Sở Khoa học và Công nghệ: Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng
Ngày 01/11/2012, Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 20), nêu rõ quan điểm, xác định mục tiêu, giải pháp chiến lược để phát triển KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Thực hiện Nghị quyết này, tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Chương trình hành động; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động, các chủ trương chính sách để triển khai thực hiện; triển khai học tập quán triệt, chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện; kiểm tra giám sát thực hiện nhằm phát triển mạnh mẽ KH&CN, làm cho KH&CN thực sự là động lực quan trọng nhất để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng, góp phần đưa Bình Dương cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa và tạo ra sự phát triển cân đối, bền vững vào năm 2020.
Sau 5 năm thực hiện, nhận thức của các cấp ủy Đảng và chính quyền về vai trò của KH&CN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh từng bước được nâng cao, nhiệm vụ phát triển KH&CN được coi là một trong những nhiệm vụ lãnh đạo quan trọng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động KH&CN. Triển khai các định hướng, lĩnh vực KH&CN chủ yếu: Nông nghiệp; công nghiệp, công nghệ; phát triển công nghệ thông tin; y tế, chăm sóc sức khỏe; bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; giao thông, vận tải; giáo dục và đào tạo; quốc phòng và an ninh; triển khai các nhiệm vụ cấp tỉnh, cơ sở. Phát huy và tăng cường tiềm lực KH&CN của tỉnh. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng.
Trong giai đoạn này, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KH&CN phù hợp với thực tiễn hoạt động KH&CN ở địa phương, từ đó hoạt động KH&CN đã có những chuyển biến tích cực, có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong một số lĩnh vực. Các nhiệm vụ KH&CN hầu hết đều gắn với ứng dụng để giải quyết vấn đề đặt ra từ thực tiễn sản xuất và đời sống. Các chương trình KH&CN trọng điểm tập trung hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động KH&CN để đổi mới quy trình công nghệ, cải tiến máy móc thiết bị, tạo ra sản phẩm mới; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; nâng cao năng suất, chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Sự hỗ trợ của Nhà nước tuy không nhiều, nhưng có tác động lan rộng trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Bình quân giai đoạn 2010 - 2016, tốc độ tăng của TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế là 28,11%, phản ánh đóng góp của KH&CN ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu công nghiệp, công nghệ; an toàn bức xạ hạt nhân; quản lý các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động KH&CN ngày càng hiệu quả, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đối với các huyện và các ngành đã quan tâm hơn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KH&CN, các đề tài sát với nhu cầu cấp cơ sở được triển khai nhiều hơn so với các năm nước. Tiếp tục xây dựng mô hình tổ chức hoạt động và quản lý nhà nước về KH&CN cấp huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng huy động thêm nguồn lực bổ sung vào nguồn lực của tỉnh.
Ngoài những mặt làm được, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 trong giai đoạn vừa qua cũng còn gặp nhiều hạn chế. Hoạt động KH&CN chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu, chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy đã triển khai một số chương trình KH&CN trọng điểm, nhưng các nhiệm vụ trong từng chương trình thiếu gắn kết nên hiệu quả còn hạn chế; các chương trình KH&CN chưa được lồng ghép với các chương trình kinh tế xã hội khác. Mặc dù số lượng nhiệm vụ KH&CN hàng năm được các tổ chức, cá nhân đề xuất nhiều, nhưng số lượng phù hợp với định hướng kinh tế - xã hội của tỉnh không nhiều, do đó số nhiệm vụ hàng năm được đưa vào thực hiện ít; số doanh nghiệp tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đạt thấp; sự kết hợp giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nhà khoa học, tổ chức chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Việc ứng dụng tiến bộ KH&CN, cải tiến, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, như thiếu thông tin về thị trường, công nghệ, vốn.
Mô hình trồng cà chua trong nhà lưới
Thị trường KH&CN bước đầu hình thành, nhưng chưa phát triển mạnh. Sản phẩm của nghiên cứu khoa học có hàm lượng chất xám chưa cao; việc gắn kết nghiên cứu, ứng dụng với sản xuất, kinh doanh chưa rộng rãi. Dịch vụ trong lĩnh vực KH&CN chưa phát triển. Đội ngũ cán bộ KH&CN thiếu về số lượng, chất lượng còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Nhân lực KH&CN ở các ngành kinh tế mũi nhọn, có tính quyết định đem lại giá trị gia tăng cao, như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, điện tử - viễn thông, công nghệ số và tự động… rất thiếu. Việc đào tạo và thu hút các nhà khoa học giỏi, tài năng, chuyên gia đầu ngành chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Chưa huy động được nguồn lực xã hội tham gia vào quá trình xã hội hóa các hoạt động KH&CN. Việc cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ cho việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn hạn chế. Chưa có biện pháp để khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư kinh phí cho việc đổi mới công nghệ, thiết bị và nâng cao chất lượng sản phẩm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN còn hạn chế. Chưa có biết biện pháp đẩy mạnh nhân rộng kết quả các nhiệm vụ KH&CN sau nghiệm thu vào sản xuất và đời sống. Tiềm lực KH&CN của tỉnh phát triển còn chậm.
Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tưới phun sương kết hợp bón phân cho cây bưởi theo công nghệ ISRAEL tại xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, Bình Dương
Trong thời gian tới để thực hiện Nghị quyết 20 có hiệu quả, tiếp tục đầu tư phát triển KH&CN tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đổi mới cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở cấp tỉnh và cấp cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN, tăng cường đầu tư tiềm lực KH&CN.
Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Tranh thủ các kênh chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cao từ nước ngoài. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực KH&CN. Tiếp thu và làm chủ công nghệ, thiết bị được chuyển giao phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Xuân Mai