Phát triển đô thị thông minh bền vững
Đô thị thông minh được xã hội quan niệm là đô thị ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên. Sự phát triển của đô thị thông minh chính là hướng tới sự thay đổi về chất cho quá trình đô thị hóa, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tri thức để thay đổi cách thức quản lý đô thị đem đến hiệu quả và môi trường sống ổn định, lành mạnh hơn cho người dân.
Mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý, phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế trong Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án) được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 950/QĐ-TTg vào ngày 01/8/2018.
Phát triển đô thị thông minh là một trong những nội dung quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh triển - xã hội.
Đô thị thông minh lấy người dân làm trọng tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được hưởng thụ lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các Mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam.
Theo Đề án, đến năm 2020 Việt Nam sẽ đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị: Xây dựng và thí điểm triển khai áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng trên nền tảng GIS và các cơ sở dữ liệu khác; xây dựng mô hình phù hợp trong quản lý dân cư, giao thông, đất đai và xây dựng tại các khu vực đô thị thực hiện thí điểm; xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia đô thị giai đoạn 1; hỗ trợ tối thiểu 03 đô thị phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh, 03 khu đô thị mới được đầu tư xây dựng áp dụng thí điểm các giải pháp đô thị thông minh; 50% các Sở Xây dựng, Sở Thông tin và truyền thông, các sở ngành có liên quan và UBND các đô thị thí điểm được đào tạo, bồi dưỡng về phát triển đô thị thông minh; xây dựng dự án ưu tiên thí điểm phát triển đô thị thông minh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đến năm 2025, hoàn thiện hành lang pháp lý; phát triển hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng và các dữ liệu khác trên nền GIS tại các đô thị thí điểm giai đoạn 1; 100% các Sở Xây dựng, Sở Thông tin và truyền thông, các sở ngành có liên quan và UBND các đô thị thí điểm được đào tạo, bồi dưỡng về phát triển đô thị thông minh.
Đến năm 2030, hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh ở khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ là hạt nhân.
Hiện nay, tại Đà Nẵng dự án Dragon Smart City mới được triển khai cũng đã đánh dấu mô hình đô thị thông minh bậc nhất tại Đà Nẵng. Trong mô hình này, nhà ở sẽ được ứng dụng toàn bộ công nghệ thông tin và truyền thông kết nối các cảm biến, mạng không dây tốc độ cao, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tại đây, hệ thống đèn Smart lighting, hệ thống Camera 3600, Clubhouse, hệ thống Smarthome, công viên nước, sân thể thao ngoài trời, công viên chủ đề…cũng được đầu tư, xây dựng hàng loạt để đáp ứng nhu cầu của cư dân. Việc sử dụng nhiều hệ thống công nghệ tân tiến vào từng ngôi nhà chính là bước tiến mang tính thời đại. Đây được xem là sự góp phần thiết lập nền tảng cho sự hội nhập và phát triển công nghệ tân tiến của Việt Nam vào các dự án mang tính bền vững.
Tại Hà Nội, một khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại để ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành, quản lý khu đô thị xanh với quy mô 271,82 ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc huyện Đông Anh được đối tác Nhật Bản và 4 nhà đầu tư Việt Nam đề nghị triển khai trong năm 2018 và dự kiến được hoàn thành vào năm 2030.
Nguyễn Nhi