Sở Xây dựng: Thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương năm 2021
“Tiếp tục triển khai mô hình cập nhật dữ liệu thông tin địa lý GIS ngành xây dựng giai đoạn 2020 - 2022; ứng dụng GIS 3D và các mô hình thành phố 3D trong công tác quản lý đô thị và các hoạt động xây dựng, thí điểm trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, giai đoạn 2020-2023”
Đó là những nhiệm vụ được giao cho Sở Xây dựng thực hiện trong năm 2021 trong Kế hoạch số 77/KH-BĐH ngày 01/06/2021 của Ban điều hành thành phố thông minh về Kế hoạch thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương trong năm 2021.
Những kết quả đạt được
Trong quá trình triển khai, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 09/2020/QĐ-UBND ngày 06/03/2020 về Quy chế thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương làm cơ sở cho các Sở, ngành có liên quan thực hiện đồng bộ cơ sở dữ liệu trong quá trình thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng.
Ngày 05/02/2021, UBND tỉnh đã có Văn bản chỉ đạo số 537/UBND-KT triển khai phần mềm Hệ thống thông tin địa lý và các phần mềm chuyên ngành Xây dựng (GIS), theo đó đã yêu cầu: “Lãnh đạo các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố, các tổ chức có liên quan thuộc đối tương điều chỉnh của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 09/2020/QĐ-UBND thực hiện tốt việc quản lý, khai thác và chịu trách nhiệm về cơ sở dữ liệu do đơn vị thực hiện cập nhật theo đúng quy định đã được bàn hành”.
Hiện nay,” hệ thống GIS giai đoạn 2” đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Hệ thống được cài đặt tại Trung tâm dữ liệu dùng chung của tỉnh Bình Dương do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý với việc cung cấp các kênh xem và tra cứu thông tin quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, phản ánh xây dựng… Các cá nhân, tổ chức có thể truy cứu hệ thống thông tin địa lý tại địa chỉ http://gisxd.binhduong.gov.vn/; và có thể tải ứng dụng xem và tra cứu thông tin quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, phản ánh xây dựng trên hệ điều hành IOS (apple store), Android (CH play).
Khối lượng dữ liệu đã được số hóa là rất lớn, bao gồm: 01 quy hoạch chung toàn tỉnh, 12 quy hoạch chung đô thị, 41 quy hoạch phân khu, 46 quy hoạch nông thôn mới và 577 quy hoạch chi tiết trên toàn Tỉnh; hơn 5.000 công trình xây dựng và các hồ sơ liên quan; dữ liệu về quy hoạch và hiện trạng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; ngoài ra một khối lượng lớn các dữ liệu hạ tầng kỹ thuật trên toàn Tỉnh cũng đã được thu thập, chuẩn hóa và lưu trữ trong hệ thống như: hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống viễn thông, hệ thống chiếu sáng, công viên - cây xanh, môi trường đô thị…
Đầu năm 2021, Sở Xây dựng đã tổ chức Hội nghị tập huấn sử dụng, bàn giao cơ sở dữ liệu, tài khoản quản lý khai thác và cập nhật Cơ sở dữ liệu trên hệ thống thông tin địa lý và các phần mềm chuyên ngành Xây dựng (GIS).
Hiện nay, Sở Xây dựng đang phối hợp với các đơn vị có liên quan để tổng hợp, báo cáo đánh giá về hiệu quả ứng dụng dự án “Hệ thống thông tin địa lý và các phần mềm chuyên ngành xây dựng (GIS), hiện đã có 11 đơn vị phản hồi về nội dung này.
Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai
Trong quá trình triển khai dựa án, Sở Xây dựng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của lãnh đạo Tỉnh. Bên cạnh đó dự án cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn triển khai thí điểm, điển hình là:
- Các dữ liệu số liệu được lưu trữ không đồng bộ, liên thông, còn phân tán, chưa chuẩn hóa và còn ở nhiều định dạng khác nhau, ví dụ: dữ liệu bản đồ, số tờ, số thửa về đất đai… nên chưa thể đồng bộ, chuẩn hóa số liệu liên ngành. Đơn vị tư vấn cùng với các Phòng Ban thuộc Sở phải mất rất nhiều thời gian đề thu thập và chuẩn hóa dữ liệu.
