Sơn mài Tương Bình Hiệp trước thời cơ mới!
Làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp (thành phố Thủ Dầu Một) được hình thành từ thế kỷ XVIII.
Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, sơn mài Tương Bình Hiệp đã có nhiều sự thay đổi, chịu tác động của nền kinh tế thị trường, phải cạnh tranh với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác để tồn tại. Ngày 06/04/2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã chính thức công bố đưa Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang hoàn tất hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Nghệ thuật sơn mài vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây có thể nói là tín hiệu vui dành cho ngành sơn mài ở Tương Bình Hiệp.
Khó khăn của một ngành nghề truyền thống
Theo số liệu thống kê năm 1945, ở Bình Dương có 10 cơ sở sản xuất sơn mài. Riêng làng Tương Bình Hiệp có hơn 300 hộ gia đình làm nghề. Đặc biệt, xưởng sơn mài Thành Lễ thành lập 1943 là cơ sở sản xuất lớn nhất thời bấy giờ tạo tiếng tăm trong và ngoài nước. Thời kỳ “vàng son” của sơn mài Bình Dương ở thời điểm 1945 - 1975, hàng sơn mài giai đoạn này xuất khẩu sang các nước Châu Âu, có giá trị thương mại lớn, đạt đỉnh cao về số lượng, với trình độ mỹ thuật và chất lượng nghệ thuật, sự đa dạng phong phú.
Với những thành quả đó, tính đến năm 2011, làng nghề Tương Bình Hiệp có 900 hộ với khoảng 3.000 lao động làm sơn mài, tạo ra giá trị xuất khẩu hàng năm gần 01 triệu USD. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, ngành sơn mài phải chịu cạnh tranh với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác như đan lát, tranh dầu, tranh cát… Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương cho biết, hiện nay, thị hiếu thẩm mỹ của khách hàng được nâng lên, họ lựa chọn các sản phẩm trưng bày, biếu tặng phải rẻ, đẹp, do đó các sản phẩm sơn mài bị cạnh tranh từ mặt hàng trang trí đến mặt hàng quà tặng. “Từ 900 hộ làm sơn mài nhưng đến nay chỉ còn gần 30 hộ tiếp tục sản xuất, họ là những người yêu nghề, muốn lưu giữ lại những nét tinh hoa của văn hóa Việt trên sản phẩm sơn mài nhưng lấy nghề để sống thì không nổi. Còn các cơ sở lớn thì chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng, không còn sản xuất đại trà như trước kia”, ông Linh nói.
Cơ hội mới cho làng nghề
Để duy trì làng nghề, nhiều cơ sở sản xuất đã mạnh dạn thay đổi mẫu mã các sản phẩm và chú trọng đến thị trường nội địa, nhất là các sản phẩm quà tặng. Các cơ sở sản xuất đều có nhận định, trước đây thị trường xuất khẩu là thị trường chủ yếu nhưng gần đây, do tình hình kinh tế khó khăn, nên việc xuất khẩu bị chậm lại, các khách hàng truyền thống cũng ít đặt hàng. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã từng bước áp dụng máy móc vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất. “Qua việc sử dụng máy móc vào một số khâu trong quá trình sản xuất sơn mài đã phần nào nâng cao năng suất sản xuất và nâng cao chất lượng của sản phẩm”, ông Linh cho biết.
Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, phải trải qua nhiều công đoạn chủ yếu làm bằng tay
Với việc công bố Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vừa qua cũng đã “kích thích” lại các thị trường, nhất là thị trường nội địa. Bên cạnh đó, các tour du lịch cũng đưa khách đến tham quan các cơ sở sản xuất nên các sản phẩm sơn mài được tiêu thụ tốt hơn.
Ông Huỳnh Ngọc Đáng, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, việc nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia có ý nghĩa trọng đại đối với cộng đồng làm nghề sơn mài nói riêng và người dân tỉnh Bình Dương nói chung, góp phần tôn vinh và quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị. Đây cũng cũng là cơ hội lớn để nghề sơn mài Tương Bình Hiệp phát triển, tạo nguồn thu cho các hộ, cơ sở sản xuất và nhất là có đủ điều kiện để đệ trình UNESCO ghi danh Nghệ thuật sơn mài vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Nếu Nghệ thuật sơn mài được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ là niềm vui của sơn mài Việt Nam nói chung và sơn mài Tương Bình Hiệp nói riêng trong việc bảo tồn và phát triển ngành sơn mài. Đồng thời, cũng là thời cơ để quảng bá các sản phẩm sơn mài, thu hút khách du lịch và mở rộng các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước”, ông Linh nhận định.
Tháng 11/2016 vừa qua, Bảo tàng Bình Dương phối hợp với Cục Di sản văn hóa, Viện Mỹ thuật và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện công tác khảo sát, kiểm kê và tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật sơn mài ở tỉnh Bình Dương để hoàn tất hồ sơ quốc gia về Nghệ thuật Sơn mài.
Việc xây dựng hồ sơ đa quốc gia về Nghệ thuật sơn mài để đệ trình UNESCO ghi danh Nghệ thuật sơn mài vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được Việt Nam và Hàn Quốc đồng thực hiện. Đây cũng là hoạt động nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị độc đáo của nghề sơn mài; đồng thời, thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể giữa các nước trong khu vực.
|
Thiên Bình