Những "Điểm nghẽn" trên hành trình chuyển đổi số của Bình Dương và giải pháp tháo gỡ
Bình Dương đang được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khát vọng trở thành thành phố thông minh vào năm 2030 và trung tâm công nghiệp công nghệ cao hàng đầu Việt Nam vào năm 2045, tỉnh vẫn còn đối mặt với không ít “điểm nghẽn”. Việc nhận diện và tháo gỡ kịp thời kịp thời những rào cản này là yếu tố then chốt nhằm tạo động lực cho sự phát triển bền vững và bứt phá.
Rào cản chuyển đổi số: Góc nhìn thực tiễn
Quá trình chuyển đổi số tại Bình Dương đang diễn ra mạnh mẽ, song hành trình này vẫn vấp phải một số rào cản mang tính hệ thống, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ, chất lượng và hiệu quả của công cuộc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn. Những thách thức này không chỉ dừng lại ở khía cạnh kỹ thuật mà còn là bài toán phức tạp về thể chế, nguồn nhân lực, tài chính và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành.
Một trong những điểm nghẽn nổi bật nhất hiện nay là những bất cập về thể chế và chính sách quản lý dữ liệu. Theo Báo cáo số 38/BC-SKHCN ngày 16/5/2025 của Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương, các quy định của Trung ương về quản lý cơ sở dữ liệu và điều hành còn nhiều hạn chế, thiếu sự đồng bộ và thống nhất giữa các cấp, ngành và lĩnh vực. Điều này khiến cho quá trình tích hợp, khai thác và kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành gặp nhiều khó khăn, từ đó làm giảm hiệu quả ứng dụng dữ liệu trong công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và xây dựng chính quyền số. Dù đến tháng 4/2025, Bình Dương đã kết nối và khai thác được 4/5 cơ sở dữ liệu quốc gia trọng yếu (dân cư, đăng ký kinh doanh, thủ tục hành chính, cán bộ công chức viên chức) cùng 14 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, song vẫn còn tồn tại những vướng mắc đáng kể về chuẩn hóa, chia sẻ và đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống.
Lĩnh vực y tế là minh chứng rõ nét cho sự chậm trễ về thể chế. Kế hoạch triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc vào tháng 9/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang đối mặt với nhiều trở ngại. Nguyên nhân chính có thể kể đến là do Bộ Y tế chưa cập nhật, sửa đổi và ban hành các Thông tư quan trọng như Thông tư số 54/2017/TT-BYT và Thông tư số 46/2018/TT-BYT, vốn là cơ sở pháp lý cho việc triển khai. Thêm vào đó, các cơ sở khám chữa bệnh cấp tỉnh và huyện, hoạt động theo cơ chế tự chủ kinh phí, lại đang phải vật lộn với thách thức lớn về nguồn lực tài chính để triển khai hệ thống phần mềm đáp ứng chuẩn bệnh án điện tử, đặc biệt trong bối cảnh chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính đang diễn ra mạnh mẽ. Đáng chú ý, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương có nguy cơ không hoàn thành tiến độ đề ra, do gói thầu CNTT cho bệnh viện 1.500 giường đang trong quá trình triển khai và phần mềm hiện tại chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của hồ sơ bệnh án điện tử.
