Sở Khoa học và Công nghệ: Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Trong Chương trình phối giữa Sở Khoa học và Công nghệ và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh Hợp tác xã (HTX) đã chủ động tổ chức hội nghị triển khai và xây dựng kế hoạch chi tiết và xác định nhiệm vụ khoa học công nghệ hàng năm để thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng theo kế hoạch đề ra.
Trong Chương trình, hai bên triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015 cho 02 hợp tác xã (HTX Hồng Đức - thị xã Bến Cát, HTX Ổi Thanh Kiên - huyện Phú Giáo); cấp mã số - mã vạch hàng hóa cho 05 HTX (HTX Ổi Thanh Kiên - huyện Phú Giáo, HTX Tân Nông Phát - thị xã Tân Uyên, HTX Nhân Đức - huyện Bắc Tân Uyên, HTX Nấm sạch Bình Dương - thị xã Bến Cát, HTX Minh Hòa Phát - huyện Dầu Tiếng); hướng dẫn đăng ký lập quyền về nhãn hiệu hàng hóa cho 03 HTX (HTX nông nghiệp Bông Trang, HTX Tân Hiệp An, HTX Tâm Phát). Xét duyệt dự án ứng dụng khoa học và công nghệ cho 02 HTX (HTX Chăn nuôi Tâm Phát, HTX Cao su Nhật Hưng) được vay 06 tỷ 900 triệu đồng để đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào dây chuyền sản xuất với lãi suất ưu đãi… Liên minh HTX tỉnh thường xuyên làm cầu nối giữa HTX với các Doanh nghiệp lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong thời gian qua, đã có 03 HTX mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ điện năng lượng mặt trời vào sản xuất kinh doanh, bước đầu giảm chi phí đầu vào quá trình sản xuất.
Xuất phát từ kết quả, hiệu quả Chương trình phối hợp hoạt động giữa Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020 và từ yêu cầu thực tiễn của khoa học và công nghệ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới theo định hướng xây dựng và phát triển vùng đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh tỉnh Bình Dương; Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh hợp tác xã tỉnh Bình Dương thống nhất ký kết, triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các hình thức kinh tế tập thể, sử dụng các dịch vụ của tổ hợp tác, hợp tác xã để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể; phát triển đa dạng các hình thức liên kết hợp tác, quy mô phù hợp với trình độ, năng lực quản lý.
Nâng cao nhận thức cán bộ, thành viên về vị trí, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong hoạt động sản xuất và đời sống, kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã; xây dựng, nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ có giá trị kinh tế cao, bền vững trên các lĩnh vực.
Hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ (mô hình ứng dụng, các công cụ năng suất và chất lượng, sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo…) nhằm phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của toàn dân về kinh tế tập thể, hợp tác xã; đồng thời, tăng cường năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực trong điều kiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Các nội dung, chương trình phối hợp sẽ được cụ thể hóa hàng năm và triển khai thống nhất, hình thức đa dạng, thiết thực và hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng địa phương và đối tượng thực hiện được tập trung vào các nhóm nội dung sau:
1. Phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về khoa học và công nghệ cho cán bộ, thành viên các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Thông tin, tuyên truyền vị trí, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; kết quả các mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thành công, các điển hình tiên tiến trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất; các mô hình, dịch vụ khoa học và công nghệ gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn và sản phẩm chủ lực quốc gia, của tỉnh và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP);
Quy trình công nghệ, kỹ thuật thành công có khả năng ứng dụng trong thực tế sản xuất phù hợp với từng địa phương; quy trình quản lý sản xuất và tiêu chuẩn sản phẩm nông sản, hàng hóa có mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao, an toàn với sức khỏe cộng đồng; các chứng nhận nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và giá trị của các sản phẩm có chứng nhận trong việc nâng cao giá trị kinh tế, tính bền vững cho các giá trị nông sản; ứng dụng khoa học và công nghệ vào chuỗi khép kín từ sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên;
Thông tin về các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và các địa chỉ kinh doanh sản phẩm an toàn được xác nhận để thiết lập liên kết với các cơ sở phân phối, tiêu thụ sản phẩm; chính sách hỗ trợ của nhà nước trong triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đối với các tổ chức, cá nhân thông qua Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ của tỉnh.
Hình thức thông tin, tuyên truyền thông qua các hoạt động như: hội nghị, hội thảo, hội thi; viết tin, bài, mở chuyên trang, tuyên truyền mục đăng tải trên báo, tạp chí, trang website, bản tin…; xây dựng các video, phim khoa học về quy trình khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp;
Tổ chức biên soạn, in ấn một số tài liệu tuyên truyền về các chính sách, kiến thức, mô hình khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tại địa phương; trao đổi, cung cấp thông tin cho nhau về các mô hình kinh tế nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, kinh nghiệm quản lý, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp khởi nghiệp.
2. Hỗ trợ Hợp tác xã tiếp cận chính sách Nhà nước
Tư vấn, hướng dẫn Hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ theo hướng tiến tiến, nâng cao năng suất, giải quyết việc làm lao động nhất là lao động nông thôn…
Hỗ trợ tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc tiếp cận các chính sách về liên kết sản xuất theo Nghị định số 98/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm hỗ trợ hợp tác xã theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025.
3. Phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ, thành viên về ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ
Đối tượng tập huấn là đội ngũ cán bộ, thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Dự kiến mỗi năm tập huấn ít nhất 150 lượt người.
Nội dung tập huấn tập trung về ứng dụng khoa học, công nghệ mới, thiết bị mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh; bảo quản chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu: hệ thống quản lý chất lượng tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, truy suất nguồn gốc, áp dụng mã số, mã vạch, mã QR Code cho sản phẩm, hàng hóa; làm quen với thương mại điện tử, từ cách chụp ảnh sản phẩm, viết nội dung, xây dựng các kịch bản kinh doanh bán hàng trực tuyến, lựa chọn kênh bán đến livestream... Mỗi thành viên của HTX sẽ được đào tạo để trở thành một chủ doanh nghiệp, chủ động nắm thông tin thị trường, mở rộng kênh phân phối, quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
4. Hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; ứng dụng, chuyển giao công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ cán bộ, thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng chế, sáng tạo; đưa sáng kiến, sáng chế, sáng tạo có hữu ích vào áp dụng thực tiễn góp phần đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, chuyển đổi số, môi trường, giao thông vận tải…
Hỗ trợ tổ chức các cuộc thi: “Hợp tác xã Bình Dương chung tay xây dựng thành phố thông minh”; “Tìm hiểu các mô hình hợp tác xã kiểu mới”; “Tìm hiểu chính sách, pháp luật trong phát triển kinh tế tập thể”; “hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của hợp tác xã Bình Dương”; “khôi phục, phát triển bền vững các ngành nghề truyền thống”…
Xây dựng, phát triển và sử dụng mã số, mã vạch, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trong sản xuất nông nghiệp (nông sản, chế biến, thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp).
Xây dựng hệ thống thông tin kết nối cung cầu sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các nông sản đặc sản, hiệu quả tổ chức sản xuất, phát triển thị trường trên cơ sở lợi thế và điều kiện sản xuất, văn hóa bản địa, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Chính phủ.
5. Hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm ứng dụng khoa học và công nghệ, ứng dụng khoa học và công nghệ mới vào hoạt động sản xuất và dịch vụ trong nông nghiệp
Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn quy mô nông hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tận dụng triệt để các phế, phụ phẩm, chất thải trong sản xuất nông nghiệp để làm thành phân bón, thức ăn chăn nuôi…
Phối hợp hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã thực hiện các mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ số, công nghệ 4.0.
Hai bên phối hợp đầu tư mở rộng ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ thông qua các mô hình cụ thể, các cơ sở sản xuất, dịch vụ của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong đó chú trọng đến công nghệ nhân giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, giống nấm… Các công nghệ tiên tiến và thiết bị đồng bộ trong thu hoạch, bảo quản, chế biến giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.
Chú trọng công nghệ tưới tiêu, các giải pháp cung cấp nước ngọt, nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt. Các thiết bị nông nghiệp có tính đồng bộ cao, sử dụng năng lượng tái tạo. Sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông phổ biến các kiến thức khoa học và công nghệ cho các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khoa học công nghệ, các đơn vị kinh tế có liên quan được tham gia xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị bền vững.
Xây dựng các tài liệu (dưới dạng sổ tay) hướng dẫn kinh nghiệm thực hiện xây dựng các mô hình phát triển ứng dụng công nghệ cao ở các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp trong và ngoài tỉnh và tổ chức tham quan đánh giá chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm giữa các địa phương.
6. Hỗ trợ đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, tăng quy mô, năng suất, chất lượng sản phẩm
Chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ và cung ứng dịch vụ khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, nâng cao năng lực quản trị, tăng quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã.
Phối hợp hỗ trợ về việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho hợp tác xã nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
7. Hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong tỉnh được tham gia các chương trình, đề án, dự án do Sở chủ trì thực hiện liên quan đến phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.
Tập trung hỗ trợ về khoa học công nghệ phát triển các ngành nghề chăn nuôi, trồng trọt cho các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng sản xuất hàng hóa, theo vùng chuyên canh tập trung, có sức cạnh tranh cao, dần khẳng định thương hiệu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tham gia tích cực vào đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, gia tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích nghi của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Hỗ trợ triển khai các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp: các dự án ứng dụng, chuyển giao các loại giống mới chất lượng cao thích hợp với nông nghiệp đô thị, phát triển nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và chất lượng một số loại cây ăn quả, cây có múi trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn VietGAP và gắn kết với thị trường tiêu thụ; ứng dụng và phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến cây có múi; ứng dụng máy móc, công nghệ trong phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương; dự án ứng dụng Công nghệ 4.0 trong quản lý và sản xuất nông nghiệp.
Hỗ trợ triển khai các dự án ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện với môi trường… trong sản xuất nông nghiệp.
Hỗ trợ triển khai các dự án dự án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào trong sản xuất kinh doanh của các ngành hàng nông nghiệp…
Hỗ trợ triển khai các dự án ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đổi mới công nghệ tạo ra giá trị gia tăng tăng thêm cho các ngành hàng nông nghiệp.
Hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc tham gia, phối hợp triển khai các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Hình thức phối hợp: tư vấn; định hướng chủ yếu để xác định các nhiệm vụ KH&CN lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, chuyển đổi số, môi trường, giao thông vận tải…; đề xuất đặt hàng, triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ.