Phát triển nông nghiệp huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
Theo từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 3, 2003), "nông nghiệp" là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi làm tư liệu và nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp. Theo đó, nông nghiệp còn là ngành sản xuất lớn bao gồm nhiều chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế nông sản, theo nghĩa rộng bao gồm cả lâm nghiệp và thủy sản".
Trong nền kinh tế ngày càng hiện đại và yêu cầu của xã hội với nông nghiệp ngày càng cao thì chức năng, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp ngày càng phức tạp hơn. Do vậy, theo quan điểm của tác giả “Nông nghiệp là một trong hai ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, gồm tổ hợp các ngành gắn liền với quá trình sinh học gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp”. Bên cạnh đó, nông nghiệp còn là một trong những ngành kinh tế quan trọng, vì vậy phát triển nông nghiệp là một bộ phận của phát triển kinh tế. Đó là quá trình tăng tiến về mọi mặt của nền kinh tế, phát triển kinh tế được xem như là quá trình biến đổi cả về lượng và chất, nó là sự kết hợp một cách chặt chẽ quá trình hoàn thiện của hai vấn đề kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia (Vũ Ngọc Phùng, 2005).
Phú Giáo là huyện nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bình Dương. Từ khi tái lập đến nay, kinh tế - xã hội huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu kinh tế - xã hội chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, tuy nhiên nông nghiệp vẫn đóng góp gần 40% vào cơ cấu kinh tế chung của huyện. Ngành nông nghiệp huyện Phú Giáo có nhiều lợi thế để phát triển, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu cho các ngành chế biến của tỉnh. Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện và sự đồng lòng của người dân, nền sản xuất nông nghiệp của huyện đã đạt được những kết quả nhất định, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo có xu hướng giảm.
Chính vì vậy, tác giả Dương Thị Thu Trinh đã lựa chọn đề tài “Phát triển nông nghiệp huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương)" làm đề tài nghiên cứu luận văn thạc sỹ của mình, nhằm đánh giá các nhân tố ảnh hưởng cũng như thực trạng phát triển nông nghiệp huyện Phú Giáo. Từ đó, đề xuất các giải pháp phù hợp, đồng bộ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế của huyện nói chung.
Mục tiêu nghiên cứu đề tài là phân tích thực trạng sản xuất ngành nông nghiệp huyện Phú Giáo, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy nông nghiệp của huyện phát triển có hiệu quả.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tác giả đã vận dụng các phương pháp thu thập tài liệu, phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê, tổng hợp,… tiến hành nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển nông nghiệp; thực trạng phát triển nông nghiệp huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương); định hướng phát triển nông nghiệp huyện Phú Giáo đến năm 2030.
Dựa trên kết quả nghiên cứu đạt được, tác giả cũng đưa ra 07 giải pháp phát triển nông nghiệp huyện Phú Giáo đến năm 2030 đó là: Xây dựng thị trường và thương hiệu cho nông sản; huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn; triển khai ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực; củng cố và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ nông nghiệp; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải pháp phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.
Ngọc Loan (Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).