Người Mường ở Bình Dương
Đây là đề tài của ThS. Đinh Thị Yến, trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện với mục tiêu khảo sát cộng đồng người Mường hiện đang sống tại tỉnh Bình Dương, phác thảo nguồn gốc di dân, quá trình định cư, địa bàn phân bố dân cư. Nhận diện những đặc điểm văn hóa của người Mường ở Bình Dương ngày nay. So sánh những đặc điểm văn hóa truyền thống của tộc người này với những đặc điểm văn hóa ngày nay, phác thảo những xu hướng phát triển của cộng đồng đối với sự phát triển của tỉnh. Phân tích những yếu tố văn hóa có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng tộc người nói riêng và của tỉnh Bình Dương nói chung.
Người Mường ở Bình Dương có quê quán là Thanh Hóa chiếm số lượng lớn nhất. Lý do họ di cư phần lớn là cuộc sống khó khăn, thiếu việc làm hoặc muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngoài Thanh Hóa, vùng người Mường xuất cư để đến Bình Dương đông thứ hai là Hòa Bình, nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn một số gia đình ở huyện Phú Giáo. Các gia đình trước đây đều sinh sống ở khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình tỉnh Hòa Bình.
Ngoài vùng lãnh thổ tộc người truyền thống là Hòa Bình và Thanh Hóa, người Mường sống ở Bình Dương còn có nguồn gốc từ nhiều nơi khác nhau, nhóm người đến từ Hà Tây (Hà Nội) sống ở Bàu Bàng, nhóm đến từ Ninh Bình sống ở Dầu Tiếng và ở Dĩ An, Thủ Dầu Một có nhiều người đến từ Phú Thọ và một số nơi khác. Như vậy, trong những thập niên gần đây, sự phát triển nền kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ đã tạo ra lực hút lớn đối với làn sóng di cư từ khắp nơi đổ về, những di dân đến đây với mong muốn có cuộc sống tốt đẹp. Ở thời điểm này, Bình Dương là một trong những tỉnh mới phát triển có nhiều lợi thế như đất đai rộng lớn, tươi tốt, khí hậu ổn định, dân cư còn thưa thớt đã trở thành “miền đất hứa” cho những người Mường di cư vào đây.
Như vậy, theo số liệu khảo sát của Bảo tàng năm 2012 và kết quả phỏng vấn của nhóm nghiên cứu cho thấy một số gia đình người Mường sau khi rời Thanh Hóa, Hòa Bình đã vào các tỉnh Tây Nguyên, Tây Ninh, Bình Phước sinh sống, sau đó chuyển xuống Bình Dương. Với con đường đi chuyển như thế, việc lựa chọn nơi định cư của phần lớn người Mường ở Bình Dương trước năm 2012 là khu vực phía bắc tỉnh tiếp giáp gần với vùng các vùng chuyển cư là điều có thể lý giải.
Quy mô gia đình của cộng đồng người Mường khá nhỏ, ít người, phần lớn là gia đình hạt nhân. Những gia đình ba thế hệ hầu như rất ít. Điều này phù hợp với các đặc trưng về quy mô gia đình của người chuyển cư, số lượng ít và chủ yếu là người trong độ tuổi lao động.
Hiện nay, hình thức canh tác chính của đồng bào Mường vẫn là nông nghiệp và nông lâm kết hợp, cụ thể là trồng lúa kết hợp với chăn nuôi, trồng rừng. Hoạt động công nghiệp - dịch vụ của người Mường đã xuất hiện nhưng vẫn còn rất ít, ngành nghề này chỉ tập trung ở những nơi nằm trên trục đường giao thông lớn, thuận lợi thông thương, giao lưu buôn bán hàng hóa.
Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã kéo theo xu thế tất yếu chuyển đổi các hoạt động sinh kế của người dân. Đối với người Mường, trước đây sản xuất lúa được xem là nguồn sống chính. Hiện nay, họ đã chuyển sang trồng cây công nghiệp, làm công nhân và một số ngành nghề khác như thợ xây, buôn bán nhỏ, một số rất ít là công nhân viên chức nhà nước.
Như vậy, xuất phát từ những người nông dân trồng lúa và hoa màu, người Mường di cư tại Bình Dương đã chuyển đổi, đa dạng hóa các chiến lược sinh kế sang trồng cây công nghiệp, làm công nhân và các hình thức sinh kế khác. Dù ở lĩnh vực sinh kế nào thì cuộc sống hiện tại vẫn được họ tự đánh giá là cao hơn nhiều so với trước đây. Trong quá trình tìm kiếm chiến lược sinh kế bền vững và hòa nhập cộng đồng, người Mường đã gặp được nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.
Nguồn nhân lực hay nguồn vốn con người phân hóa theo 3 nhóm chính dựa vào trình độ học vấn và nguồn lao động cũng được phân thành ba nhóm ngành lớn. Tuy nhiên, khi họ được phân bố vào nhóm trình độ nào đi chăng nữa thì thị trường việc làm ở Bình Dương vẫn rộng mở đối với họ. Và, qua một số hộ được phỏng vấn, tác giả nhận thấy ngoài thời gian làm nông nghiệp người Mường có thể tham gia vào các công việc khác như công nhân, làm thuê. Những công việc lúc nông nhàn này đã hỗ trợ một phần nào các khoản chi hay dòng tài chính chảy ra cho gia đình trong năm…
Có thể nói, người Mường ở Bình Dương sống đan xem với nhiều tộc người xung quanh nên quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa diễn ra thường xuyên. Rất nhiều các đặc trưng văn hóa đã không còn hoặc mai một như nhà cửa, lễ hội, trang phục, ẩm thực, tổ chức và quản lý cộng đồng truyền thống...
Lao động di cư người Mường đã bổ sung nguồn lao động cho Bình Dương và làm phong phú và đa dạng văn hóa Bình Dương, đồng thời góp sức vào phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, người Mường di cư tự do và tạm thời với số lượng lớn làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp đã tạo áp lực gia tăng dân số cơ học, vấn đề quản lý xã hội và vấn đề môi trường trong quá trình phát triển bền vững của tình Bình Dương.
Dương Tuấn