Quá trình phát triển kinh tế trang trại ở huyện Phú Giáo ( 2005 – 2015) góp phần chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn trên địa bàn
TS Nguyễn Hoàng Huế - Bùi Phú Hoạt
Trường Đại học Thủ Dầu Một
Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của Tỉnh Bình Dương nói chung và huyện Phú Giáo nói riêng có sự phát triển khởi sắc, trong đó, kinh tế trang trại đã và đang từng bước khẳng định vai trò vị trí của nó trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Các loại hình trang trại ở Phú Giáo chủ yếu là các trang trại trồng cây lâu năm (Cao su, điều, cây ăn trái, .), trồng rừng, chăn nuôi, trồng trọt và trang trại kinh doanh tổng hợp. Tuy nhiên, kinh tế trang trại ở Phú Giáo, Bình Dương phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Bên cạnh một số trang trại đã và đang hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, còn một bộ phận rất lớn các trang trại còn lúng túng trong việc tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, định hướng đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường…
Việc tiếp tục nghiên cứu, luận giải làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về phát triển kinh tế trang trại làm căn cứ để xác định các quan điểm và giải pháp phù hợp, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại ở Phú Giáo, Bình Dương đáp ứng yêu cầu đặt ra là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập cơ sở, thực trạng và vai trò của kinh tế trang trại đối với sự phát triển của huyện Phú Giáo trong 10 năm (2005 - 2015).
1. Cơ sở lý luận, thực tiễn về phát triển kinh tế trang trại ở huyện Phú Giáo
Trang trại (TT) - một loại hình sản xuất nông nghiệp xuất hiện sớm trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới. Ở Việt Nam, kinh tế trang trại (KTTT) cũng được hình thành và trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Nhưng kinh tế trang trại chỉ thật sự trở thành loại hình sản xuất chủ chốt và có vị trí quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam, nhất là từ khi Đảng ta chủ trương thực hiện đường lối đổi mới đất nước.
Kinh tế trang trại có vai trò rất quan trọng trong khai thác có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; đồng thời tạo thêm việc làm tăng thu nhập, khuyến khích làm giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo; phân công lại lao động ở nông thôn, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thực tế đó khẳng định tính ưu việt vượt trội của kinh tế trang trại - một hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu của nền nông nghiệp hàng hóa nước ta.
Phú Giáo là một huyện nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bình Dương, Phía Đông giáp huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), phía Tây giáp huyện Bến Cát (Bình Dương), phía Nam giáp huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương), phía Bắc giáp huyện Đồng Phú (Bình Phước). Với điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi, nằm trên địa hình đồi thoải lượn sóng và các dải đất hẹp ven Sông Bé, đất có độ cao trung bình thấp và tương đối bằng phẳng. Đất Phú Giáo chủ yếu là đất bazan xám rất thích hợp cho các cây công nghiệp như: cao su, điều, tiêu và các loại cây ăn quả. Riêng dải đất ven Sông Bé là đất phù xa mới, trồng lúa và các loại rau đậu tốt. Khí hậu Phú Giáo ôn hòa, mỗi năm có 2 mùa, 6 tháng mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4) và 6 tháng mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10). Nhiệt độ trung bình tử 26°C đến 34°C. Lượng mưa trung bình trên địa bàn huyện là 1947,7 mm. Số ngày mưa trung bình là 163 ngày trong năm. Không khí có độ ẩm cao.
Nhìn chung, đất đai, khí hậu và sông suối của huyện Phú Giáo rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp và ngành này đang trở thành một thế mạnh của huyện. Tính đến nay, toàn huyện có hơn 500 trang trại chăn nuôi, trồng trọt, tạo lợi thế đưa nền nông nghiệp của huyện đi lên theo hướng sản xuất lớn.
Theo tiêu chí phân loại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với trồng trọt, quy mô diện tích hơn 3 ha cho doanh thu 700 triệu đồng/năm sẽ được đánh giá là TT. Về chăn nuôi, chủ yếu dựa vào doanh thu hàng năm, hơn 1 tỷ đồng được xem là TT. Quá trình phát triển TT tại Bình Dương trong vài năm gần đây đúng với quy hoạch, định hướng của tỉnh, nhiều TT được đầu tư quy mô, ứng dụng khoa học trong gieo trồng, chăm sóc, sử dụng giống mới cho hiệu quả cao về sản lượng và giá trị kinh tế [3].
Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của Tỉnh Bình Dương nói chung và huyện Phú Giáo nói riêng có sự phát triển khởi sắc, trong đó, kinh tế trang trại đã và đang từng bước khẳng định vai trò vị trí của nó trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Các loại hình trang trại ở Phú Giáo chủ yếu là các trang trại trồng cây lâu năm (Cao su, điều, cây ăn trái, .), trồng rừng, chăn nuôi, trồng trọt và trang trại kinh doanh tổng hợp. Tuy nhiên, kinh tế trang trại ở Phú Giáo, Bình Dương phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Bên cạnh một số trang trại đã và đang hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, còn một bộ phận rất lớn các trang trại còn lúng túng trong việc tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, định hướng đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường…
2. Thực trạng phát triển kinh tế trang trại ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương từ năm 2005 đến năm 2015
2.1. Giai đoạn 2005 - 2010
Phú Giáo là một huyện thuần nông, từ lâu vùng đất này đã hình thành nhiều trang trại kinh tế với những mô hình đa dạng. Trong giai đoạn 2005 -2010, phát huy những lợi thế sẵn có, kinh tế trang trại Phú Giáo tiếp tục phát triển và đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
Tính đến cuối năm 2010, Phú Giáo có tổng cộng 618 trang trại, bao gồm 486 TT trồng cây lâu năm, 119 TT chăn nuôi và 13 TT nông, lâm, thủy sản kết hợp. So với năm 2005 tăng 99 TT. Tổng diện tích đất sử dụng của các TT hiện nay là 5.895 ha, bình quân mỗi TT có 9,5 ha. Tổng số vốn sản xuất của các TT là 755,7 tỷ đồng, bình quân vốn đầu tư mỗi trang trại là 1,2 tỷ đồng; thu nhập bình quân mỗi TT 170 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho 3.847 lao động, trung bình mỗi TT giải quyết việc làm cho 6 lao động [4].
2.2. Giai đoạn 2010 - 2015
Trong giai đoạn này, theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, tính đến năm 2015, toàn tỉnh có 1.068 trang trại (TT) với tổng diện tích hơn 10.698 ha. Trong đó có 518 TT chăn nuôi, 542 TT trồng trọt và 8 TT tổng hợp. Các TT tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Dầu Tiếng và đã tạo việc làm ổn định cho hơn 6.000 lao động nông thôn. Cùng với những mô hình TT truyền thống, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình KTTT mới theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao. Các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế và có tính ứng dụng thực tiễn cao, tạo ra những bước đột phá trong phát triển TT của Bình Dương.
Tính đến cuối năm 2015, Phú Giáo có tổng cộng 341 trang trại, bao gồm 190 TT trồng cây lâu năm, 151 TT chăn nuôi và 13 TT nông, lâm, thủy sản kết hợp. Tổng diện tích đất sử dụng của các TT là 3.457,57 ha, tổng số lao động TT sử dụng là 2.569 người. Tổng thu của TT là 1.005 tỷ đồng, tăng 2,66 tỷ đồng so với năm 2010; thu nhập bình quân mỗi TT là 2,9 tỷ đồng/năm [1, tr3].
Đặc biệt, ngày 7/5/2013 tại Nông trường Suối Giai thuộc 2 xã Phước Sang, Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, Công ty Cổ phần Đường Bình Dương đã làm lễ động thổ Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao với tổng mức đầu tư 215,4 tỷ đồng, trên diện tích 471,86 ha. Quy mô chăn nuôi 3.500 con bò sữa với sản lượng đạt trên 8 triệu kg sữa/năm. Dự án không chỉ trực tiếp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, mà còn góp phần tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trang trại ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công việc quản lý điều hành. Vì vậy, tất cả các hoạt động liên quan đến quản lý và chăm sóc đàn bò sẽ được vận hành thông qua phần mềm quản lý đàn tiên tiến của châu Âu. Chuồng trại được thiết kế theo một quy trình khép kín, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của bò và kế hoạch chu chuyển đàn tổng thể. Tuy bò được nuôi tập trung nhưng mở ra không gian để tự do đi lại trong chuồng có mái che phủ. Mỗi khu chuồng đều có sân chơi được bố trí xen kẽ với từng khu vực chuồng trại, vừa có tác dụng cách ly cục bộ, tạo độ thông thoáng, vừa bảo đảm sự thoải mái thư giãn nhất cho đàn bò.
