Quản lí sinh hoạt chuyên môn ở các trường trung học phổ thông huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, bao gồm 11 đơn vị hành chính cấp xã. Trong huyện có 4 trường trung học phổ thông (THPT) được bố trí ở thị trấn và 3 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn, đội ngũ giáo viên (GV) đa số là nhập cư, khả năng tiếp cận và vận dụng các phương pháp dạy học mới còn hạn chế nên chất lượng giáo dục thấp so với các vùng khác. Từ kết quả báo cáo đánh giá hàng năm của các trường THPT cho thấy, hiện nay nội dung sinh hoạt chuyên môn (SHCM) chủ yếu thực hiện nhiệm vụ hành chính, GV khó chia sẻ kiến thức, chưa sẵn sàng học hỏi và hợp tác để xây dựng kế hoạch bài học, vẫn còn thói quen tập trung phê phán, đánh giá, làm mất đi tính nhân văn của SHCM.
Thực tiễn cho thấy, sinh hoạt chuyên môn nếu được phát huy và quản lí tốt, chặt chẽ sẽ nâng cao được chất lượng dạy học và giáo dục của trường. Tuy nhiên, thực tế quản lí sinh hoạt chuyên môn hiện nay ở các trường chủ yếu là quản lí hành chính, theo dõi về số lần sinh hoạt, nội dung sinh hoạt là triển khai văn bản và kế hoạch của cấp trên. Thậm chí, với vai trò quản lí thì nhà trường không thực hiện đầy đủ chức năng quản lí sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học (NCBH), giao hẳn các tổ tự sinh hoạt, thiếu chỉ đạo và không kiểm tra, đánh giá.
Chính vì vậy, việc thực hiện luận văn: “Quản lí sinh hoạt chuyên môn ở các trường trung học phổ thông huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương” của tác giả Bùi Thị Phượng là điều hết sức cần thiết. Đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu trên cơ sở nghiên cứu lí luận, khảo sát và đánh giá thực trạng về quản lí sinh hoạt chuyên môn tại các trường THPT Huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, luận văn đề xuất một số biện pháp quản lí sinh hoạt chuyên môn tại các trường THPT Huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các cán bộ quản lí (CBQL) và GV ở các trường THPT của huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương có nhận thức tốt về về mục đích, ý nghĩa của SHCM nhằm cải thiện được mối quan hệ giữa cán bộ - GV - học sinh trong nhà trường. Tuy nhiên, một bộ phận GV vẫn còn gặp khó khăn, chưa thấy được vai trò của SHCM đối với hoạt động dạy học.
Bên cạnh đó, đa số CBQL các trường THPT của huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã thực hiện tốt chức năng lập kế hoạch SHCM: Đánh giá đặc điểm tình hình GV trong tổ về năng lực theo yêu cầu chuẩn nghề nghiệp GV THPT trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; xác định mục tiêu thực hiện các nội dung trong SHCM; phân tích, lựa chọn nội dung SHCM; xác định hình thức, phương pháp thực hiện SHCM. Tuy nhiên, đề tài đã tìm trong từng khâu quản lí SHCM vẫn còn một số biện pháp chưa đạt kết quả tốt như: Trong công tác tổ chức thực hiện SHCM còn một số CBQL chưa thực hiện tốt chỉ đạo, thực hiện chưa hết các nội dung, chưa sâu sát; thiếu kiểm tra, đánh giá nên các TCM và GV ít thực hiện, thực hiện đối phó, ngại đổi mới, không tự học hỏi và thiếu chia sẻ trong SHCM nên sự chuyển biến trong dạy học của GV chưa thể hiện, chưa phát huy tính hiệu quả của SHCM và chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao trong thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường hiện nay cũng như hướng đến thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018.
Có thể thấy, hầu như tất cả các yếu tố ảnh hưởng thuộc về CBQL, GV và các điều kiện hỗ trợ đến quản lí SHCM ở các trường THPT của huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đều ở mức yếu kém (đa số trong khoảng giá trị từ 1,00 - 1,80), không có đóng góp gì hay nói cách khác là gần như không ảnh hưởng. Do đó, để góp phần hỗ trợ cho việc thực hiện SHCM ở các trường cần phải có giải pháp tác động để tăng cường giá trị ảnh hưởng của các yếu tố đã nêu trên đối với SHCM.
Thêm vào đó, tác giả cũng đã đề xuất bốn biện pháp quản lí như sau: Nâng cao nhận thức của CBQL, GV về thực hiện SHCM; Thực hiện SHCM theo chuyên đề và SHCM theo NCBH; Chỉ đạo, lãnh dạo thực hiện SHCM gắn với công tác thi đua khen thưởng; Kiểm tra, đánh giá SHCM. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy các biện pháp đều có mối tương quan thuận, chặt chẽ với nhau. Để kết quả quản lí SHCM ở các trường THPT được tăng cao, CBQL cần thực hiện đồng bộ, nghiêm túc và tích cực các biện pháp trên.
Ngọc Dung