Sáng chế của Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh được Mỹ cấp bằng bảo hộ độc quyền
“Hệ thống và phương pháp lập chỉ mục dữ liệu không gian sử dụng tổng chênh lệch ít nhất và cây quyết định nhị phân” của nhóm tác giả Phạm Trần Vũ và Nguyễn Đức Vũ do ĐHQG-HCM làm chủ sở hữu vừa được Cơ quan quản lý sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỹ (USPTO) cấp bằng bảo hộ độc quyền.
Theo thông tin trang thông tin điện tử của ĐHQG-HCM cho biết, sáng chế này đề cập phương pháp và phần mềm máy tính để quản lý cơ sở dữ liệu của mạng máy tính (Database management systems). Giải pháp có thể được sử dụng cho nhiều loại dữ liệu khác có đặc điểm không gian. Về mặt ứng dụng, giải pháp nhóm hướng đến việc lưu trữ dữ liệu có đặc điểm không gian (spatial - yếu tố địa lý) với quy mô lớn và cần được xử lý theo thời gian thực, phổ biến với các ứng dụng IoT (Internet of Things).
Đại diện nhóm tác giả PGS.TS Phạm Trần Vũ chó biết, “Lập chỉ mục cho dữ liệu không gian hoặc địa lý đóng một vai trò quan trọng trong hệ quản trị cơ sở dữ liệu (DBMS). Lập chỉ mục là một cấu trúc tồn tại độc lập với dữ liệu chính. Nó tương tự như một bảng chỉ mục ở mặt sau của một cuốn sách văn bản. Mục đích của việc lập chỉ mục là tối ưu hóa khả năng tìm kiếm, truy xuất và nhập dữ liệu. Do đó, lập chỉ mục giúp cải thiện hiệu suất cơ sở dữ liệu”.
Thay vì quét toàn bộ cơ sở dữ liệu khi đáp ứng một yêu cầu dữ liệu nào đó, người quản trị cơ sở dữ liệu chỉ cần xem xét một phần nhỏ của dữ liệu có liên quan. Nó tương tự việc tìm kiếm một từ trong nhóm chữ cái của nó, tìm từ đó và tất cả trang có liên quan nơi từ đó xuất hiện. Do đó, việc lập chỉ mục giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc tìm kiếm, đọc dữ liệu và nhập dữ liệu. Ngoài ra, một cấu trúc lập chỉ mục tốt sẽ tối ưu hóa không gian bộ nhớ và đạt được độ trễ và khả năng mở rộng thấp trong thao tác dữ liệu như thêm, xóa và sửa đổi.
“Về mặt ứng dụng, giải pháp nhóm hướng đến việc lưu trữ dữ liệu có đặc điểm không gian (spatial - yếu tố địa lý) với quy mô lớn và cần được xử lý theo thời gian thực, phổ biến với các ứng dụng IoT (Internet of Things)” - PGS.TS Phạm Trần Vũ lý giải.
Theo thống kê của IPVietNam, Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận trên 125.000 đơn các loại (tăng 4,1% so với năm 2019), trong đó gần 77.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Cục đã xử lý được gần 114.000 đơn các loại, trong đó có gần 72.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2019). Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ cho 48.072 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng 18,1% so với năm 2019). Kết quả này thể hiện nỗ lực của Cục Sở hữu trí tuệ trong hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ, cơ bản đáp ứng nhu cầu bảo hộ tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, góp phần bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh tại Việt Nam.
Mỹ Linh