Phát triển, kết nối các Sàn giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị trong cả nước
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Đảng và Nhà nước ta cũng đã xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu trong chính sách phát triển quốc gia. Tuy nhiên, để thị trường này phát triển theo đúng lộ trình và xu thế của thế giới, cần nhận diện rõ những thách thức của toàn cầu hóa đối với lĩnh vực này, để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Hình thành Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị
Xây dựng và phát triển các sàn giao dịch công nghệ được xem là tổ chức quan trọng, có vai trò cốt lõi trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ, là nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá khoa học, định giá công nghệ... Thời gian qua, mặc dù Nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ thông qua việc thiết lập hành lang pháp lý cơ bản. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng và phát triển thị trường này còn nhiều rào cản, hạn chế nhất định so với mục tiêu hướng đến như chưa có cơ chế khuyến khích để hình thành và phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường.
Việc hình thành sàn giao dịch công nghệ và thiết bị là tương đối khó khăn, nhất là trong điều kiện thị trường khoa học và công nghệ ở nước ta mới hình thành và phát triển. Nhiều năm qua, Bộ KHCN và chỉ đạo Cục Thông tin KHCN quốc gia tổ chức chợ công nghệ và thiết bị với nhiều quy mô khác nhau nhằm hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có sản phẩm KHCN quảng bá, trình diễn, giới thiệu với công chúng. Đồng thời, tìm kiếm cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên thị trường. Tuy nhiên, các hoạt động nêu trên chủ yếu mang tính sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nên không đáp ứng được nhu cầu thường xuyên về hoạt động cung - cầu công nghệ trên thị trường khoa học và công nghệ.
Đến ngày 25/11/2021, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia chính thức khai trương Sàn giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị. Đây là nơi cung cấp thông tin, dịch vụ chuyển giao, tư vấn về mua bán công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Sàn giao dịch cũng tập hợp thông tin về các công nghệ, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trưng bày, triển lãm, xúc tiến giao dịch các sản phẩm nghiên cứu, thiết bị kỹ thuật, qua đó góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Tại lễ khai trương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: Hình thành và phát triển đồng bộ thị trường KHCN là một chủ trương lớn xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, Bộ KHCN đã tổ chức, triển khai nhiều chương trình, đề án và sự kiện nhằm kết nối cung cầu công nghệ như hội chợ công nghệ thiết bị, techmart, triển lãm thành tựu KHCN, trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ, ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… đã thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức, cá nhân có liên quan, qua đó góp phần hình thành và từng bước phát triển thị trường KHCN.
Bộ trưởng đề nghị Cục Thông tin KHCN quốc gia tổ chức vận hành thật tốt Sàn giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị, chủ động kết nối, liên thông với các sàn giao dịch công nghệ và thiết bị khác trên cả nước cũng như trong khu vực. Sàn giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị cần nỗ lực để trở thành địa chỉ tin cậy, quen thuộc của các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức KHCN khác. Qua đó có thể đánh thức tiềm năng của các kết quả nghiên cứu nhất là kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh dịch covid-19 diễn ra phức tạp trên cả nước, Cục Thông tin KHCN quốc gia đã nỗ lực cho ra mắt Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị. Ghi nhận sự nỗ lực này, Bộ trưởng Bộ KHCN đã đánh giá cao sáng kiến, sự nỗ lực của Cục Thông tin KHCN quốc gia trong việc phối hợp với các hiệp hội: Hội Tự động Hóa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp và khoa học Việt Nam, Hội Hàn Việt Nam chất lượng cao, Chi hội Doanh nhân quốc tế Việt Âu để triển khai các hoạt động tại Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị này. Tại sự kiện, có mặt của nhiều doanh nghiệp uy tín, sự tham dự của các nữ tri thức khoa học công nghệ Việt Nam trong lĩnh vực y dược, công nghệ sinh học, tự động hóa, công nghệ thông tin, vật liệu… là sự khởi đầu tích cực cho Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị ở quốc gia.
