Quy trình kỹ thuật nuôi cá sặc rằn
Định kỳ sau mỗi tháng nuôi, các hộ nuôi cần kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá để có những điều chỉnh nhằm tăng năng suất, sản lượng cá nuôi. Cá sặc rằn ít bệnh hơn so với các loài cá khác. Nhưng để phòng bệnh cho cá, cũng như kịp thời phát hiện, xử lý, ổn định môi trường nuôi, tránh lây lan diện rộng, cần thường xuyên theo dõi các hoạt động của cá.
Là phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi cá nước ngọt, ông Phùng Văn Thức (xã Tam Lập, huyện Phú Giáo) đã thành công với mô hình nuôi cá sặc rằn cho năng suất cao, trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn. Theo ông, đây là loài cá dễ nuôi, khả năng thích nghi rộng, nhưng không phải vùng đất nào cũng nuôi được, cần có quá trình thử nghiệm và tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật nuôi cá sặc rằn.
Vệ sinh ao nuôi
Đây là một công việc rất quan trọng trong nuôi trồng thủy sản nói chung, cá sặc rằn nói riêng. Theo ông Thức, cá sặc rằn ưa những vùng thấp trũng, đường nước thuận lợi, do vậy, bà con nông dân nên chọn và chuẩn bị ao nuôi cẩn thận. Ao nuôi có diện tích từ 3.000 - 5.000 m2, độ sâu từ 1,8 - 2,5m là tốt nhất, gần kênh rạch, có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt để chủ động cho việc cấp thoát nước và quản lý chăm sóc. Người nuôi nên thiết kế ao có bờ lưu khoảng 1,5 - 2m để tạo môi trường sinh thái tự nhiên cho cây cỏ thủy sinh phát triển và làm nguồn thức ăn sẵn có trong ao nuôi.
Ngoài việc chọn địa điểm, ao cần được quan tâm cải tạo theo quy trình nhằm diệt trừ các mầm bệnh gây hại cho cá nuôi. Trước khi tiến hành thả cá giống, hộ nuôi cần dọn cỏ, chặt các cành cây lớn quanh bờ ao để tránh tán cây che khuất mặt nước ao, giảm ánh sáng mặt trời và dễ gây ô nhiễm. Nạo vét bùn đáy ao, trừ lại khoảng 15 - 20 cm làm nền cho một số vi khuẩn có lợi phát triển lấn át vi khuẩn gây bệnh cho cá nuôi, đắp lại những chỗ sạt lở, lấp kín các hang hốc, tu sửa cống bọng và dùng lưới rây đăng chắn bờ ao.
Tiếp đó, rải vôi bột đều đáy và bờ ao với liều lượng 8 - 10kg/100m2 để điều chỉnh pH của môi trường và diệt khuẩn và loại trừ các mầm bệnh gây hại ảnh hưởng đến quá trình nuôi. Tiến hành phơi đáy ao từ 7 - 10 ngày. Nếu đất trong khu vực ao nuôi bị nhiễm phèn, đáy ao chỉ nên phơi se lại và nếu có thể dùng phân hữu cơ ủ hoai bón lót ao nuôi với liều lượng từ 30 - 40 kg/100m2. Sau đó cấp nước vào ao, chú ý nguồn nước xa các khu vực có chất thải công nông nghiệp, khi mức nước trong ao đạt ít nhất 0,8 -1,2 m có thể tiến hành thả cá.
Chọn giống tốt, khỏe mạnh
“Chọn cá giống khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhẹn, màu sắc sáng, kích cỡ đồng đều, cân đối, đúng tháng tuổi sẽ giúp cá sinh trưởng và phát triển tốt, ít bệnh và cho năng suất cao. Cá sặc rằn đực có màu sắc sáng, đuôi xanh, cá cái lớn hơn, có đầu bé, sọc đen trắng rõ trên thân.” - ông Thức chia sẻ kinh nghiệm chọn giống cá sặc rằn.
