Phát triển du lịch sinh thái làng nghề tỉnh Bình Dương
B. Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh
c. Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng và cá nhân tham gia chính:
1. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu
2. Tiến sĩ Ngô Thanh Loan
3. Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh
4. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ
5. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thủy
6. Tiến sĩ Lê Thị Ngọc Điệp
7. Tiến sĩ Trần Phú Huệ Quang
8. Tiến sĩ Phan Anh Tú
9. Thạc sĩ Trần Thị Kim Anh
10. Thạc sĩ Trương Thị Lam Hà
11. Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ Hằng
12. Thạc sĩ Hồ Trần Vũ
13. Thạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
14. Thạc sĩ Nguyễn Thu Cúc
15. Thạc sĩ Ngô Hoàng Đại Long
16. Thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh
17. Thạc sĩ Nguyễn Quang Vũ
18. Thạc sĩ Thái Kim Điền
19. Thạc sĩ Trần Thanh Hiếu
20. Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa
21. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tùng
22. Thạc sĩ Dương Hoàng Lộc
23.Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Duyên
24.Thạc sĩ Lê Quang Đức
25. Thạc sĩ Võ Thị Anh Xuân
26. Thạc sĩ Trần Anh Dũng
27. Thạc sĩ Đỗ Xuân Biên
28. Cử nhân Võ Văn Nở
29. Cử nhân Văn Thị Thùy Trang
30. Cử nhân Nguyễn Trọng Hùng
d. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Bình Dương là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong bảy vùng trọng điểm du lịch cả nước. Trong những năm qua, mặc dù đóng góp cho nền kinh tế còn thấp, tuy nhiên du lịch của Bình Dương ngày càng được khẳng định có rất nhiều tiềm năng phát triển để có thể trở thành một bộ phận quan trọng và có vị trí xứng đáng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong định hướng phát triển đến năm 2020, tỉnh đã xác định “Xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế. Đến năm 2020 và giai đoạn sau đó, ngành du lịch sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào tăng trưởng và phát triển bền vững, cân đối của nền kinh tế Bình Dương”.
Bình Dương có 3 con sông lớn, sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn, cùng với hồ Dầu Tiếng tạo thành thế “tứ thủy triều quy” với bốn bề là nước bao quanh. Ngoài ra, Bình Dương còn có nhiều rạch ở các địa bàn ven sông và nhiều suối nhỏ khác. Hệ thống giao thông đường thủy của Bình Dương không chỉ có thể nối với các cảng lớn ở phía Nam và giao lưu hàng hóa với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà còn có thể thích hợp với phát triển du lịch đường sông, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…
Trên địa bàn có nhiều thắng cảnh thiên nhiên kết hợp với nhân tạo như: Vườn cây ăn trái Lái Thiêu, Cù lao Bạch Đằng, Vườn cam Hiếu Liêm…; các di tích lịch sử cách mạng: Chiến khu Đ, Địa đạo Tam giác sắt, nhà tù Phú Lợi,…; Những di tích và công trình kiến trúc - nghệ thuật nổi tiếng: Đình Tân An, Chùa Hội Khánh...; những ngôi nhà cổ; những làng nghề truyền thống về gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ…; khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến; Du lịch xanh Dìn Ký; Sân golf Sông Bé…
Phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa làng nghề chính là thực hiện quan điểm phát triển du lịch bền vững dựa trên cơ sở góp phần vừa bảo tồn vừa phát huy tốt nhất mọi nguồn tài nguyên, thế mạnh vốn có của địa phương hiện nay cũng như trong tương lai. Đó vừa là yêu cầu vừa là những khó khăn lớn nhất liên quan những tồn tại, hạn chế trong thực tế hiện nay của du lịch nói chung, du lịch sinh thái và làng nghề nói riêng của tỉnh Bình Dương. Với những nhận định khái quát trên, việc thực hiện một đề tài nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp, chính sách cụ thể nhằm tăng cường hiệu quả khai thác, phát triển du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống của tỉnh Bình Dương là việc làm rất cần thiết và mang nhiều ý nghĩa.
