Những đóng góp của Khoa học và Công nghệ trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Bùi Thị Hương Thảo
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương
Khoa học và công nghệ ứng dụng công nghệ cao là giải pháp then chốt để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản góp phần xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh tiên tiến và đảm bảo bền vững.
Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Vùng Đông Nam Bộ, Bình Dương có nhiều điều kiện và tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây cũng là một xu hướng tất yếu, nội dung quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Những năm qua, cùng với việc xây dựng, thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, từng bước sắp xếp và tổ chức lại sản xuất; Bình Dương đang tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và thời vụ, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm chuyển trọng tâm sản xuất từ mục tiêu sản lượng sang chất lượng và hiệu quả.
Trên địa bàn đã hình thành một số vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung như sản xuất cây ăn quả có múi ở Bắc Tân Uyên, chăn nuôi quy mô lớn ở các huyện Phú giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, vùng hoa cây cảnh, cá kiểng ở các thị xã, thành phố khu vực phía nam; các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng... Công nghệ sinh học, công nghệ tưới và nhiều nhiều loại máy móc cơ giới hóa được áp dụng trong sản xuất giống và thâm canh cây trồng, vật nuôi. Tỉnh cũng đã và đang quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá.
Là một trong số các tỉnh rất tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình kỹ thuật canh tác và công nghệ tiên tiến: trong trồng trọt áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống; chuyển giao các đối tượng cây trồng mới như các loài (hoa lan, hoa lay ơn, hoa hệ, hoa vạn thọ....), bon sai, cây cảnh, rau, dưa lưới; kỹ thuật chăm sóc thâm canh phòng trừ sâu bệnh đối với cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm; kỹ thuật tưới tiết kiệm... tập trung chuyển giao và hướng dẫn quy trình chăm sóc theo hướng VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ. Trong chăn nuôi chuyển giao quy trình kỹ thuật các đối tượng sản xuất mới như cá cảnh; lai tạo cải tiến giống trong chăn nuôi bò, heo, gà... quy trình kỹ thuật chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học theo quy mô trang trại.
Trong chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật trên địa bàn tỉnh, đến nay tỷ lệ sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao đạt trên 90%, trong đó giống cao su cao sản 100%, rau màu hạt lai F1 đạt > 90%. Về chăn nuôi như: bò lai sind đạt > 80%, heo ngoại và lai từ 2 - 4 máu ngoại đạt 100%, gia cầm đạt > 90%, bò sữa lai HF với tỷ lệ F1 chiếm 16,38%, F2 chiếm 69,33%, F3 chiếm 12,74%; 100% diện tích canh tác cây lâu năm được cơ giới hóa trong khâu làm đất, chăm sóc; gần 88% đàn gia cầm và trên 93% đàn heo được nuôi tập trung (hầu hết các trại sản xuất tập trung đều ứng dụng công nghệ cao quy trình kỹ thuật hiện đại). Nhìn chung những tiến bộ kỹ thuật đã áp dụng góp phần xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh tiên tiến và đảm bảo bền vững.
Đến cuối năm 2020, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 5.435 ha với các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh. Diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172,2 ha với các loại cây trồng chủ yếu như: Rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh. Có khoảng 600 ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ trên các loại cây trồng: Cây có múi (khoảng 250 ha), rau (trên 25 ha), cây ăn quả khác (trên 260 ha)... Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển với 145 trang trại đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn trên 8,4 triệu con, chiếm 68% tổng đàn; chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 191 trang trại với tổng đàn gần 533 ngàn con, chiếm 63% tổng đàn; chăn nuôi vịt thịt có 28 trang trại với tổng đàn 367 ngàn con; chăn nuôi bò sữa có 02 trang trại với tổng đàn 880 con.
Xác định khoa học công nghệ, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là giải pháp then chốt để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản... tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... đồng thời UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, đưa ra các giải pháp, bố trí nguồn lực để triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương; tăng cường các nguồn lực của Tỉnh để hỗ trợ thực hiện các nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp Bình Dương tỷ lệ lớn vẫn còn ở các hộ nhỏ lẻ, diện tích sản xuất manh mún; kiến thức và kỹ năng của các chủ hộ sản xuất tập có lợi thế trong kỹ thuật sản xuất nhưng còn rất lúng túng trong việc tiếp cận thị trường, nắm bắt, dự báo nhu cầu thị trường và khả năng tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Để phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ trong sản xuất lẫn tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể như, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, năng suất cao, giá thành cạnh tranh đáp ứng đúng nhu cầu thị trường; tăng cường liên kết hợp tác trong sản xuất theo chuỗi liên kết ngang giữa các hộ sản xuất tạo thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra lợi thế sản phẩm, chủ động trong quá trình tham gia thị trường tiến tới hình thành chuỗi liên kết dọc, xúc tiến ký kết hợp đồng hợp tác sản xuất, hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa các cơ sở sản xuất với chế biến, tiêu thụ; quản lý quy hoạch sản xuất ổn định, tăng năng lực dự báo thị trường cho các cơ quan quản lý nhà nước và cả người sản xuất; quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm đặc sản địa phương, đáp ứng được yêu cầu của thị trường; triển khai đồng bộ các giải pháp về tổ chức sản xuất trên từng cơ sở sản xuất, từng hộ nông dân theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp, trao đổi thông tin về đầu tư, sản xuất giữa các địa phương trong vùng nhằm khai thác được lợi thế, hạn chế lãng phí trong đầu tư, góp phần định hướng cung - cầu từng địa phương; xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp Bình Dương chủ động, ngắn hạn, dài hạn.¨