Hiện nay hầu như nguồn cá giống là giống từ sinh sản nhân tạo, hộ nuôi có thể liên hệ với trường Đại học Cần Thơ hoặc một số cơ sở cung cấp cá giống ở Đồng bằng sông Cửu Long như: An Giang, Đồng Tháp,... để mua trứng về ươm giống. Thông thường, cá sặc rằn thu hoạch sau 8 tháng nuôi, nếu ươm được cá giống, người nuôi sẽ chủ động được số lượng con giống cũng như chất lượng và thời gian thả cá. Khi cá được 5 - 6 tháng tuổi, ông Thức tiến hành ươm cá mới, vì vậy, mỗi năm gia đình ông thu hoạch được 2 vụ, năng suất thu hoạch đạt được từ 30-40 tấn/vụ. “Cá sặc rằn giống rất nhạy cảm với môi trường nên trước khi chuyển và thả giống đến ao nuôi phải ngâm bao cá giống dưới ao khoảng 15 phút sau đó tiến hành thả cá ra ngoài ao để tránh gây sốc cho cá. Hộ nuôi cần lưu ý đến mùa vụ thả cá thích hợp để tránh khi thu hoạch cá trùng vào mùa sinh sản từ tháng 4 đến tháng 9. Nên thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, mật độ thả nuôi trung bình từ 15-30 con/m2” - ông Thức cho biết.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Định kỳ sau mỗi tháng nuôi, các hộ nuôi cần kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá để có những điều chỉnh nhằm tăng năng suất, sản lượng cá nuôi. Cá sặc rằn ít bệnh hơn so với các loài cá khác. Nhưng để phòng bệnh cho cá, cũng như kịp thời phát hiện, xử lý, ổn định môi trường nuôi, tránh lây lan diện rộng, cần thường xuyên theo dõi các hoạt động của cá. Từ kinh nghiệm 12 năm nuôi cá nước ngọt, ông Thức chia sẻ: “Cá mắc bệnh đen mình khi có các biểu hiện bỏ ăn, mình đen lại, nấm nhớt, cụt đuôi, còn cá mắc bệnh gan khi xuất hiện triệu chứng sình bụng, gan sưng, mật to, chết sau 24 giờ. Nếu phát hiện cá bệnh nên tách riêng theo dõi và có hướng điều trị cụ thể, như: Giảm thức ăn, dùng thuốc kháng sinh có nguồn gốc thảo dược, thay nước, diệt khuẩn...”.
Anh Nguyễn Đình Lâm (trái) - Cán bộ Hội Nông dân huyện Phú Giáo tham quan mô hình nuôi cá sặc rằn tại hộ ông Phùng Văn Thức
Bên cạnh đó, các hộ nuôi cần quan sát thường xuyên màu nước ao, hoạt động bắt mồi và bơi lội của cá để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý vừa tránh lãng phí thức ăn thừa vừa hạn chế ô nhiễm cho ao nuôi. Ngoài các loại thức ăn là thực vật phiêu sinh, cám, bắp,... có thể sử dụng được thức ăn dạng viên công nghiệp dạng nổi có hàm lượng đạm dao động từ 30 - 35% để nuôi cá sặc rằn. Tùy theo từng giai đoạn phát triển của cá để điều chỉnh hàm lượng đạm trong thức ăn chăn nuôi cho phù hợp và áp dụng nguyên tắc cho cá ăn đúng giờ, đúng vị trí, đúng chất, đúng lượng. Đồng thời, định kỳ nên bổ sung men tiêu hóa, khoáng, các loại vitamin nhằm nâng cao khả năng kháng bệnh, giúp cá tiêu hóa tốt thức ăn, hạn chế các loại bệnh đường ruột ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của đàn cá nuôi.
Trong quá trình nuôi, việc quản lý nguồn chất thải trong ao nuôi có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cá thu hoạch. Chất thải trong ao bao gồm sản phẩm bài tiết của cá, xác các loại động thực vật thủy sinh, thức ăn thừa. Tất cả những loại chất thải này phân hủy lắng xuống đáy ao, sản sinh ra nhiều loại khí độc (NH3, H2S, NO2, ...) ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cá nuôi. Khi phát hiện ao có màu nước xanh đậm bất thường nên giảm lượng thức ăn, kết hợp với thay nước, ổn định lại môi trường nuôi bằng việc sử dụng một số chế phẩm sinh học phân hủy chất hữu cơ và hấp thu các khí độc. Công việc này nhằm cải thiện chất lượng nước giúp cho cá phát triển và tăng trưởng tốt trong quá trình nuôi. Mặt khác, vào đầu mùa mưa, cần dùng vôi bột với liều lượng 20 - 30 kg/ 1000m2 hòa với nước ao và rải khắp bờ ao để xử lý sát trùng nước, ổn định pH ao nuôi và ngăn ngừa các loại bệnh ký sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe cá nuôi.
Ông Thức chia sẻ: “Điểm lợi thế khi nuôi cá sặc rằn là cá càng to càng có giá, do vậy người nuôi có thể chủ động trong xuất bán, không bị thương lái ép giá. Trung bình cá có trọng lượng từ 150 - 200 gram/con, người nuôi có thể thu hoạch”.
Như vậy, từ những kinh nghiệm và quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc, thu hoạch của nông dân trên địa bàn Phú Giáo, có thể thấy cá sặc rằn rất dễ thích nghi với môi trường sống, nhu cầu thị trường lớn và ổn định. Với hiệu quả kinh tế do cá sặc mang lại, người nuôi có thể tận dụng những lợi thế về điều kiện tự nhiên của địa phương, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập và làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.▲
Huyền Trang