Phổ biến Kế hoạch hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025
Ngày 10/11/2016, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo phổ biến Kế hoạch hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung tại Việt Nam giai đoạn 2016-2025.
PGS.TS. Ngô Văn Toàn -Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nhiễm HPV là nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung. Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung được chuẩn hóa theo tuổi ở Hà Nội là 6,5/100.000 phụ nữ, trong khi đó tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung tại TP. Hồ Chí Minh là 26/100.000 phụ nữ. Tuy nhiên, kiến thức, thái độ và thực hành về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung, về lợi ích của tiêm phòng vắc xin HPV và sàng lọc phát hiện sớm bệnh ở phụ nữ được nghiên cứu cũng như cán bộ y tế đều hạn chế. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam cũng chỉ có một số ít nghiên cứu quy mô nhỏ về kiến thức, thái độ và thực hành về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung; về phòng chống ung thư cổ tử cung và vắc xin HPV ở phụ nữ và vị thành niên; không có nghiên cứu đại diện quốc gia về ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và vị thành niên Việt Nam. Ngoài ra, năng lực hệ thống y tế Việt Nam trong đáp ứng với ung thư cổ tử cung và vắc xin HPV còn hạn chế...
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, ở Việt Nam, vắc xin HPV đã bắt đầu được cung cấp dưới dạng vắc xin dịch vụ cho vị thành niên và phụ nữ trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi với liệu trình 3 mũi tiêm trong vòng 6 tháng. Tính đến tháng 12/2015, mới có khoảng 350.000 - 400.000 phụ nữ Việt Nam được tiêm vắc xin HPV. Mặc dù Việt Nam đã có hệ thống sàng lọc ung thư cổ tử cung từ cộng đồng nhưng còn nhiều bất cập, trong đó phác đồ sàng lọc chưa được thống nhất là rào cản lớn trong việc chuẩn hóa các dịch vụ sàng lọc. Việc triển khai các chương trình sàng lọc, phát hiện và điều trị các tổn thương sớm ở cổ tử cung mới chỉ ở cấp độ dự án thử nghiệm, thiếu tính đồng bộ và thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Theo bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, hiện nay ung thư cổ tử cung được coi là một vấn đề cần quan tâm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đây là một căn bệnh đã và đang tiếp tục đe dọa tới đời sống và tình trạng sức khỏe của phụ nữ nói riêng và toàn bộ dân số nói chung.
Phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư cổ tử cung đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cứu mạng sống của người phụ nữ và cải thiện sức khỏe của họ một cách toàn diện. Ngoài ra, việc phát hiện và điều trị sớm ung thư cổ tử cung còn có những quan hệ tích cực tới việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giáo dục và bình đẳng giới.
Một số phương pháp điều trị thường sử dụng:
Phẫu thuật: Đối với điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, sẽ áp dụng thủ thuật cắt hình nón, phẫu thuật bằng laser, thủ thuật cắt bằng vòng dây điện hoặc phẫu thuật lạnh.
Hóa trị: Thường áp dụng sau phẫu thuật, hóa trị đơn thuần hoặc kết hợp với xạ trị.
Xạ trị: Xạ trị áp dụng trong trường hợp chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng đối với bệnh nhân giai đoạn muộn, không thể phẫu thuật, hoặc xạ trị trước và sau phẫu thuật.
|
Mai Hà (nguồn: http://moh.gov.vn)