Những Ứng dụng từ năng lượng mặt trời
Năng lượng mặt trời ở Việt nam có sẵn quanh năm, khá ổn định và phân bố rộng rãi trên các vùng miền khác nhau của đất nước. Đặc biệt, số ngày nắng trung bình trên các tỉnh của miền trung và miền nam là khoảng 300 ngày/năm. Sự phát triển của điện mặt trời ở Việt nam trong những năm gần đây. Các ứng dụng bao gồm điện mặt trời cho hộ gia đình và các trung tâm dịch vụ, hệ thống đun nước mặt trời, hệ thống đèn điện và sấy. Trong đó hệ thống điện mặt trời hòa lưới được xem là ứng dụng thiết thực và mở ra nhiều triển vọng cho việc sản xuất năng lượng sạch tại Việt Nam.
Tiềm năng từ hệ thống điện mặt trời hòa lưới...
Hệ thống điện mặt trời hòa lưới, là hệ thống cung cấp điện mặt trời chia sẻ cấp điện với lưới điện quốc gia. Đây là hệ thống điện xuất hiện khá phổ biến tại Việt Nam. Hệ thống này bao gồm các tấm pin mặt trời, bộ hòa lưới và các linh kiện đồng bộ.
Gia đình anh Trần Mai Quốc Khánh ở Khu phố Tân Mỹ, phường Thái Hòa - thị xã Tân Uyên đã bỏ ra khoảng 100 triệu đồng để đầu tư hệ thống điện mặt trời hòa lưới. Năng lượng mặt trời được thu từ những tấm pin trên mái nhà của anh Khánh là điện 1 chiều. Khi năng lượng này chuyển qua bộ hòa lưới hay còn gọi là bộ Inverter, chúng sẽ được chuyển thành nguồn điện xoay chiều cùng pha và cùng tần số với điện lưới. Sau đó, hệ thống sẽ hòa chung với điện lưới quốc gia. Hệ thống này không cần dùng ắc quy. Khi công suất hòa lưới bằng công suất tải thì tải tiêu thụ điện ở nhà anh Khánh sử dụng hoàn toàn từ pin mặt trời. Khi công suất tải tiêu thụ lớn hơn công suất hòa lưới thì tải sẽ lấy thêm lưới bù vào. Buổi tối hệ thống sẽ tự động chuyển sang nguồn điện lưới quốc gia vì không có ánh nắng mặt trời.
Xét về hiệu quả thì rõ ràng việc đầu tư hệ thống điện mặt trời hòa lưới đã mang lại những lợi ích rõ rệt về kinh tế. Trước đây hộ kinh doanh của anh Khánh tiêu thụ khoảng 1800 - 2000 kw điện/tháng thì hiện nay số lượng điện năng tiêu thụ giảm xuống còn khoảng 1400 kw/tháng. Như vậy mỗi tháng gia đình anh tiết kiệm khoảng 400 kw điện tương đương với 1 triệu 200 ngàn đồng. Như vậy với số vốn đầu tư ban đầu là 100 triệu cho hệ thống điện mặt trời hòa lưới thì chỉ khoảng 6 năm gia đình anh đã hoàn vốn. Trong khi đó tuổi thọ của hệ thống điện mặt trời hòa lưới lên tới hơn 25 năm. Anh Trần Mai Quốc Khánh phấn khởi cho biết.
Một lợi ích to lớn khác của hệ thống điện mặt trời hòa lưới đó là giảm tải cho hệ thống điện lưới quốc gia. Đây là một lợi ích quan trọng bởi nhu cầu sử dụng điện năng ngày càng cao, đặc biệt là những tháng cao điểm của mùa nắng. Thời điểm này nếu các hộ gia đình đều sử dụng hệ thống điện mặt trời hòa lưới thì sẽ giảm áp lực rất lớn cho lưới điện quốc gia, giảm những thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp sản xuất khi phải bị cắt điện.
Mặc dù nguồn năng lượng mặt trời ở Việt nam được công nhận là có tiềm năng lớn. Hầu hết các dự án điện mặt trời trên khắp cả nước chỉ ở quy mô nhỏ và tập trung chủ yếu vào việc khai thác nhiệt năng từ năng lượng mặt trời. Còn các dự án điện mặt trời vẫn chưa được chú ý phát triển.
Điện mặt trời - Tiềm năng còn bỏ ngõ....
Một rào cản lớn trong việc phát triển hệ thống điện mặt trời đó là chi phí đầu tư lớn. Với một hộ sản kinh doanh nhỏ, để vận hành tất cả các thiết bị điện trong gia đình thì phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng cho hệ thống điện mặt trời hòa lưới. Đây là một số tiền không nhỏ và chỉ những hộ khá giả mới có khả năng đầu tư.
Trong một hội thảo về những ứng dụng năng lượng mặt trời vừa diễn ra mới đây tại Bình Dương, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng đã phân tích rất nhiều về những rào cản của việc ứng dụng năng lượng mặt trời vào cuộc sống, đặc biệt là các dự án điện mặt trời.
Rõ ràng khi chưa có cơ chế và chính sách cụ thể cho việc phát triển điện mặt trời thì khó có thể thu hút được các doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Nhiều doanh nghiệp và các nhà quản lý cũng băn khoăn vì hiện nay nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án điện mặt trời thông qua việc vay vốn ngân hàng lãi suất thấp.
Đối với các hệ thống điện mặt trời hòa lưới, khi lượng điện năng được sản xuất thừa với nhu cầu sử dụng, chúng sẽ được chuyển vào hệ thống lưới điện quốc gia. Tuy nhiên nhà nước vẫn chưa có cơ chế mua điện lại từ hệ thống điện mặt trời. Nếu có cơ chế cụ thể về vấn đề này chắc chắn sẽ thu hút được rất nhiều đối tượng đầu tư. Ông Diệp Thế Cường Trưởng phòng Năng lượng mới - Trung tâm Tiết Kiệm Năng lượng Thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn.
Ông Trương Văn Phượng - Giám đốc Công ty TNHH Phượng Hoàng thì cho rằng, vấn đề tuyên truyền về sử dụng năng lượng mặt trời vẫn chưa có sức lan tỏa mạnh mẽ. Thực tế nhiều sản phẩm ứng dụng từ năng lượng mặt trời đã có mặt từ lâu tại Việt Nam nhưng nhiều người dân vẫn chưa biết đến, hoặc cũng chưa hiểu hết những tính năng và lợi ích của các sản phẩm này.
Theo chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam thì đến năm 2030 tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo đạt 25% và đến năm 2050 tỷ lệ này đạt 45%. Các con số này chỉ trở thành hiện thực khi các rào cản trên được tháo gỡ. Điều này đòi hỏi phải có sự quyết liệt của nhà nước trong việc triển khai các chính sách và giải pháp để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn năng lượng mặt trời tại Việt Nam.▲
Minh Thành