Nguồn nhân lực công nghệ thông tin cũng tiếp tục là một rào cản đáng kể. Đội ngũ cán bộ phụ trách CNTT tại nhiều cơ quan, địa phương chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn chưa cao, dẫn đến hạn chế trong việc tham mưu và triển khai các dự án chuyển đổi số quy mô lớn và phức tạp. Báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ cũng chỉ rõ, nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng số, cũng như kỹ năng quản lý và khai thác dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn rất lớn, nhất là khi các yêu cầu về chuyển đổi số ngày càng cao và đa dạng. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã phát động triển khai nhiều sáng kiến như phong trào “Bình dân học vụ số”, thành lập Hội Kỹ sư trẻ, và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về quản lý, phân tích và khai thác dữ liệu. Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương đồng hành cùng phụ nữ ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu kinh doanh
Một rào cản khác không kém phần quan trọng là việc triển khai định danh điện tử và phát triển thương mại điện tử. Mặc dù tỷ lệ thu nhận tài khoản định danh điện tử cho tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt 94,69% đối với các trường hợp có thể thực hiện, vẫn còn 1.496 trường hợp (chiếm 5,3%) chưa thể triển khai được do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã giải thể, sáp nhập hoặc không còn tồn tại tại địa chỉ đăng ký. Tình hình này ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển thương mại điện tử, cũng như công tác quản lý thuế và doanh nghiệp trên môi trường số. Số liệu từ Công an tỉnh cho thấy, trong tổng số 68.789 chỉ tiêu được Bộ Công an giao, thực tế chỉ có 28.184 trường hợp còn khả năng triển khai, số còn lại không thể thực hiện do các nguyên nhân khách quan nêu trên.
Ngoài ra, nhiều dự án công nghệ thông tin trọng điểm tại các bệnh viện lớn vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, dẫn đến khả năng không hoàn thành đúng tiến độ. Việc thiếu nguồn lực đầu tư cho hệ thống phần mềm và thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn bệnh án điện tử, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập các đơn vị hành chính, càng tạo thêm áp lực lên các cơ sở y tế hoạt động theo cơ chế tự chủ kinh phí.
Những rào cản trong quá trình chuyển đổi số không chỉ là thách thức riêng đối với Bình Dương mà còn là vấn đề chung mà nhiều địa phương trên cả nước đang phải đối mặt. Tuy nhiên, với vị thế là một tỉnh công nghiệp phát triển năng động, Bình Dương càng cần chủ động và quyết liệt hơn trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn này nhằm giữ vững lợi thế cạnh tranh và tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao hàng đầu Việt Nam. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, tỉnh đã chủ động ban hành và triển khai nhiều kế hoạch, chương trình hành động cụ thể như Kế hoạch số 198-KH/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 1042/KH-UBND của Ủy bân nhân dân tỉnh, cùng với Kế hoạch số 05/KH-SKHCN của Sở Khoa học và Công nghệ. Các kế hoạch này đều tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi lĩnh vực, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số toàn diện của Bình Dương trong thời gian tới.
Đột phá để vượt qua rào cản: Giải pháp tháo gỡ
Để vượt qua các điểm nghẽn đã nhận diện, Bình Dương đang tích cực triển khai một loạt giải pháp đồng bộ và toàn diện, bám sát chặt chẽ các chỉ đạo của Trung ương và điều kiện thực tiễn địa phương. Trước hết, tỉnh tập trung vào việc hoàn thiện thể chế và chính sách thông qua việc ban hành các kế hoạch hành động cụ thể triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 88/2025/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản liên quan. Công tác rà soát và điều chỉnh tiến độ thực hiện các kế hoạch, dự án luôn được tiến hành thường xuyên, nhằm đảm bảo phù hợp với nguồn lực và bối cảnh thực tế của tỉnh.
Diễn giả trình bày về chuyển đổi số ngành Du lịch tại Hội thảo chuyên đề “Sáng tạo số, AI và Dịch vụ”
Song song đó, Bình Dương chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng số và xây dựng chính quyền số hiện đại. Tỉnh đang đẩy mạnh triển khai các nền tảng số dùng chung, ứng dụng chính quyền điện tử trong quản lý nội bộ, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, với mục tiêu mang lại hiệu quả, thân thiện và thuận tiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Đến tháng 4/2025, Bình Dương đã thành công kết nối và khai thác hiệu quả 4/5 cơ sở dữ liệu quốc gia trọng yếu và 14 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, tỉnh cũng đang khẩn trương hoàn thiện kho dữ liệu tập trung, đảm bảo dữ liệu được chuẩn hóa, dễ tích hợp và chia sẻ giữa các cơ quan, đơn vị.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số được xác định là nhiệm vụ mang tính chiến lượng. Tỉnh đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, thành lập Hội Kỹ sư trẻ, đồng thời liên tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về quản lý, phân tích và khai thác dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp. Những nỗ lực này nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của việc phát triển và vận hành hệ thống chuyển đổi số quy mô lớn, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức số trong toàn cộng đồng.