Tổng Giám đốc Công ty Đường Bình Dương Nguyễn Thanh Trung cho biết: Dự án tập trung xây dựng và chuyển giao cho nông dân Mô hình chăn nuôi nông hộ kiểu mẫu (Demo farm) để đào tạo và chuyển giao công nghệ cho nông dân. Mô hình chăn nuôi nông hộ kiểu mẫu được xây dựng sao cho phù hợp với người nông dân có ít đất đai và nguồn vốn đầu tư không nhiều từ 2 - 4 con bò ban đầu và phát triển lên nông hộ quy mô 30 đầu bò. Thông qua Demo Farm, Chủ đầu tư dự án sẽ có cơ hội giúp người nông dân áp dụng mô hình nuôi nhốt tập trung tiên tiến phù hợp với điều kiện hạn chế của một hộ gia đình. Ví dụ như áp dụng công nghệ dinh dưỡng cho bò ăn uống đúng khẩu phần và đúng thời gian quy định theo từng lứa và nhóm; Hoặc áp dụng công nghệ thiết kế để thiết kế không gian chuồng và sân chơi cho bò vận động, có hệ thống quạt và phun mưa làm mát không khí trong chuồng bò làm bò không bị stress do nhiệt độ cao; Áp dụng hệ thống vắt sữa bằng máy bán tự động giúp thu được lượng sữa không bị hao hụt nhiều và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; Thiết lập hệ thống thu gom phân gọn và sạch sẽ để áp dụng hệ thống Biogas... Quan trọng là tất cả những ứng dụng từ chuyển giao công nghệ này đều được tính toán với quy mô và yêu cầu tài chính hoàn toàn phù hợp với khả năng của người nông dân hiện nay.
Công ty kết hợp với Công ty Friesland Campina VN (Sữa Cô gái Hà Lan) mở các lớp đào tạo hướng dẫn nông dân trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc bò, chế biến thức ăn TMR, hướng dẫn cách vắt sữa và bảo quản sữa, xây dựng quy trình canh tác trồng cỏ đạt hiệu quả và năng suất cao tạo tiền đề cùng với những hộ nông dân trên địa bàn xây dựng cộng đồng chăn nuôi bò sữa có quy mô lớn. Kết quả điều tra của Cục Thống kê cho thấy: Chỉ số tiêu thụ sữa tươi ở Việt Nam chỉ đạt 14kg/ người/năm. Trong khi ở các nước đang phát triển trong khu vực tiêu thụ từ 30 - 60kg sữa/ người/năm và các nước phát triển là 118kg/người/năm.
Trang trại chăn nuôi bò sữa áp dụng công nghệ cao của dự án là mô hình mới của ngành chăn nuôi bò sữa tỉnh Bình Dương, phù hợp với quan điểm phát triển chăn nuôi của ngành, của tỉnh và có khả năng nhân nhanh đàn bò sữa chất lượng cao. Dự án tạo ra nhiều việc làm cho người lao động trong vùng trong suốt thời gian xây dựng, cũng như khi đưa vào khai thác sử dụng, tạo ra một vùng chăn nuôi bò sữa theo công nghệ tiên tiến, kỹ thuật cao cung cấp và đáp ứng một phần nguồn sữa nguyên liệu đạt chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự án góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho huyện Phú Giáo nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung và góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong tỉnh.
3. Quá trình phát triển kinh tế trang trại ở huyện Phú Giáo ( 2005 – 2015) góp phần chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn trên địa bàn
Kinh tế trang trại phát triển đã khẳng định được vị thế trong phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn trên địa bàn huyện Phú Giáo.
