Quản lý hoạt động dạy học trực tuyến tại các trường trung học phổ thông thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương trong bối cảnh dịch Covid-19
Dạy học trực tuyến (DHTT) đã và đang trở thành một xu thế tất yếu trong nền kinh tế tri thức và đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid - 19. Phương pháp dạy học hiện đại này sẽ thay đổi cách tiếp cận và lĩnh hội tri thức so với phương pháp học tập trực tiếp truyền thống. Quản lý dạy học trực tuyến là khâu quyết định để thực hiện các mục tiêu dạy học và đảm bảo chất lượng dạy học trực tuyến.
Đại dịch Covid – 19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới, dẫn đến việc đóng cửa hàng loạt các trường học. Năm 2020, tại Việt Nam, lần đầu tiên dạy học trực tuyến được thực hiện trên quy mô quốc gia, khi ngành Giáo dục thực hiện phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học" trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. Chính vì vậy hoạt động dạy học trực tuyến và quản lý hoạt động dạy học trực tuyến ở các trường phổ thông còn hết sức mới mẻ và lúng túng, bất cập.
Chính vì những lý do đó, tác giả Cao Thị Kim Anh đã thực hiện luận văn thạc sĩ “Quản lý hoạt động dạy học trực tuyến tại các trường trung học phổ thông (THPT) thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương trong bối cảnh dịch Covid-19” vào năm 2022 với mục tiêu trên cơ sở hệ thống hóa lý luận về quản lý hoạt động DHTT ở trường THPT, đề tài khảo sát và phân tích thực trạng quản lý DHTT tại các trường THPT thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Từ đó, đề xuất các biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động DHTT tại các trường THPT thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương trong bối cảnh dịch Covid-19.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tác giả đã kết hợp sử dụng các phương pháp nghiên cứu như: điều tra bảng hỏi, phỏng vấn và thống kê toán học nhằm tìm hiểu và phân tích thực trạng với những minh chứng phù hợp, khoa học và đáng tin cậy.
Tác giả đã khảo sát, thực hiện phân tích đánh giá thực trạng hoạt động DHTT, công tác quản lý hoạt động DHTT, cũng như các điều kiện đảm bảo và các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý hoạt động DHTT. Kết quả khảo sát cho thấy, hoạt động DHTT tại các trường THPT thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương có nhiều ưu điểm cần được phát huy, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần được quan tâm khắc phục kịp thời như trong thực hiện nội dung, phương pháp, các điều kiện đảm bảo thực hiện hoạt động DHTT tại các trường THPT. Đề tài đã phân tích thực trạng quản lý hoạt động DHTT tại các trường THPT thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương trong bối cảnh dịch Covid - 19. Bên cạnh các ưu điểm, các trường còn một số hạn chế trong quản lý hoạt động dạy trực tuyến của giáo viên (GV), quản lý hoạt động học trực tuyến của HS và quản lý các điều kiện DHTT. Ngoài ra, người nghiên cứu cũng chỉ ra được những nguyên nhân chủ quan và khách quan của các hạn chế trong công tác quản lý hoạt động DHTT.
Từ kết quả nghiên cứu thực trạng quản lý hoạt động DHTT tại các trường trung học phổ thông thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, tác giả đã đề xuất cụ thể 5 biện pháp dựa trên những nguyên nhân hạn chế trong việc thực hiện các nội dung DHTT. Các biện pháp đề xuất gồm: Hỗ trợ, động viên, thúc đẩy hoạt động dạy trực tuyến của GV; Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng và phương pháp DHTT cho GV; Tổ chức nâng cao ý thức học tập và kỹ năng học trực tuyến cho học sinh (HS); Tăng cường giám sát GV thực hiện kiểm tra, đánh giá trực tuyến kết quả học tập của HS; Đầu tư trang bị hạ tầng kỹ thuật, học liệu đảm bảo tốt điều kiện DHTT.
Các biện pháp quản lý hoạt động DHTT tại các trường THPT thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương được thực hiện trưng cầu ý kiến của 197 cán bộ quản lý, GV tại 5 trường THPT công lập trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Có thể thấy, kết quả nghiên cứu của luận văn nhằm đánh giá tính cần thiết và khả thi trong việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng quản lý hoạt động DHTT tại trường THPT thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và được đánh giá cao.
Nguyễn Thị Mỹ Linh