Nước và phát triển bền vững
Là tỉnh nằm trong khu vực đông Nam bộ, Bình Dương có nguồn nước mặt và nước ngầm khá dồi dào. Nhiều con sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Bé.. đã góp phần không nhỏ trong việc cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt.
Bình Dương có nguồn nước ngầm khá phong phú với 04 tầng chứa nước chính có độ sâu phân bố từ 20 đến trên 100m, điều kiện khai thác dễ dàng. Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh dẫn đến cơ sở hạ tầng về cấp và thoát nước chưa theo kịp. Các hoạt động công nghiệp và sinh hoạt đô thị ngày càng gây ô nhiễm nguồn nước. Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, trên sông Sài Gòn có nhiều biến động và có xu hướng ô nhiễm tại một số điểm. Mức độ ô nhiễm trên sông Thị Tính cũng đang có xu hướng tăng dần từ thượng nguồn tới hạ nguồn. Độ đục là nguyên nhân chính làm cho chỉ số chất lượng nước thấp và làm cho chất lượng nước giảm. Tại một số rạch đổ ra sông đồng nai và Sài Gòn mức độ ô nhiễm cũng đang tăng cao tập trung chủ yếu ở các rạch trên địa bàn thị xã Thuận An và thị xã Dĩ An; thị xã Tân Uyên như suối Bến Sắn, Chòm Sao, Suối Bưng Cù, suối Siệp…
Các trạm quan trắc nước dưới đất đã được xây dựng tại một số huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh
Ông Lê Văn Tân - Phó Trưởng phòng quản lý Tài nguyên nước và Khoáng sản - Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương nhận định: “Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước tại Bình Dương. Các sông suối tại các địa phương phía Nam - nơi có công nghiệp và đô thị phát triển luôn có mức độ ô nhiễm cao và có xu hướng tăng so với các năm trước. Chất lượng nước ngầm ở khu vực này cũng suy giảm rõ rệt”.
Việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của con người vì vậy nó đã trở thành chủ đề quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà luôn là chủ đề được bàn thảo nhiều nhất trên các diễn đàn Quốc tế. Tại Bình Dương trong nhiều năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên địa bàn. Ngoài việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước thì việc phân cấp mạnh và cụ thể về việc quản lý nguồn tài nguyên nước cho cấp huyện, cấp xã cũng đã được thực hiện một cách triệt để.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2015 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với 05 quy hoạch thành phần theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 gồm: Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước mặt; Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước dưới đất; Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước mặt; Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; Quy hoạch phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Tỉnh cũng đã ban hành quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên toàn tỉnh để quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Bên cạnh đó, để đảm bảo điều hòa lưu lượng nước giữa các mùa, hạn chế tình trạng ngập lụt vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô, tỉnh cũng đã xây dựng và áp dụng quy trình vận hành liên hồ chứa có liên quan đến nguồn nước trên địa bàn.
Cùng với việc hoàn thiện chính sách pháp lý và các giải pháp kỹ thuật, các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác kiểm tra, cấp phép và hậu kiểm sau cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra.
Có thể nói với nhiều giải pháp tổng hợp, đến nay công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã cơ bản đáp ứng với nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước là một việc làm thường xuyên và lâu dài. Chính vì thế, vấn đề quan trọng là cần phải tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng. Chỉ khi nào cộng đồng ý thức được tầm quan trọng của nguồn tài nguyên nước và có ý thức khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên này thì khi đó việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước sẽ không còn là một bài toán khó đối với các nhà quản lý.
Trong một ca làm việc của các quan trắc viên ở đài khí tượng thủy văn, họ phải có mặt tại đài trước 7giờ sáng để nhận thông tin khí tượng thủy văn từ các trạm trong tỉnh. Những số liệu về khí tượng như nhiệt độ, lượng mưa, hướng gió, tốc độ gió.. hay mực nước cao nhất, thấp nhất trên các con sông… sẽ được các cán bộ quan trắc ghi chép cẩn thận. Dựa trên những số liệu này các cán bộ sẽ thực hiện các bản tin tự báo khí tượng thủy văn như dự báo mưa, dự báo nhiệt độ, mực nước và dự báo triều cường. Công việc thầm lặng của các cán bộ ngành khí tượng thủy văn Bình Dương là vậy. Nhưng các sản phẩm của họ lại có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Các sản phẩm và dịch vụ khí tượng thủy văn không chỉ hỗ trợ các nhà quy hoạch đô thị xây dựng chính sách và kế hoạch hành động nhằm tăng cường năng lực ứng phó của các đô thị. Nhờ vào dự báo về xu thế nhiệt độ và lượng mưa, người nông dân có thể lên kế hoạch phù hợp để trồng trọt, các nhà quản lý nguồn nước sử dụng thông tin khí hậu để tối ưu hóa cung cấp nước và phòng chống lũ lụt…
Hoàng Thanh