Phân bón thế hệ mới: Xu hướng trong nông nghiệp công nghệ cao
Xu hướng hiện nay trong nông nghiệp là sử dụng phân bón chậm tan có kiểm soát. Cấu tạo của hạt phân bón chậm tan có kiểm soát bao gồm: Phần vỏ bọc là các lớp polymer với độ dày khác nhau; phần nhân là các khoáng chất như N, P, K, Mn, Boron...
Các nguyên tố khoáng này là nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Quá trình phân giải các phần tử khoáng hòa tan bên trong hạt phân tiếp tục diễn ra cho đến khi các phần tử này khuếch tán hết ra ngoài môi trường, chỉ còn lớp bọc polymer và nước. Sau một thời gian, lớp bọc này sẽ tự phân hủy và không ảnh hưởng đến môi trường và nguồn đất.
Do dinh dưỡng trong phân được phóng thích ra môi trường đất một cách từ từ và liên tục nên cây trồng sử dụng được lâu dài, hiệu quả sử dụng phân cao hơn, không có giai đoạn nào bị thiếu hụt dinh dưỡng nên tuy cây chuyển sang màu xanh chậm nhưng cây trồng khỏe mạnh và màu xanh được giữ bền lâu hơn so với cây bón phân tan nhanh. Phân chậm tan được xử lý bằng một số chất phụ gia có tác dụng làm giảm tốc độ tan của phân bón. Một thời gian sau khi bón có thể chúng ta còn thấy dấu vết hạt phân nhưng thực chất dinh dưỡng trong phân đã được cây trồng sử dụng hết. Như vậy, về quan điểm dinh dưỡng cây trồng thì bón phân chậm tan đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cây trồng tốt hơn bón phân nhanh tan.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Do đó, ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất phân bón cũng là xu hướng trong nông nghiệp công nghệ cao hiện nay. Theo ông Nguyễn Hữu Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Công nghệ NANO cho biết, từ năm 2012 đến nay, NANO đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng sản phẩm phân bón vi lượng nano trên một số đối tượng cây trồng như lúa, cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái ở một số tỉnh như An Giang, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai,… Kết quả cho thấy, hiệu quả xử lý phèn, xử lý độc tố trong đất rất tốt. Lượng phèn trên ruộng lúa đã giảm đến 99% sau 1-2 ngày sử dụng; các hệ keo bó chặt dinh dưỡng có hại bị phá hủy, các độc tố của thuốc bảo vệ thực vật phân hủy nhanh; tạo hệ đệm môi trường kiềm nhẹ, giúp vi sinh vật có ích và nấm đối kháng phát triển nên đất tơi xốp hơn. Ngoài ra, phân trung vi lượng nano cũng xử lý tốt các loại nấm khuẩn gây hại, cải tạo phục hồi bộ lá, giúp quang hợp tốt; giúp giảm lượng phân bón, tăng năng suất cây trồng. Qua các thực nghiệm thực tế, NANÔ đang nghiên cứu phát triển mô hình canh tác nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và tiết kiệm thông qua việc ứng dụng sản phẩm phân bón nano và những tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Nguyễn Nhi