Sự phát triển của KTTT huyện Phú Giáo ( 2005 – 2015) đã góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong dân, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Với những điều kiện về thổ nhưỡng, lao động, KTTT Phú Giáo đã dần dần khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong cơ cấu kinh tế chung của huyện. Nông dân Phú Giáo cũng rất nhạy bén, ham học hỏi, do vậy trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình KTTT hiện đại, cho ra đời các sản phẩm có chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Với những chính sách mở và tiềm năng sẵn có, Phú Giáo đã thu hút nhiều nông dân từ Đồng Nai, TP.HCM và các tỉnh miền Tây đến đầu tư vào loại hình kinh tế này. Phát triển KTTT không những đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn mà còn đem lại những thay đổi lớn ở nông thôn Phú Giáo.
KTTT trên địa bàn huyện Phú Giáo thực chất là kinh tế hộ, phát triển với quy mô vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng đã huy động được nguồn nội lực trong dân rất lớn về vốn, lao động, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn của huyện.
KTTT Phú Giáo đã và đang phát huy lợi thế đúng hướng. TT tổng hợp theo mô hình VAC ở địa phương bước đầu đã thể hiện được ưu thế trong việc phát huy nguồn lực, có tiềm năng phát triển lớn. Trong quá trình phát triển, các chủ trang trại trên địa bàn huyện đã chú trọng đến việc chăn nuôi những vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao như heo rừng lai, nhím, ba ba.... Các TT tại địa phương đã cung ứng một nguồn thực phẩm lớn cho thị trường trong và ngoài tỉnh gồm heo, gà, trứng gia cầm, các loại rau quả, nấm… Cùng với chính quyền, ngành nông nghiệp, nông dân đã chuyển hướng đầu tư từ nhỏ lẻ, manh mún sang đầu tư tập trung, áp dụng chuẩn VietGAP để đưa ra thị trường những nông sản an toàn, bảo đảm chất lượng, đem lại giá trị kinh tế lớn, đó là hướng đi tất yếu của một nền nông nghiệp bền vững mà Bình Dương đang hướng tới.
Với những kết quả đã đạt được, rõ ràng KTTT huyện Phú Giáp phát triển đã làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt nông thôn, đời sống của các tầng lớp nhân dân nhờ đó ngày càng được nâng cao, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn ngày càng phát triển và hoàn thiện dần. Đúng như nhận định của ông Ngô Đình Thanh - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo cho biết: “Cùng với những chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời của tỉnh, thời gian qua, KTTT Phú Giáo đã phát triển mạnh và góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế chung của huyện” [4].
Tài liệu tham khảo
1. Huyện ủy Phú Giáo (2005), Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Giáo lần thứ IV (nhiệm kỳ 2015 – 2020), Văn phòng huyện ủy Phú Giáo.
2. Võ Thị Thanh Hương (2007), Kinh tế trang trại Tỉnh Bình Dương: Hiệu quả kinh tế và giải pháp phát triển, Luận văn thạc sỹ kinh tế, ĐH Kinh tế TP.HCM.
3. Quỳnh Nhiên (2016), Kinh tế trang trại : Hướng đến chuỗi liên kết giá trị gia tăng, báo Bình Dương, http://khoahocchonhanong.com.vn/Binh-Duong-Kinh-te-trang-trai-Huong-den-chuoi-lien-ket-gia-tri-gia-tang.html, truy cập ngày 05/05/2019.
4. Cao Sơn (2011), Kinh tế trang trại Phú Giáo: Phát triển chiều sâu, sản xuất hàng hóa, http://baobinhduong.vn/kinh-te-trang-trai-phu-giao-phat-trien-chieu-sau-san-xuat-hang-hoa-a22636.html, truy cập ngày 05/05/2019.
5. UBND huyện Phú giáo, Báo cáo tổng hợp tình hình kinh tế - xã hội huyện Phú Giáo, các năm: 2005 – 2015, Văn phòng UBND huyện Phú Giáo.