- Dữ liệu hạ tầng kỹ thuật hiện hữu, đặc biệt là hạ tầng ngầm, đã được xây dựng trước đây hiện tại không được lưu trữ đầy đủ thông tin, đa phần trên bản vẽ giấy, vì vậy cần nhiều thời gian và công sức, kinh phí để thu thập, cập nhật và bổ sung, xử lý dữ liệu vào hệ thống GIS.
- Nhận thức của các Sở ngành, huyện/thị/thành phố về vấn đề số hóa dữ liệu ngành xây dựng không giống nhau, nhiều nơi chưa thật sự chú trọng, ít quan tâm đến vấn đề số hóa và chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu ngành xây dựng, việc trích lục các hồ sơ lưu trữ giấy trước đây gặp nhiều khó khăn, thất lạc, xuống cấp và chưa chính xác với thực tế.
- Hạ tầng công nghệ thông tin trong giai đoạn đầu chưa đồng bộ, việc chia sẻ thông tin phục vụ tra cứu quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật của người dân và doanh nghiệp cũng còn một vài hạn chế. Và một trong những điểm quan trọng là việc đảm bảo tính cập nhật liên tục của dữ liệu nền địa hình, địa chính cũng còn hạn chế nhu cầu khai thác dữ liệu ngành xây dựng.
- Trang thiết bị máy móc một số nơi còn chưa theo kịp, các cán bộ phụ trách cập nhật dữ liệu GIS chưa có chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin để quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống máy tính của ứng dụng GIS một cách hiệu quả nhất. Quá trình chuyển đổi số tại một số địa phương, đơn vị còn chậm, chưa ứng dụng rộng rãi hệ thống GIS vào trong giải quyết công việc tại cơ quan, đơn vị.
Phương hướng giai đoạn 2021 - 2026
Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Xây dựng đã đề xuất và được UBND đồng ý giao làm chủ đầu tư 05 dự án đầu tư công:
(1) Ứng dụng công nghệ vệ tinh, viễn thám xây dựng nguồn dữ liệu tham chiếu định hướng cập nhật, số hóa dữ liệu về giao thông, quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng.
(2) Triển khai áp dụng mô hình cập nhật dữ liệu GIS ngành xây dựng theo quy trình nghiệp vụ.
(3) Ứng dụng GIS 3D và các mô hình thành phố 3D trong công tác quản lý đô thị và các hoạt động xây dựng (thí điểm trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một).
(4) Đề xuất và thực hiện thí điểm mô hình quản lý GIS kết hợp BIM trong quản lý đầu tư xây dựng.
(5) Trang bị hạ tầng công nghệ thông tin và trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý ngành xây dựng theo định hướng phát triển Đô thị thông minh (dự kiến giai đoạn 2022 - 2024)
Trong năm 2021 Sở Xây dựng được giao vốn đầu tư công 04 dự án đầu tư - Giai đoạn chuẩn bị đầu tư: (1) Triển khai áp dụng mô hình cập nhật dữ liệu GIS ngành xây dựng theo quy trình nghiệp vụ; (2) Ứng dụng GIS 3D và các mô hình thành phố 3D trong công tác quản lý đô thị và các hoạt động xây dựng (thí điểm trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một); (3) Ứng dụng công nghệ vệ tinh, viễn thám xây dựng nguồn dữ liệu tham chiếu định hướng cập nhật, số hóa dữ liệu về giao thông, quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng; (4) Đề xuất và thực hiện thí điểm mô hình quản lý GIS kết hợp BIM trong quản lý đầu tư xây dựng.
