Sản xuất và chế biến các sản phẩm từ Bưởi
Tại Triển lãm các thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương năm 2020; Gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu của Thị xã Tân Uyên gây ấn tượng bởi các sản phẩm: Rượu bưởi, mứt bưởi, tinh dầu bưởi,… Chủ nhân của các sản phẩm này là ông Dương Văn Minh - Một lão nông tri điền của cù lao Bạch Đằng. Nơi nổi tiếng với bưởi ổi, bưởi đường lá cam...đã được công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2011.
Cù lao Bạch Đằng có diện tích hơn một ngàn ha, trong đó có khoảng gần 400 ha trồng bưởi. Những năm gần đây, bưởi mang lại giá trị kinh tế cao hơn trồng cao su. Song, người trồng bưởi cũng phải đầu tư khá nhiều về chi phí và công sức. Thông thường, để vườn bưởi đạt hiệu quả cao, trong quá trình chăm sóc, người trồng thường loại bỏ bớt khoảng 1/3 trái bưởi non. Cách làm này giúp cho cây phát triển tốt, cho nhiều trái đạt chất lượng. Tuy nhiên, những trái bưởi loại thải thường bị vứt bỏ trong vườn, khi bị phân hủy thường gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, ở một số nơi, người dân đã nghĩ ra cách tận dụng những trái bưởi loại thải để làm ra rượu bưởi, nem chay, mứt bưởi, tinh dầu bưởi...
Ở cù lao Bạch Đằng, Ông Dương Văn Minh là một trong những người tiên phong trong việc vận dụng phương pháp truyền thống của người xưa để nâng cao giá trị sử dụng của trái bưởi. Theo ông, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, quá trình sơ chế, chế biến chưa được phát triển. Vì vậy, tình trạng đất đồng ế chợ, được mùa mất giá vẫn còn. Trong quá trình tìm hiểu về công dụng của trái bưởi và các thành phần có trong trái bưởi, với sự trợ giúp của một số kỹ sư hóa và thực phẩm; ông Minh đã hoàn thiện được qui trình chế biến từ xử lý nguyên liệu, ủ rượu, chưng cất trích ly tinh dầu, ngâm và sấy mứt,... Ông cho biết: “ Việc xây dựng được qui trình chế biến sau trái bưởi tạo hàng rào bảo vệ cho giá trị của trái bưởi. Các sản phẩm làm từ trái bưởi, như: Tinh dầu bưởi, rượu có giá trị cao, lại đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng khó tính. Nhờ có các bạn trẻ có kiến thức khoa học kỹ thuật mà chúng tôi tạo ra được các sản phẩm ổn định về chất lượng, đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm về thực phẩm và thức uống có cồn. Ví dụ như khi test sản phẩm thì không có các vi sinh vật, kim loại nặng, methanol… . Tuy nhiên, với xuất phát điểm là ít vốn, trang thiết bị, dụng cụ còn hạn chết nên quá trình chế biến còn mang tính thủ công”.
Hiện nay, với thị trường tiêu thụ rải rác nên ông Minh chỉ thực hiện sản xuất sản phẩm với qui mô nhỏ, chủ yếu là thủ công. Qui trình chiết xuất tinh dầu được ông áp dụng bằng phương pháp chưng cất và trích ly bằng hơi nước truyền thống. Vỏ bưởi sau khi đã làm sạch, được đem xay nhuyễn để phá vỡ các tinh dầu, giúp quá trình trich ly ngắn hơn. Sau đó, đem chưng cất lôi kéo nước bằng thiết bị nồi hơi. Ông chia sẻ thêm: “quá trình chưng cất tinh dầu bí quyết để thu hồi được tất cả các thành phần có trong vỏ bưởi là phải xay nhuyễn vỏ. Khi xay nhuyễn, các mô chứa tinh dầu sẽ bị phá vỡ, dễ bốc hơi trong quá trình chưng cất hơn”.
Theo các chuyên gia, bưởi là loại cây ăn trái thuộc họ quýt cam, có tên khoa học là Citrus Grandis Osbek. Bưởi là loại trái cây rất tốt cho sức khỏe. Mỗi bộ phận của trái đều có công dụng riêng. Thịt quả là phần được dùng chủ yếu, chứa rất nhiều các loại Vitamin, Glucoxit, Canxi,..Vỏ quả, chứa tỷ lệ lớn Cellulose và mang lại nhiều thành phần có giá trị như Pectin, tinh dầu thơm,… Các sản phẩm làm từ vỏ bưởi có công dụng tốt để phòng ngừa một số căn bệnh do thiếu chất xơ gây ra, như: Tiểu đường, tim mạch, ung thư ruột kết, cao huyết áp, táo bón, trĩ, tình trạng máu và gan nhiễm mỡ. Riêng lớp vỏ xanh có tác dụng trừ phong, tiêu đờm, giảm đau dạ dày, đầy bụng, ăn uống không tiêu hoặc ho. Tinh dầu từ vỏ bưởi có tác dụng kháng khuẩn (làm giảm độc trực khuẩn lao, tụ cầu vàng, phế cầu, có khả năng tiêu diệt lỵ amip), giúp giải cảm, thư giãn, giảm stress. Đặc biệt tinh dầu bưởi còn giúp tóc dài mượt, chống hói rụng tóc, làm đẹp da.
Khai thác và tận thu tất cả để mang lại giá trị cao cho hơn cho trái bưởi không phải là ý tưởng mới mẻ. Hiện, đã có rất nhiều doanh nghiệp, nhà máy sản xuất ra các sản phẩm như mứt bưởi, tinh dầu bưởi, các loại đồ uống và thức ăn từ bưởi. Song, đối với những nông dân, chỉ biết đến trồng và cung cấp trái ra thị trường; phải phụ thuộc vào giá cả và đối tác tiêu thụ; thì việc linh hoạt để chế biến, sản xuất các sản phẩm từ trái bưởi sẽ giúp người trồng chủ động trong việc cung ứng, nâng cao giá trị kinh tế của loại cây trồng. Bên cạnh đó, việc tận thu trái bưởi loại thải còn tránh ô nhiễm môi trường, gia tăng thu nhập.
Hiện nay, các sản phẩm tinh dầu bưởi, mứt bưởi, rượu bưởi,...của ông Dương Văn Minh đã được đăng ký nhãn hiệu “Hai Dương”. Ông cùng với 3 thành viên khác thành lập nên Hợp tác xã bưởi Bạch Đằng. Hiện, Hợp tác xã đang xúc tiến xây dựng qui trình đăng ký các thủ tục để phân phối tại hệ thống Coop Mart và trên Website của MyVietel,.. Các sản phẩm mang thương hiệu Hai Dương được cam kết sản xuất theo chuỗi an toàn từ nhà vườn đến thu hoạch, chế biến. Trong tương lai, ông Minh hy vọng sẽ liên kết được nhiều nhà vườn trên địa bàn vào Hợp tác xã để khai thác “tài nguyên bản địa” một cách tốt nhất.
Thu Huyền