Hình thành sàn giao dịch công nghệ và thiết bị là nguyện vọng, là mong muốn từ rất nhiều năm của các viện nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá mà Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030 đề ra là phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ; xây dựng cổng thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu và nền tảng kỹ thuật tích hợp dùng chung về thị trường khoa học và công nghệ. Từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật về thị trường khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã nhận định, có thể nói, trong thị trường khoa học và công nghệ có 4 thành phần: thể chế, nguồn cung, nguồn cầu và các định chế trung gian. Ở nước ta, khâu yếu nhất chính là các định chế trung gian trong thị trường công nghệ. Trong định chế trung gian đó thì sàn giao dịch công nghệ và thiết bị ở tầm quốc gia và địa phương là vô cùng quan trọng. Ông hy vọng trong thời gian tới, Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị tại Cục Thông tin KHCN quốc gia sớm kết nối với sàn giao dịch công nghệ và thiết bị ở các địa phương trong cả nước để sớm có những định chế trung gian thật hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho các nhà khoa học và các doanh nghiệp, đây sẽ là địa chỉ tin cậy và là cơ hội gặp gỡ thường xuyên của các nhà khoa học và các viện, trường, doanh nghiệp tìm kiếm công nghệ để phục vụ cho chuyển đổi số của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Dần hoàn thiện hành lanh pháp lý
Để tạo điều kiện thuận lợi phát triển Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trên cả nước, Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2075/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020. Trong đó, đặt ra mục tiêu tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ trên thị trường hằng năm bình quân không dưới 15%, không dưới 20% đối với một số công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Trong Quyết định này đặt ra nhiệm vụ Hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về thị trường khoa học và công nghệ cho tổ chức và hoạt động của các sàn giao dịch công nghệ, định chế trung gian. Đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với mạng lưới tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ đồng bộ đi kèm. Mở rộng quy mô, tần suất, địa bàn hoạt động của các chợ công nghệ và thiết bị. Đa dạng hóa các hình thức hoạt động và nâng cao tỷ lệ giao dịch thành công tại các chợ công nghệ và thiết bị.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1158/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ hàng năm tăng bình quân đạt 30%, trên 35% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 20%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 35%. Tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước. Phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ: trên 240 tổ chức trung gian và 6 mạng lưới tổ chức trung gian chuyên sâu cho 6 ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Số hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường. Hiện đại hóa hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ, kết nối hiệu quả với mạng lưới tổ chức trung gian khu vực và toàn cầu. Trong đó, sàn giao dịch công nghệ và thiết bị cũng là một nhiệm vụ và giải pháp quan trọng.
Tại Bình Dương, Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2017, trong khuôn khổ Dự án “Đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN”. Sàn giao dịch được hình thành nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương; nâng cao năng lực hoạt động của Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến; quảng bá, giới thiệu sàn tới các cá nhân, doanh nghiệp có công nghệ và thiết bị chào bán, chào mua để tham gia Sàn; từng bước đưa Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Bình Dương trở thành sàn hoạt động hiệu quả trong khu vực và trong nước, tiến tới liên kết các sàn trong khu vực và trong nước trong tương lai.
Hiện nay, Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến này được Trung tâm Thông tin và Thống kê KH%CN quản lý. Hàng năm, Trung tâm đã chủ trì quảng bá Sàn giao dịch trên website Sở KH&CN; Cổng thông tin KH&CN; Website Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương (BIIC); Website Fablab BIIC và giới thiệu quảng bá Sàn giao dịch tại các hội thảo do Sở KH&CN, các đơn vị tổ chức cũng như giới thiệu, quảng bá Sàn giao dịch trên các kênh truyền thông khác. Đồng thời, Trung tâm đã phối hợp với Cổng thông tin đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ TP.Hồ Chí Minh (techport.vn), Sàn Giao dịch công nghệ và Thiết bị Cần Thơ (Catex.vn) để thực hiện việc liên kết, phối hợp chia sẻ thông tin lên Sàn Giao dịch công nghệ và Thiết bị trực tuyến Bình Dương một cách tự động với techport.vn và Catex.vn; tạo gian hàng ảo trên Sàn giao dịch cho các doanh nghiệp có thiết bị và công nghệ tham gia Sàn giao dịch, hướng dẫn cho các doanh nghiệp vận hành và sử dụng gian hàng ảo một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến Bình Dương cũng còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực trong việc trong việc triển khai thực hiện liên kết nguồn cung - cầu công nghệ và thiết bị trong và ngoài tỉnh; thiếu nguồn cung - cầu về thiết bị công nghệ cũng như chuyên gia. Hầu hết các Sàn giao dịch liên hệ để liên kết chia sẻ thông tin chưa triển khai sẵn các dịch vụ, cơ chế, chính sách pháp lý để chia sẻ tự động thông tin giữa các Sàn giao dịch. Các doanh nghiệp lớn (có công nghệ và thiết bị phù hợp) họ đã có sẵn những kênh thông tin quảng bá công nghệ và thiết bị hiệu quả (website, mạng xã hội…) nên cũng chưa mặn mà với việc tham gia Sàn giao dịch này.
Có thể nói, Sàn giao dịch công nghệ và các thiết bị thực hiện các nhiệm vụ kết nối các bên cung - cầu công nghệ, tìm kiếm cơ hội chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ trình diễn, triễn lãm, giới thiệu và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu như các sản phẩm hàng hóa KHCN qua đó góp phần thiết bị vào phát triển thị trường KHCN. Tuy nhiên, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này một cách hiệu quả nhất.
Hoàng Anh