Nông nghiệp kỹ thuật cao - hướng đi bền vững
Những mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao đang được tỉnh Bình Dương khuyến khích để phát triển, bởi đây không chỉ là những mô hình hiện đại, tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất vốn đang ngày càng thu hẹp mà còn tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng và có năng suất cao.
Với mục tiêu phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, năm 2008 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương bắt đầu kêu gọi doanh nghiệp thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân để phát triển ra các vùng lân cận. Công ty U&I đã được chọn làm chủ đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã An Thái, huyện Phú Giáo.
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010, Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái có quy mô trên 400ha. Khu nông nghiệp này có nhiều phân khu chức năng như khu nghiên cứu, khu sản xuất..., Hiện nay khu nông nghiệp này đã lấp đầy được 36% diện tích. Nhiều nhất là diện tích trồng chuối với khoảng 100ha ngoài ra còn có dưa lưới, cam, bưởi, quýt, chanh và các loại rau củ quả... mỗi loại cây trồng ở đây đều được lắp các hệ thống tưới và bón phân tự động. Đây là hệ thống tưới ngược từ dưới đất cho chuối, sử dụng công nghệ tưới của Đài Loan. Những loại chuối già này được trồng để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tại đây những chuyên gia người Philippines đã được mời sang để phụ trách đào tạo, chuyển giao công nghệ cho công nhân người Việt. Những lứa chuối của công ty đã được thu hoạch để xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Mỗi loại cây trồng, đều có các chuyên gia hàng đầu từ các nước được mời về triển khai và giám sát mọi công đoạn. Tại khu nhà kính rộng trên 1ha chuyên trồng dưa lưới, toàn bộ hệ thống nhà kính, thiết bị, hệ thống tưới đều nhập từ Israel, do một chuyên gia nước này vận hành. Với hệ thống công nghệ cao cũng như sự kiểm soát của chuyên gia nên khu vực trồng dưa lưới đã đạt chứng nhận Global GAP. Hiện nay khu nông nghiệp này đang đưa ra thị trường trên 200 tấn dưa lưới mỗi năm.
Hiện nay ngoài những sản phẩm tươi đưa ra thị trường nội địa và xuất khẩu, công ty sẽ đầu tư nhà máy chế biến tại khu vực này để tăng giá trị cho nông sản. Sau khi các mô hình sản xuất thành công và hoàn thiện, công ty sẽ chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đồng thời liên kết với người dân để phát triển vùng nguyên liệu bên ngoài. Điều này hứa hẹn sẽ tạo nên một cú hích cho nông nghiệp Bình Dương để sản xuất nông sản theo hướng hiện đại, chất lượng. Đồng thời, giúp cho người tiêu dùng có cơ hội sử dụng những nông sản sạch, an toàn, ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Nông nghiệp U&I phấn khởi cho biết.
Có thể nói với sự phát triển công nghiệp và đô thị mạnh mẽ ở Bình Dương thì việc xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị là một hướng đi tất yếu. Tại kỳ họp thứ 18, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng trong đó có vấn đề phát triển ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến. Ngày 17 tháng 02 năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó ưu tiên hỗ trợ vốn ưu đãi, tạo điều kiện để nông dân đầu tư và mở rộng các mô hình này
Ngoài khu nông nghiệp công nghệ cao ở xã An Thái, Phú Giáo, Bình Dương còn có 03 khu nông nghiệp công nghệ cao đang hoạt động tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, quy mô 78,5ha do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tiến Hùng làm chủ đầu tư; khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang, huyện Phú Giáo, quy mô gần 472ha do Công ty cổ phần Đường Bình Dương làm chủ đầu tư đang triển khai trên diện rộng. Tại xã Vĩnh Tân - thị xã Tân Uyên cũng có nông nghiệp công nghệ cao quy mô 17,6ha do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư đã thực hiện 100%. Những sản phẩm của các khu nông nghiệp này được tiêu thụ chủ yếu trong hệ thống siêu thị và xuất khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Dương, đến nay toàn tỉnh có hơn 1.600 ha cây trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Hơn 72% tổng đàn gà với khoảng 5,2 triệu con được nuôi theo công nghệ tiên tiến, tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp và trang trại lớn. Nhiều phương pháp kỹ thuật mới được áp dụng, giảm chi phí công lao động, tăng thu nhập cho nông dân, như sản xuất rau trong nhà lưới; sử dụng hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt và phun sương theo công nghệ tự động hóa được chuyển giao từ Israel; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại. Nhiều mô hình có doanh thu đạt 500 - 600 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra, nông nghiệp công nghệ cao còn góp phần tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, tạo nền tảng cho nông nghiệp hội nhập. Những mô hình hiệu quả bước đầu đã có sự lan tỏa không chỉ trong phạm vi tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, về lâu dài để các sản phẩm nông sản có chỗ đứng vững chắc vẫn rất cần việc xây dựng và quảng bá thương hiệu một cách bài bản, căn cơ.
Những kết quả bước đầu của việc ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị đã mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương. Với những đầu tư bài bản, có chiến lược chắc chắn trong một thời gian không xa, Bình Dương không chỉ là tỉnh công nghiệp hiện đại mà còn có nền nông nghiệp có trình độ công nghệ cao, hiện đại và phát triển bền vững....
Minh Thành