có hiệu quả công nghệ thông tin và TMĐT phục vụ mục tiêu đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
II. Kết quả thực hiện
Đề tài tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở pháp lý, hạ tầng công nghiệp, hiệp hội thương mại điện tử, chính sách đào tạo nhân lực cho thương mại điện tử tại Bình Dương; thực trạng nhu cầu về phát triển ứng dụng TMĐT hiện nay tại các doanh nghiệp thương mại và dịch vụ nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng khung kế hoạch kinh doanh TMĐT và các giải pháp xây dựng và phát triển mô hình TMĐT cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
1. Tổng quan các mô hình thương mại điện tử có thể áp dụng cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương: Đề tài đã hệ thống được các mô hình TMĐT hiện nay như mô hình doanh nghiệp với doanh nghiệp - B2B, doanh nghiệp với người tiêu dùng - B2C, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước - B2G, người tiêu dùng với người tiêu dùng - C2C và cơ quan nhà nước với người tiêu dùng - G2C; lợi ích do TMĐT mang lại cho doanh nghiệp; nghiên cứu và phân tích các mô hình TMĐT đó và đưa ra một số mô hình TMĐT có thể áp dụng cho các doanh nghiệp đặc thù trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời, đề tài cũng đưa ra 2 mô hình tổng quan về phát triển TMĐT cho doanh nghiệp.
2. Tổng quan hiện trạng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở pháp lý, hạ tầng công nghiệp, hiệp hội thương mại điện tử, chính sách đào tạo nhân lực cho thương mại điện tử tại Bình Dương: Điều kiện tự nhiên, xã hội, kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương rất thuận lợi cho việc phát triển TMĐT trong doanh nghiệp; ngành công nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh chủ yếu là công nghiệp phần cứng và đã thu hút được một số dự án mới trong phát triển về công nghiệp công nghệ thông tin, ngành công nghiệp điện tử đã thu hút được gần 20% số dự án đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước; việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin trong tỉnh có không ít những cơ hội và thách thức, song ngành này cũng góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian qua.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất và thương mại rất được doanh nghiệp quan tâm, đây được xem là một trong những tiêu chí quan trọng nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng cho thương mại điện tử trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thanh toán cho giao dịch mua bán trên mạng - thanh toán tự động cũng là mối quan tâm để doanh nghiệp có thể triển khai hình thức kinh doanh bằng TMĐT.
Tại tỉnh Bình Dương, để góp phần phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước đáp ứng nhu cầu dịch vụ và tiện ích ngân hàng cho nhân dân trong tỉnh, ngày 25/7/2011, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND về việc triển khai kết nối liên thông mạng lưới thanh toán qua điểm chấp nhận thẻ (POS) và phát triển thanh toán thẻ qua POS trên địa bàn tỉnh.
Các vấn đề pháp lý trong TMĐT liên quan đến nhiều chế định pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau. Trong thương mại truyền thống, các bên thường gặp nhau trực tiếp để tiến hành giao dịch hoặc là những người đã quen biết nhau từ trước, được phân định rõ ràng về ranh giới quốc gia. Còn trong TMĐT, các chủ thể không tiếp xúc trực tiếp với nhau và không đòi hỏi phải biết nhau từ trước, phi biên giới. Tuy nhiên TMĐT không thể thực hiện được nếu không có người thứ ba là các nhà cung cấp dịch vụ mạng. Nếu như trong thương mại truyền thống mạng lưới là phương tiện để trao đổi thông tin thì trong TMĐT mạng Internet chính là một thị trường. Do vậy, các vấn đề pháp lý nảy sinh trong thị trường ảo là hoàn toàn khác.
Một số vấn đề pháp lý trong TMĐT quan tâm như: Đảm bảo an toàn và độ tin cậy cho các giao dịch TMĐT; bảo đảm tính riêng tư; bảo vệ người tiêu dùng; các vấn đề về hợp đồng; các yêu cầu hình thức văn bản, chữ ký, văn bản gốc; thời điểm, địa điểm gửi, nhận thông điệp điện tử. Các vấn đề này được quy định trong một khuôn khổ pháp lý nhất định.
Các phương pháp lưu trữ website thương mại điện tử cũng được nhóm nghiên cứu rất quan tâm và đưa ra một số phương án phù hợp với doanh nghiệp Bình Dương, trong đó có phân tích đến ưu điểm và nhược điểm của từng phương án. Các hệ cơ sở dữ liệu, công nghệ, phân tích lựa chọn công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT… cũng góp phần không nhỏ trong việc phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh.
3. Thực trạng nhu cầu về phát triển ứng dụng TMĐT hiện nay tại các doanh nghiệp thương mại và dịch vụ nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh: Bình Dương có số lượng DNNVV phát triển rất nhanh, chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số các DN được thành lập. Trước năm 1999, DNNVV chiếm tỷ lệ dưới 50% số lượng các DN đăng ký kinh doanh. Năm 2005, tỷ lệ đạt 87,9% và tiếp tục tăng lên 95,6% vào năm 2010. Các DNNVV đóng góp 52,7% trong cơ cấu GDP của tỉnh, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho gần 60% tổng số lao động toàn tỉnh. Sự phát triển tích cực của khu vực DNNVV trong những năm qua đã huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần ổn định tình hình kinh tế - chính trị và an sinh xã hội của tỉnh nhà.
Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Bình Dương nói riêng, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang có nhận thức nhất định trong việc ứng dụng CNTT và các phương tiện mới của internet vào công việc kinh doanh của mình. Tâm lý chờ đợi, nhìn nhau, ngại thay đổi, sợ rủi ro, thiếu tầm nhìn vẫn còn tồn tại trong một số doanh nghiệp Việt Nam. Họ không tin TMĐT có thể đem lại những lợi ích lớn cho doanh nghiệp. Họ bằng lòng với vị trí của người ngoài cuộc, hay người quan sát, vì với họ, TMĐT chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nước ngoài.
Là một tỉnh năng động trong phát triển kinh tế, Bình Dương đã có nhiều chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển TMĐT trong doanh nghiệp, song cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như: Hệ thống cơ chế, chính sách của các bộ, ngành Trung ương chưa được đồng bộ; công tác tổ chức xúc tiến thương mại, hỗ trợ DNNVV mới hình thành; chưa có cơ chế phát triển các loại hình dịch vụ phát triển DNNVV nhất là về tài chính và công nghệ; bộ máy thực hiện chức năng hỗ trợ phát triển DNNVV tại địa phương chưa hoàn chỉnh…
Kết quả khảo sát cho thấy, 87,7% doanh nghiệp cho phép nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử website, email, fax hoặc điện thoại. Sử dụng nhiều nhất là website (99,0%), thư điện tử (88,0%), sau đó đến fax (52,0%). Chỉ có 15,0% doanh nghiệp nhận đặt hàng qua điện thoại. Đây là một con số khá lớn so với tỷ lệ doanh nghiệp có website trong năm 2010. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn cao, tỷ lệ 8.7% doanh nghiệp áp dụng phương thức thanh toán trực tuyến là rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới và yêu cầu thanh toán của thương mại điện tử.
Năm 2010, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch TMĐT đạt mức 14%, tăng hơn 2% so với năm 2009 (12%). Theo địa bàn hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch TMĐT tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tương ứng là 20% và 17%. Còn tại các địa phương phác, tỷ lệ tham gia sàn giao dịch TMĐT chỉ đạt mức 9%. Kết quả khảo sát thực tế trong khuôn khổ của đề tài, có 47% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của sàn giao dịch chỉ ở mức trung bình, 28% đánh giá hiệu quả ở mức thấp và rất thấp. Chỉ có 26% doanh nghiệp đã tham gia cho rằng sàn giao dịch TMĐT mang lại hiệu quả cao và rất cao.
Số liệu khảo sát trong năm 2011, tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương có tỷ lệ sử dụng email rất lớn (94%); 87% là tỷ lệ doanh nghiệp xác nhận là có bảo vệ thông tin khách hàng; 41% doanh nghiệp có cán bộ chuyên trách về TMĐT; 22% sử dụng chữ ký số trong giao dịch; 86% doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 7% trong số 126 doanh nghiệp khảo sát có tham gia sàn giao dịch TMĐT… và chỉ có 44% doanh nghiệp xây dựng website thương mại dịch vụ.
4. Khung kế hoạch kinh doanh TMĐT và giải pháp xây dựng và phát triển mô hình TMĐT cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương: Nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình thương mại điện tử cho doanh nghiệp, đề xuất các giai đoạn triển khai TMĐT cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể hóa thông tin trong mô hình, phân tích các yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến phát triển TMĐT trong doanh nghiệp; 4 giai đoạn triển khai TMĐT cho doanh nghiệp một cách an toàn và hiệu quả.
Với các giải pháp về chính sách, nguồn nhân lực, mở rộng tiện ích TMĐT và hoàn thiện website của doanh nghiệp; giải pháp xây dựng và phát triển mô hình thương mại cho các doanh nghiệp trên địa bàn; mô hình website TMĐT cho các doanh nghiệp thương mại… góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả ứng dụng TMĐT tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, đề tài còn phân tích, thiết kế hệ thống website TMĐT theo mô hình B2B và B2C; triển khai và cài đặt hệ thống website TMĐT theo mô hình B2B và B2C; thử nghiệm hệ thống website thực tế theo mô hình B2B và B2C; áp dụng mô hình TMĐT đề xuất để xây dựng website hỗ trợ kinh doanh và dịch vụ cho BINHDUONG CISTI và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bình Dương.
III. Kết luận
Là một tỉnh đang trên đà phát triển mạnh mẽ, Bình Dương cũng đang đứng trước cơ hội và thách thức mà xu thế phát triển khoa học và công nghệ nói chung và quá trình toàn cầu hóa nói riêng mang lại. Ứng dụng thương mại điện tử có lẽ là con đường mà xu thế phát triển của nhân loại đã đặt ra trước mắt. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý và mọi thành phần kinh tế phải nỗ lực hết mình xây dựng, hoàn thiện các điều kiện thương mại điện tử một cách bền vững. Trong đó, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực sẽ là ưu tiên chiến lược dài hạn quan trọng nhất của tỉnh nhà.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc: 12 tháng
- Thời gian bắt đầu:
- Thời gian kết thúc:
g/ Kinh phí thực hiện: 441.000.000 đồng
PTTKHCN