Nữ tiến sĩ đưa khoa học từ phòng thí nghiệm ra bàn phấn
Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương là nhân vật không còn xa lạ với giới nghiên cứu công nghệ sinh học trong nước. Đặc biệt trong thời gian gần đây, chị được xem là “gương mặt thương hiệu” của trường Đại học Thủ Dầu Một trong hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ cho các đối tác doanh nghiệp.
Xuất hiện với thần thái rạng rỡ, mái tóc tém cá tính, giọng nói nhỏ nhẹ, TS Nguyễn Thị Liên Thương điềm đạm pha ấm trà ngon, nhỏ vài giọt tinh dầu và khởi đầu câu chuyện bằng đề tài muôn thuở của phụ nữ: Làm đẹp.
Chị và các đồng sự gần đây có ra sản phẩm gì mới không chị?
Cá nhân mình thì chưa có gì đáng kể để chia sẻ, tuy nhiên các nhóm nghiên cứu của mình thuộc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm, trường Đại học Thủ Dầu Một liên tục có những thành quả về các sản phẩm mới rất hữu ích. Như son môi thuần tự nhiên chẳng hạn. Hiện tại, Trung tâm đã thực hiện thành công một bộ sưu tập các gam màu từ dịu dàng tự nhiên đến cá tính. Và quan trọng là các dòng son này (son dưỡng và son màu) đều được làm từ tinh chất đông trùng hạ thảo, sáp ong, bơ, Vitamin E có tính chất phục hồi dưỡng môi cao, giảm khô nứt và an toàn tuyệt đối cho người dùng. Khi chúng tôi phát triển dòng sản phẩm son này thì rất vui vì bây giờ, nếu đi dạo một vòng quanh Trường, sẽ bắt gặp rất nhiều cán bộ - giảng viên nữ đang sử dụng sản phẩm làm đẹp của Trung tâm. Có thể nói, vẻ đẹp và niềm vui của các nữ giảng viên trường là giá trị quảng cáo lớn nhất cho thương hiệu son của trường Đại học Thủ Dầu Một rồi.
Dường như chị quan tâm nhiều đến các sản phẩm phục vụ cho phái đẹp?
Bản thân là phụ nữ nên tôi rất thích các sản phẩm chăm sóc cho phụ nữ hiệu quả và an toàn. Vì phụ nữ chúng ta luôn cần đẹp và khỏe hơn mỗi ngày, vẻ đẹp từ ngay chính bản thân khi da dẻ khỏe mạnh. Đẹp phải đi kèm với khỏe thì mới an toàn và an tâm được.
Từ 2012, chúng tôi phát triển công nghệ nghiên cứu về nấm Đông trùng hạ thảo và ứng dụng trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và được các công ty, doanh nghiệp Dược đón nhận nhiệt tình do chất lượng và giá trị thật sự của sản phẩm mang lại cho người dùng… Đông trùng hạ thảo với nhiều công nghệ chế biến trong rượu, trà, viên, cao,… đã rất phổ biến và nhiều người tin dùng. Hơn thế nữa, tinh chất của đông trùng hạ thảo ngoài ứng dụng trong dược phẩm và thực phẩm còn được sử dụng như một thành phần quan trọng trong các dòng mỹ phẩm cao cấp ở các nước như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc. Do đó chúng tôi muốn tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm mới này để phục vụ cho cộng đồng trong nước mình tốt nhất.
Tinh chất từ Đông trùng, nấm Linh chi, Đẳng sâm,… của Trường khi chuyển giao cho các công ty đã được bào chế thành công trong sửa rửa mặt, kem tẩy tế bào chết, kem dưỡng da,… Những sản phẩm này được các spa chăm sóc sắc đẹp ưa chuộng và sử dụng cho khách hàng vì đặc tính an toàn của nó. Với những thành công bước đầu đó, các nhóm nghiên cứu của Trường về hóa học, công nghệ sinh học đang nỗ lực ứng dụng thêm các chiết xuất tinh dầu thực vật vào các sản phẩm hỗ trợ chăm sóc da, hệ tiêu hóa, và tăng cường sức khỏe.
Vậy là chị chọn nghiên cứu ứng dụng làm hướng đi chính của mình?
Chúng tôi làm trong ngành khoa học nên yêu cầu của cộng đồng chính là động lực cho chúng tôi đi vào nghiên cứu sâu để đưa ra giải pháp công nghệ. Mình không có quan niệm chính hay phụ vì thực chất nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cơ bản (hàn lâm) là hai mặt không thể tách rời của người làm khoa học. Nghiên cứu cơ bản là nền tảng và nghiên cứu ứng dụng là hiện thực hoá bằng sản phẩm. Đó cũng là định hướng nghiên cứu trong nhà trường mà các nhóm nghiên cứu của tụi mình đang theo đuổi.
Công nghệ tinh chế càng tốt thì tác dụng của sản phẩm càng nhanh và đa dạng hoá được thành phẩm ứng dụng cho nhu cầu cộng đồng. Đây cũng là điều mà ngành công nghiệp chế biến của chúng ta còn thiếu và cần các nhà khoa học góp sức để nâng cao chất lượng, nâng tầm công nghệ sản xuất trong nước tương đương hoặc hơn các nước trong khu vực.
Đó có phải là lý do sau khi từ nước ngoài về, chị và các đồng sự liên tục thực hiện các nghiên cứu sâu về mức độ phân tử đồng thời cũng phát triển các kết quả đó thành các sản phẩm, quy trình khoa học có thể ứng dụng trong thực tế?
