Nhìn lại 5 năm công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương
Sau khi Kế hoạch số 3851/KH-UBND ngày 05/9/2017 triển khai, thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017-2021 của Chính phủ được ban hành, Sở Khoa học và Công nghệ đã ban hành Kế hoạch số 33/KH-SKHCN xác định các mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp thực hiện kế hoạch. Chỉ đạo các phòng, đơn vị xây dựng ký kết các chương trình phối hợp (trong đó có nội dung phổ biến giáo dục pháp luật) với Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn; phối hợp các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh triển khai, giới thiệu đến sinh viên về các nội dung chính sách, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh trên địa bàn tỉnh; phối hợp các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai pháp luật, tập huấn nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Kết quả triển khai
Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác PBGDPL
Qua 5 năm tổ chức và thực hiện Kế hoạch số 3851/KH-UBND ngày 05/9/2017, công tác tuyên truyền, PBGDPL của ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền đã xác định rõ PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hình thức, nội dung tuyên truyền ngày càng đa dạng, dễ hiểu, dễ tiếp nhận và được tổ chức sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc triển khai các chương trình, kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật đều được Đảng ủy Sở quan tâm chỉ đạo thông qua việc ban hành Nghị quyết Đảng ủy hàng tháng, giao nhiệm vụ các phòng, đơn vị và đảng viên, công chức triển khai tổ chức thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch giai đoạn 2017-2021, Sở đều ban hành kế hoạch cụ thể về hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm, trong đó đều đưa ra nội dung, đối tượng, hình thức phổ biến và phân công cụ thể các phòng, đơn vị tổ chức thực hiện.
Tổ chức thi hành nghiêm chỉnh, đồng bộ Luật PBGDPL; chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về PBGDPL
Tiếp tục triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; Nghị định 28/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật,… trong giai đoạn 2017-2021, Sở đã tăng cường tuyên truyền đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động của ngành về ý nghĩa, nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua việc giới thiệu trong Ngày pháp luật Việt Nam hằng năm, báo cáo kết quả 05 năm triển khai thi hành Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng và tổ chức thực hiện các Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm của ngành. Bên cạnh đó gắn với đặc điểm công tác chuyên môn của ngành đã chủ động phối hợp các địa phương, các trường đại học và cao đẳng của tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật, chính sách của ngành đến các đối tượng doanh nghiệp, thanh niên, sinh viên, nông dân,… bằng nhiều hình thức: phổ biến trực tiếp thông qua hội nghị, đào tạo, tổ chức thi trực tuyến, phát tờ rơi, tuyên truyền trên Đài phát thanh, truyền hình và Đài truyền thanh ở các địa phương,… với các nội dung về pháp luật, chính sách khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ, khoa học công nghệ,…
Thời quan qua, với phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành, Sở đã tổ chức hơn 132 lượt PBGDPL trực tiếp với hơn 10.122 lượt người tham dự. Giai đoạn này đối tượng tham dự gồm: công chức cấp huyện, xã; các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hội viên Hội nông dân, đoàn viên thanh niên; giáo viên và sinh viên các trường đại học trên địa bàn tỉnh. Ngoài tổ chức các đợt Hội nghị, Sở đã tham gia 08 lượt Chương trình “Pháp luật và cuộc sống” trên đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Dương để hướng dẫn, giải đáp một số vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp các nội dung liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng… Năm 2017, đã tổ chức 02 cuộc thi: Hội thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về tiêu chuẩn đo lường chất lượng” trên địa bàn tỉnh, kết quả: có 3.752 lượt người tham gia dự thi và Cuộc thi tìm hiểu về Ngày pháp luật Việt Nam đã được cán bộ, công chức, viên chức của ngành tham gia tích cực; năm 2020 tổ chức thi tìm hiểu về cải cách hành chính trong nội bộ ngành với hơn 80 công chức, viên chức và người lao động tham gia dự thi.
Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách về PBGDPL.
Việc tham gia hoàn thiện thể chế, chính sách về PBGDPL được Sở quan tâm nghiên cứu để góp ý các chính sách, quy định có liên quan đến hoạt động PBGDPL của cấp có thẩm quyền soạn thảo và tham mưu ban hành. Trong những năm qua, hoạt động PBGDPL thường được Sở kiến nghị hoàn thiện về kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chế độ chính sách dành cho cán bộ tham gia các hoạt động tuyên truyền pháp luật cũng như kinh phí hoạt động trong công tác này.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về PBGDPL; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác PBGDPL của ngành trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực; cấp ủy đảng, chính quyền đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các phòng, đơn vị triển khai và bảo đảm thực hiện sau khi Luật PBGDPL được ban hành. Đặc biệt, thực hiện trách nhiệm được Luật và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Sở đều tích cực tuyên truyền, phổ biến cho công chức, viên chức, người lao động và các tổ chức, cá nhân có liên quan phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, bảo đảm để đội ngũ cán bộ được giao thi hành pháp luật đều nắm bắt được những điểm mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế trong các văn bản để thi hành đầy đủ và áp dụng thống nhất. Giai đoạn này các lĩnh vực mới: khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, sở hữu trí tuệ, … luôn được tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Nguồn nhân lực thực hiện PBGDPL được củng cố, kiện toàn, chất lượng được nâng lên. Đến nay Sở đã bố trí 01 công chức chuyên trách về pháp chế có nhiệm vụ làm đầu mối tham mưu về PBGDPL; 01 công chức là lãnh đão Sở tham gia Hội đồng phối hợp PBGDPL của tỉnh; 02 công chức là Báo cáo viên pháp luật của tỉnh. Công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng PBGDPL hàng năm và cung cấp thông tin, tài liệu PBGDPL cho đội ngũ này ngày càng được cấp có thẩm quyền quan tâm. Bên cạnh đó, với nhiều lĩnh vực mới trong những năm qua Sở đã chủ động phối hợp với Bộ, ngành ở Trung ương và các viện, truờng đại học để mời báo cáo viên trong việc tuyên truyền, giới thiệu chính sách.
Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin
Hoạt động PBGDPL trong thời gian qua tại Sở được đổi mới cả về nội dung, hình thức. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật sau khi Sở tham mưu ban hành đều được đăng tải công khai trên hệ cơ sở dữ liệu, cổng thông tin của tỉnh, trang tin điện tử của Sở để mọi người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng. Trang thông tin điện tử của Sở kịp thời đưa tin bài phản ánh về tình hình thực thi pháp luật; nhiều nội dung chính sách đã được đăng trên bản tin khoa học công nghệ của ngành; đối với lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo đã xây dựng Trang Thông tin điện tử riêng và đồng thời tuyên truyền trực tiếp trên mạng xã hội để các cá nhân, tổ chức dễ tiếp cận các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này. Nhiều hình thức PBGDPL mới được triển khai thực hiện mang lại nhiều hiệu quả tích cực như Ngày pháp luật Việt Nam được Sở tổ chức hàng năm như: tổ chức thi trực tuyến về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn tỉnh, thi tìm hiểu cải cách hành chính và thi tìm hiểu về Ngày pháp luật trong nội bộ ngành; bên cạnh đó đã chủ động, phối hợp các trường, địa phương cử công chức của ngành phối hợp tuyên truyền nhằm kịp thời đưa chính sách, pháp luật đến tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở KH&CN cũng gặp một số khó khăn nhưng Sở KH&CN đã kịp thời tìm ra nguyên nhân và khắc phục từ đó có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh công tác PBGDPL
Phương hướng
Tổ chức quán triệt các nội dung chương trình PBGDPL trong giai đoạn tiếp theo gắn với Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Thông báo số 74- TB/TW; Kết luận số 04-KL/TW và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật tới cán bộ, công chức, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy trong công tác PBGDPL và sự phối hợp tham gia của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể trong công tác này. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL và cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện công tác PBGDPL tại cơ quan.
Chú trọng xây dựng đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật - vai trò quyết định chất lượng tuyên truyền, PBGDPL.
Bảo đảm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được phổ biến kịp thời, đầy đủ, tạo sự chuyến biến tích cực trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của công chức, viên chức của ngành và nhân dân.
Đổi mới nội dung tuyên truyền, PBGDPL theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn phải thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nâng cao trình độ nhận thức cho các đối tượng, giúp họ có khả năng vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống.
Đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, PBGDPL, không chỉ thông qua hội nghị mà bằng những cách thức khác như tọa đàm, cung cấp các tin bài, cấp phát tài liệu hỏi đáp, tờ gấp, tờ rơi, panô, khai thác, tìm hiểu pháp luật qua hội thi,... Đẩy mạnh tuyên truyền qua ứng dụng công nghệ thông tin.
Tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác PBGDPL. Xác định rõ nội dung, chương trình phối hợp, thời gian và đối tượng tuyên truyền phù hợp với từng cơ quan, đảm bảo phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan.
Thường xuyên hệ thống hoá văn bản QPPL: Để phát hiện và loại bỏ những quy định pháp luật lạc hậu, trùng lắp, mâu thuẫn, kịp thời bổ sung những thiếu sót trong mặt bằng pháp luật; có kế hoạch xây dựng pháp luật phù hợp với mỗi giai đoạn cụ thể; mở rộng các hình thức nhân dân tham gia vào việc xây dựng pháp luật.
Nhiệm vụ, giải pháp
Rà soát, nghiên cứu, tham mưu tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, Chương trình, Kế hoạch về PBGDPL để kịp thời thể chế hóa, tổ chức triển khai thi hành các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng được đề ra tại Đại hội XIII và các Luật, Pháp lệnh mới được ban hành. Sớm nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình PBGDPL của Chính phủ giai đoạn tiếp theo để xác định rõ mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường PBGDPL.
Tiếp tục triển khai thi hành nghiêm chỉnh Luật PBGDPL, các Chương trình, Đề án, Kế hoạch về PBGDPL hằng năm sát với nhiệm vụ chính trị của từng ngành, lĩnh vực.
Tiếp tục đổi mới công tác biên soạn tài liệu, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ PBGDPL.
Đầu tư nguồn lực bảo đảm cho công tác PBGDPL, cả về nhân lực và tài chính; tiếp tục thu hút, huy động các nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL theo chủ trương xã hội hóa gắn với khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL; đổi mới chế độ thống kê, báo cáo để khai thác, kịp thời chia sẻ thông tin phục vụ yêu cầu quản lý, chỉ đạo điều hành.
Minh Thông