Đến nay, Sở đã lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Sở Kế hoạch và đầu tư thẩm định 02 dự án: (1) Triển khai áp dụng mô hình cập nhật dữ liệu GIS ngành xây dựng theo quy trình nghiệp vụ; (2) Ứng dụng GIS 3D và các mô hình thành phố 3D trong công tác quản lý đô thị và các hoạt động xây dựng (thí điểm trên địa bàn tp Thủ Dầu Một).
Sở Xây dựng đang dự thảo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với 02 dự án: (1) Ứng dụng công nghệ vệ tinh, viễn thám xây dựng nguồn dữ liệu tham chiếu định hướng cập nhật, số hóa dữ liệu về giao thông, quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng; (2) Đề xuất và thực hiện thí điểm mô hình quản lý GIS kết hợp BIM trong quản lý đầu tư xây dựng.
Đề xuất, Kiến nghị
Đô thị thông minh được xem là xu hướng phát triển của nhiều đô thị trên thế giới, và tại Việt Nam, cụ thể là tỉnh Bình Dương cũng đã bước đầu tiếp cận với mô hình này. Đây được xem và xu thế tất yếu mà mọi tỉnh thành, từ các cấp khác nhau đều mong muốn hướng đến nhằm mục đích tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị (hiện đại, an toàn, tiết kiệm), cải thiện chất lượng phục vụ của hệ thống quản lý nhà nước.
Và hiện nay, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đang tập trung vào vấn đề quản lý đô thị thông minh, với bước đầu là xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian (chuyên ngành xây dựng, hạ tầng kỹ thuật) và đề xuất cơ chế quản lý, kiểm duyệt, chia sẻ dữ liệu. Đối chiếu với lộ trình, định hướng được đề ra trong Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 01/08/ 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam năm 2018-2025 và định hướng đến 2030, Bình Dương đã hoàn thiện giai đoạn đến năm 2020, hướng đến mục tiêu phát triển hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng và các dữ liệu khác trên nền GIS đến năm 2025.
Để tiếp tục duy trì và phát triển mô hình quản lý đô thị tỉnh Bình Dương theo hướng đô thị thông minh, Sở Xây dựng xin đề xuất một số kiến nghị:
- Tiếp tục duy trì và vận hành CSDL khung cho hệ thống đô thị trên nền GIS đã thực hiện trong giai đoạn khởi tạo Hệ thống thông tin địa lý ngành Xây dựng theo quyết định số 09/2020/QĐ-UBND của UBND Tỉnh đã ban hành ngày 06/03/2020.
- Xây dựng thí điểm hệ thống CSDL liên thông dân cư, đất đai, giao thông, quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng. Vấn đề này cần có sự kết hợp của nhiều Sở ngành của Tỉnh, như: Tài nguyên Môi trường, Giao thông, Công An Tỉnh, Thông tin Truyền thông, Khoa học công nghệ,…
- Tiếp tục triển khai ứng dụng GIS phục vụ công tác quản lý đô thị theo hướng triển khai GIS 3D, BIM, sử dụng dữ liệu vệ tinh đô chính xác cao theo thời gian thực nhằm thực hiện các mô hình thí điểm quản lý đô thị thông minh theo mô hình 3D - 4D theo dõi được các biến động của đô thị theo thời gian gần với thời gian thực (Near Realtime).
- Để xây dựng được đô thị thông minh là cả một quá trình lâu dài, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục đầu tư, đạo tào nguồn nhân lực, nâng cao trình độ cán bộ quản lý để tiếp cận được với công nghệ mới đặc biệt là đáp ứng những yêu cầu của chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong giai đoạn tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được bố trí vốn đầu tư công theo Quyết định số 2198/QĐ-UBND ngày 21/09/2021 của UBND tỉnh.
Nguồn: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch Thành phố thông năm 2021, phương hướng năm 2022 của Sở Xây dựng ký ngày 30/11/2021
Quế Trâm