Đúng như vậy. Một minh chứng cụ thể là mình và các đồng sự đã tiến hành nghiên cứu cơ bản các dạng phức hợp nano vi chất có tác động tốt lên tế bào, phục hồi các tổn thương trên các mô. Từ đó, chúng mình tiếp tục nghiên cứu tạo ra các dạng sản phẩm cụ thể, ví dụ như sản phẩm hấp thụ cao dạng thẩm thấu qua đường tiêu hoá như dạng viên, dạng cao, nước,… thực phẩm, thực phẩm chăm sóc sức khoẻ và dược phẩm. Và các sản phẩm công nghệ này đã được nhiều doanh nghiệp vận dụng trong sản xuất thông qua các liên kết công nghệ với trường Đại học Thủ Dầu Một.
Ngoài nghiên cứu các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, chị có ấp ủ dự án nào khác?
Mình và các nhóm nghiên cứu đang phát triển thêm một bước nữa nâng cấp từ các công nghệ chăm sóc sức khỏe thành dược phẩm. Cụ thể là trong nhóm thuốc nano mang dược chất tăng hỗ trợ điều trị về tổn thương tế bào, mô, rút ngắn thời gian lành dựa trên công nghệ thẩm thấu nhanh và trúng đích vào vết tổn thương. Các nghiên cứu này phối hợp giữa các nhóm của trường Đại học Thủ Dầu Một và lâm sàng ở các bệnh viện theo đúng quy trình phát triển các sản phẩm dược ứng dụng.
Dự án khoa học nào cũng đòi hỏi đầu tư nhiều tâm sức và cần thời gian dài kiểm nghiệm, người làm nghiên cứu phải đối mặt với những vấn đề nào, thưa chị?
Để đưa một kết quả nghiên cứu cơ bản thành một sản phẩm ứng dụng, điều đầu tiên là nhà nghiên cứu phải làm chủ, có phát minh mới về công nghệ nền tạo ra sản phẩm tốt, kế đến là chuyển đổi thành một công nghệ có thể sản xuất ở quy mô công nghiệp trong nước kèm theo sự thay đổi khá lớn về nguyên liệu nền, điều kiện chế tạo dựa trên dây chuyền máy móc có sẵn trong nước. Và quan trọng nhất là sản phẩm liên kết và đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong cộng đồng mà đại diện là các công ty sản xuất, phân phối sản phẩm. Người làm nghiên cứu cần có tư duy ứng dụng, tương tác nhiều với doanh nghiệp mới nắm bắt được nhu cầu về sản phẩm công nghệ của cộng đồng.
Người làm chuyên môn khoa học không thể tự mình đảm trách hết tất cả ý tưởng, công nghệ, sản phẩm, bán sản phẩm, chăm sóc khách hàng… Họ chủ yếu liên kết với doanh nghiệp trong bước chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tư vấn, giám sát sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó, cần có những kết nối, cần những diễn đàn công nghệ, sàn giao dịch công nghệ để các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp “gặp được” nhau. Được như vậy sẽ giúp sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí cho nghiên cứu đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất nước nhà.
Với tỉnh Bình Dương, theo chị nên phát triển công nghệ sinh học theo hướng nào?
Qua tiếp xúc nhu cầu và thực tế chuyển giao công nghệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, mình nhận thấy rất cần ưu tiên nghiên cứu phát triển quy trình công nghệ cao trong nuôi trồng, chiết xuất dược chất và dinh dưỡng từ nhóm nấm và thực vật. Đây là nguồn nguyên liệu tinh cho rất nhiều sản phẩm cao cấp về dinh dưỡng, sức khoẻ và cả thẩm mỹ, như xu hướng phát triển công nghệ sinh học của các nước tiên tiến trên thế giới. Nhóm nấm dược liệu và thực vật ngắn ngày, tảo... có thể nuôi trồng sản xuất trong nhà kính ở diện tích nhỏ năng suất cao sẽ thích hợp cho thành phố công nghiệp có mật độ dân cư đông như Bình Dương và các thành phố lớn của Việt Nam.
Hiện nay, trường Đại học Thủ Dầu Một cũng đang xin dự án đầu tư về phòng thí nghiệm cộng đồng Fablab công nghệ sinh học ứng dụng Bình Dương nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, khởi nghiệp, phát triển các công nghệ này tại Bình Dương.
Cảm ơn chị về buổi trò chuyện thú vị!
TS Nguyễn Thị Liên Thương sinh ra và lớn lên tại Bình Dương. Chị tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2003 và hoàn thành chương trình Tiến sĩ chuyên ngành Sinh học phân tử tại trường Đại học Bulsan Hàn Quốc năm 2012. Chị hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm của trường Đại học Thủ Dầu Một, đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Hàn.
TS Nguyễn Thị Liên Thương là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài báo khoa học có chỉ số ISI trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Hiện nay, TS Liên Thương đang hợp tác cùng Trung tâm Inomar - Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đề tài nghiên cứu “Tổng hợp cấu trúc nano kim loại hữu cơ (Zn, Mg hoặc Fe) và silicon xốp hữu cơ làm chất phân hủy sinh học cho thuốc chống ung thư” - Dự án Khoa học cấp Quốc gia.
|
Quỳnh Anh