Công tác quản lý và khai thác dữ liệu tiếp tục được tăng cường thông qua việc quy hoạch dữ liệu toàn tỉnh, rà soát và bổ sung danh mục dữ liệu dùng chung, xây dựng kho dữ liệu tập trung và thực hiện kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với hệ thống dùng chung cũng như các cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc xử lý hồ sơ, văn bản điện tử và ứng dụng chữ ký số đang được thúc đẩy mạnh mẽ, với mục tiêu đến hết tháng 5/2025, toàn bộ văn bản hành chính (trừ bí mật nhà nước) sẽ được xử lý, phê duyệt và ký số hoàn toàn trên hệ thống điện tử; 00% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước sẽ thực hiện ký số và xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử (trừ hồ sơ mật).
Đối với những vướng mắc trong lĩnh vực y tế, tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành các văn bản pháp lý cần thiết, đồng thời chủ động tìm kiếm các giải pháp tài chính linh hoạt để hỗ trợ các cơ sở y tế triển khai hệ thống phần mềm bệnh án điện tử mới. Việc ưu tiên các dự án CNTT trọng điểm để đảm bảo tiến độ và chất lượng cũng được chú trọng. Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ đã được giao, đồng thời xây dựng cơ chế khen thưởng và động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh.
Bên cạnh đó, Bình Dương không ngừng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn lực xã hội hóa, tập trung đầu tư phát triển các trung tâm nghiên cứu, khu công nghệ thông tin tập trung và công viên khoa học công nghệ. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng phát triển các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số và xã hội số hiện đại. Các chính sách đặc thù về đầu tư, mua sắm công sản phẩm công nghệ, cơ chế tài chính linh hoạt, tăng cường quyền tự chủ cho các tổ chức khoa học công nghệ, cũng như khuyến khích sáng tạo và thử nghiệm các mô hình mới cũng được triển khai đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị định số 88/2025/NĐ-CP.
Nhìn chung, Bình Dương đang thể hiện quyết tâm chính trị cao độ và sự chủ động mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mặc dù hành trình phía trước còn không ít khó khăn và vướng mắc liên quan đến thể chế, nguồn lực, hạ tầng và nhân lực, tỉnh đã và đang quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ, từ hoàn thiện chính sách, đầu tư hạ tầng số, phát triển nguồn nhân lực đến thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực. Với một định hướng chiến lược rõ ràng, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, Bình Dương hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng sẽ tạo nên những bước đột phá, vững vàng trở thành một trung tâm công nghiệp công nghệ cao, một thành phố thông minh và là một điểm sáng của cả nước về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giai đoạn tới.
Tài liệu tham khảo
- Báo cáo số 38/BC-SKHCN ngày 16/5/2025 của Sở Khoa học và Công nghệ về tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về độ phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Bình Dương (tháng 4/2025)
- Kế hoạch số 15/KH-SKHCN ngày 02/5/2025 của Sở Khoa học và Công nghệ về triển khai thực hiện Nghị định số 88/2025/NĐ-CP ngày 13/4/2025 của Chính phủ tại Sở Khoa học và Công nghệ.
- Nghị định số 88/2025/NĐ-CP ngày 13/4/2025 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
- Kế hoạch số 05/KH-SKHCN ngày 10/4/2025 của Sở Khoa học và Công nghệ về thực hiện Kế hoạch số 1042/KH-UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CO ngày 09/01/2025 của Chính phủ và Kế hoạch số 198-KH/TU ngày 24/02/2025 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
- Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ về việc Sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thơ Mộng