Nhãn hiệu tập thể: Bảo hộ thương hiệu sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế
Với việc xác định nhãn hiệu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, trong đó có nhãn hiệu tập thể (NHTT), trong thời gian qua tỉnh Bình Dương đã triển khai xây dựng và phát triển NHTT nhằm bảo tồn và phát triển các sản phẩm đặc trưng gắn với địa danh Bình Dương. Đồng thời, thông qua NHTT đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên, hội viên sử dụng NHTT, nhất là trong quá trình hội nhập như hiện nay
Bảo hộ thương hiệu
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN), tính đến nay trên địa bàn tỉnh, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã cấp giấy chứng nhận NHTT cho Gốm sứ Bình Dương, Sơn mài Bình Dương, Măng cụt Lái Thiêu, Bưởi Bạch Đằng, Bánh tráng Danh Lễ Thanh An, Hiệp Lực Bình Dương, Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương, Hoa lan Đất Thủ và Măng cụt Dầu Tiếng.
Bà Nguyễn Thụy Minh Chi, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Thuận An (đơn vị quản lý và sử dụng NHTT măng cụt Lái Thiêu), cho biết, từ khi được cấp NHTT, từ năm 2014 đến nay, Ban Quản lý và Kiểm soát NHTT măng cụt Lái Thiêu đã thẩm định và cho phép 18 hộ được sử dụng tem NHTT măng cụt Lái Thiêu. Khi có nhãn hiệu, măng cụt Lái Thiêu ít bị cạnh tranh về giá do măng cụt từ các địa phương khác đưa về. Các nhà vườn đã dần dần có ý thức cần phải liên kết lại với nhau thông qua việc tổ chức các câu lạc bộ hay tổ kinh tế tập thể để có cùng một quy trình sản xuất cho chất lượng cây ăn trái đồng đều nhằm cung ứng trái cây có chất lượng tốt, sản lượng ổn định và uy tín trên thị trường.
Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương (đơn vị quản lý NHTT Sơn mài Bình Dương) cũng cho biết, NHTT là cách thức hữu hiệu để đảm bảo lợi thế cạnh tranh là tài sản vô giá đối với nhà kinh doanh. Do đó NHTT không chỉ hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm chung của các thành viên trên thị trường trong và ngoài nước, từ đó tạo cơ sở cho việc hợp tác giữa những nhà sản xuất trong và ngoài nước.
“Từ khi có NHTT cam bưởi Bắc Tân Uyên thì cam, bưởi của trang trại được nhiều người biết hơn và có cơ sở pháp lý để xuất khẩu”, ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến (huyện Bắc Tân Uyên) chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND huyện Dầu Tiếng, đối với huyện, măng cụt là loại cây đầu tiên trên địa bàn được chứng nhận VietGAP. Đây là một dấu mốc quan trọng để dần dần đưa các loại cây trồng khác tiếp tục phát triển theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo nên sự liên kết trong sản xuất từ các hộ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, từ đó từng bước xây dựng thương hiệu cho cây măng cụt huyện Dầu Tiếng.
Ông Lê Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KHCN đánh giá, nhãn hiệu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế với nhiều hàng hóa, dịch vụ của rất nhiều chủ thể kinh doanh khác nhau để người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm và lựa chọn chính xác và nhanh chóng sản phẩm hàng hóa họ cần thì việc đặt tên cho sản phẩm đó thật sự cần thiết. Việc xây dựng NHTT là một trong những biện pháp phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng và cho xã hội, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong thời kỳ hội nhập như hiện nay.
Mang lại hiệu quả kinh tế
Có thể nói, sau khi được cấp chứng nhận NHTT, nhiều “thương hiệu” Bình Dương được khẳng định về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ. Qua đó, đã tăng nguồn thu kinh tế đáng kể cho các hội viên, thành viên sử dụng NHTT.