Mục tiêu nghiên cứu: Xác lập cơ sở lý luận và thực tiễn cho công tác nghiên cứu du lịch sinh thái và làng nghề tỉnh Bình Dương; làm rõ vốn tiềm năng tài nguyên du lịch sinh thái và làng nghề tỉnh Bình Dương; nghiên cứu xác định lại thực trạng khai thác du lịch làng nghề gốm sứ, sơn mài và điêu khắc gỗ tại tỉnh Bình Dương tính đến năm 2015 và dự báo tương lai dựa trên các số liệu điều tra xã hội học; đề xuất các giải pháp cụ thể, xây dựng những mô hình phù hợp cho việc khai thác hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên du lịch, đặc biệt là về sinh thái và làng nghề tại địa bàn tỉnh Bình Dương.
Để đạt được mục tiêu đề ra, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu tổng quan về vùng đất, con người, tài nguyên và tình hình du lịch tỉnh Bình Dương. Qua đó cho thấy, Bình Dương có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái và làng nghề như khái quát ở trên nhưng các hoạt động du lịch ở tỉnh Bình Dương đến nay nhìn chung vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có của nó. Việc khai thác các loại hình du lịch vẫn còn nghèo cả về số lượng lẫn chất lượng. Bên cạnh đó, việc phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa nhanh chóng đã tạo nên sức ép rất lớn đối với môi trường, ngày càng nhiều rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp trực tiếp làm mất đi sự đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của tỉnh nói chung, du lịch sinh thái của tỉnh nói riêng...
Du lịch sinh thái và làng nghề ở Bình Dương trong những năm qua có phát triển nhưng còn mờ nhạt, chưa thu hút được đông đảo khách du lịch; giao thông tuy đã phát triển nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, trở ngại, nhân lực phục vụ du lịch địa phương còn thiếu và yếu về trình độ, trong khi nguồn nhân lực tại chỗ chủ yếu là chưa qua đào tạo chưa tạo ra được thương hiệu du lịch cho mình một cách rõ ràng, vững chắc, môi trường sinh thái tự nhiên tại một số địa phương đang có dấu hiệu dần bị ô nhiễm…
Qua những đặc điểm, thực trạng của địa phương, nhóm tác giả đã đề xuất một số định hướng cho phát triển du lịch sinh thái và làng nghề tỉnh Bình Dương như: Đầu tư xây dựng và khai thác có hiệu quả các lợi thế vị trí địa lý và tiềm năng tài nguyên tại chỗ để hình thành các sản phẩm du lịch có thương hiệu và mang đặc trưng văn hóa sinh thái và làng nghề vốn có thế mạnh tại địa phương góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả “đầu ra” cho cộng đồng dân cư tham gia làng nghề tại chỗ, đáp ứng tốt nhu cầu các loại đối tượng du khách, đặc biệt là du khách quốc tế khi đến với các điểm du lịch làng nghề;
Bảo tồn và phát huy các vốn di sản làng nghề truyền thống thuộc thế mạnh của tỉnh như sơn mài, gốm sứ, điêu khắc gỗ... xây dựng thành những điểm du lịch chuyên nghiệp, có quy mô xứng tầm với những sản phẩm du lịch làng nghề hấp dẫn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy các vốn di sản ngành nghề truyền thống của địa phương; liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch tại địa phương với các doanh nghiệp du lịch của các địa phương bạn như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai…
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch sinh thái và làng nghề; xác lập, phát triển nguồn lực đầu tư (vốn tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật…) thông qua các chính sách của Nhà nước và giải pháp quản lý hành chính pháp chế kết hợp xã hội hóa cho phát triển du lịch sinh thái và làng nghề vẫn là trọng tâm hàng đầu… Theo đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách trước mắt cũng như lâu dài cần chú ý đến giải pháp để thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia, các nguồn lực xã hội trong tỉnh cũng như trong nước và trong các quan hệ hợp tác quốc tế cho mục tiêu xây dựng, phát triển du lịch sinh thái và làng nghề nói riêng, du lịch Bình Dương nói chung.
e. Thời gian thực hiện:
- Thời gian bắt đầu: 8/2014
- Thời gian kết thúc: 01/2016
f. Kinh phí: 465.185.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của dự án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)