Ông Lê Bá Linh cho biết, NHTT cũng có thể được sử dụng cùng với các nhãn hiệu riêng của người sản xuất hàng hóa nhất định. Điều này tạo thuận lợi cho các chủ thể sản xuất kinh doanh phân biệt hàng hóa của chính họ với hàng hóa của đối thủ cạnh tranh khác, trong khi cùng thu được lợi ích từ sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mang NHTT. Hiện nay, nhiều sản phẩm sơn mài Bình Dương được nhiều nước ưa chuộng, chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng giá trị hàng mỹ nghệ xuất khẩu.
Gần 20 năm gắn bó với nghề trồng cây ăn trái, nhưng kể từ khi chuyển đổi, tham gia mô hình trồng măng cụt VietGAP, ông Nguyễn Văn Cang, ở xã Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng) mới thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình chuyên canh. Hiện tại, vườn cây của ông phát triển tốt, trung bình mỗi ha măng cụt của ông cho năng suất hơn 2 tấn, mỗi kg được thương lái thu mua khoảng 40.000 - 60.000 đồng, mang lại cho gia đình ông thu nhập ổn định. Ông Cang chia sẻ, vừa qua, khi tham gia hội thi “Trái ngon - An toàn Nam bộ”, nhờ áp dụng quy trình sản xuất sạch VietGAP, chất lượng trái ngày càng ngon nên măng cụt của gia đình ông đã giành được giải nhất.
Lãnh đạo UBND xã Thanh Tuyền cũng cho biết thêm, theo Nghị quyết của Đảng bộ xã Thanh Tuyền, trong giai đoạn 2015 - 2020 địa phương sẽ tập trung thực hiện Dự án Phát triển vườn cây ăn trái đặc sản Măng cụt gắn với khu du lịch sinh thái. Không những quy hoạch phát triển cây ăn trái, địa phương đã liên kết với Ban quản lý Địa đạo Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) mở rộng địa đạo qua địa bàn nhằm triển khai dự án. Với sự nỗ lực của địa phương, cộng với sự đồng thuận của nhân dân trong xã, dự án đang có nhiều thuận lợi, tạo thương hiệu sản phẩm măng cụt và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Bên cạnh việc đem lại hiệu quả kinh tế khi được bảo hộ sản phẩm thì việc giữ vững và duy trì NHTT cũng là vấn đề được đặt ra không chỉ đối với chủ sở hữu mà còn đối với các cơ quan, các ngành chức năng. Bởi NHTT dùng chung cho tất cả nông dân có sự ràng buộc, gắn kết trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp thì sẽ dẫn đến việc lạm dụng nhãn hiệu, gây hậu quả xấu.
Ông Lê Tấn Cường cũng khuyến cáo, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu đã khó nhưng việc quản lý, phát triển thương hiệu càng khó hơn nhiều lần. Do đó, để đảm bảo uy tín các sản phẩm đã cấp NHTT, thì những hội viên, thành viên đạt các tiêu chuẩn theo quy định thì mới được sử dụng NHTT, có như vậy các sản phẩm mới đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững hơn.
Nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Dầu Tiếng” được huyện Dầu Tiếng thực hiện từ năm 2016 tại các vườn Măng cụt chất lượng cao thuộc xã Thanh Tuyền, Thanh An với mô hình Nhà quản lý - Nhà vườn - Nhà khai thác theo các quy trình sản xuất, tiêu chí về trọng lượng quả, độ đường, an toàn thực phẩm… theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP. Ngày 17/6/2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể Măng cụt Dầu Tiếng, Hội Nông dân Dầu Tiếng và 13 hộ nhà vườn trồng Măng cụt tại xã Thanh An, Thanh Tuyền có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Măng cụt Dầu Tiếng. Tiêu chuẩn sản phẩm mang nhãn hiệu Măng cụt Dầu Tiếng với hình dáng bên ngoài là da láng, không sần sùi, không nứt, không chảy mủ và màu sắc đỏ đen hoặc đỏ nhạt.
Thiên Bình