Tài nguyên thông tin khoa học và công nghệ số
Tài nguyên thông tin KH&CN số (còn gọi là tài nguyên điện tử) là những tài nguyên ở dạng số/điện tử mà khi truy cập và khai thác cần sự trợ giúp của các thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông (máy tính, mạng thông tin, thiết bị di động...) và thường được ghi và lưu giữ trên các vật mang tin số như: ổ cứng máy tính (cố định hoặc lưu động), đĩa quang, trên bộ nhớ của hệ thống máy chủ, hoặc lưu giữ trên mạng intenet.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng ở các nước phát triển trên thế giới. Ở Việt Nam, vấn đề chuyển đổi số đã trở thành yêu cầu cấp bách đối với trong mọi lĩnh vực kinh tế- xã hội. Về nội dung chuyển đổi số về thông tin KH&CN, Ths. Cao Minh Kiểm, Hội thông tin KH&CN Việt Nam cũng có buổi trao đổi rất chi tiết và rõ nét về vấn đề này với các hội thành viên vào tháng 10 tại Nha Trang. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng ta chỉ trao đổi tổng quan về tài nguyên thông tin KH&CN số ở Việt Nam và hiện tại ở Bình Dương.
Theo Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày18/02/2014 của Chính phủ về hoạt động thông tin KH&CN xác định, thông tin KH&CN là dữ liệu, dữ kiện, số liệu, tin tức được tạo ra trong các hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo. Tri thức được coi là thông tin khi nó được trình bày, được hiển thị trên vật mang tin hoặc ở dạng đọc, xem được (không phải là tri thức ẩn trong não của người có tri thức).
Tài nguyên thông tin là "tập hợp các loại hình tài liệu, bao gồm: tài liệu in, bản chép tay, tài liệu nghe nhìn, tài liệu vi dạng (vi phim, vi phiếu), tài liệu số và tài liệu đặc biệt cho người khuyết tật" [Luật Thư viện 2019]. Theo Nghị định 11/2014/NĐ-CP thì tài nguyên thông tin được hiểu "là các thông tin KH&CN được thể hiện dưới dạng sách, báo, tạp chí khoa học; kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học; thuyết minh nhiệm vụ, báo cáo kết quả thực hiện, ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN; tài liệu sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; catalô công nghiệp; luận án khoa học; tài liệu thiết kế, kỹ thuật; CSDL; trang thông tin điện tử; tài liệu thống kê KH&CN; tài liệu đa phương tiện và tài liệu trên các vật mang tin khác."(8).
Như vậy, tài nguyên tin KH&CN là toàn bộ thông tin KH&CN được ghi lại, trình bày hoặc thể hiện ở nhiều dạng thức và trên nhiều dạng vật mang tin (ở dạng truyền thống và dạng điện tử) mà tổ chức, quốc gia có được. Những thông tin này có thể là nội sinh/trong nước (do tổ chức hoặc quốc gia đó tạo ra, lưu giữ, phổ biến), thu thập được qua các kênh thông tin khác nhau (mua, trao đổi, biếu tặng,....) hoặc truy cập được một cách ổn định, lâu dài (thông qua mua quyền truy cập hoặc có thể truy cập được do bên có thông tin tạo điều kiện truy cập lâu dài).
Tài nguyên thông tin KH&CN số ở Việt Nam
Về sách KH&CN, trong giai đoạn 2017 - 2019, số lượng đầu tên sách xuất bản tăng dần mỗi năm. Số lượng bản in năm 2019 đã đạt trên 420 triệu bản. Số đầu tên sách kỹ thuật đã lên đến gần 3.500 tên với số bản khoảng 42 triệu bản; lĩnh vực KHXN, số đầu tên là gần 7.400 tên với khoảng 16,9 triệu bản.
Về tạp chí, ước tính, trong số trên 500 tên tạp chí được xuất bản trong nước, có 334 tạp chí khoa học được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đưa vào danh sách xem xét, tính điểm cho các bài báo được công bố trong đó. Tất các tạp chí KH&CN đều được chuẩn bị bằng công nghệ chế bản điện tử, nghĩa là có bản điện tử của các số tạp chí được xuất bản.
Về tài liệu xám, đây là nguồn tài nguyên thông tin KH&CN không công bố, có 2 loại hình quan trọng là: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN và luận án tiến sỹ.
- Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN: Theo quy định tại Thông tư 14/2014/TT-BKHCN ngày 11/6/2014, các báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước phải được thu thập, đăng ký và lưu giữ tại cơ quan có thẩm quyền. Các cá nhân/tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN phải nộp bản điện tử báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ (file hoàn chỉnh, không tách riêng các file chương, mục,…); bản điện tử Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ; bản điện tử phụ lục tổng hợp số liệu điều tra, khảo sát, bản đồ, bản vẽ, ảnh, sách chuyên khảo, bài tạp chí... tài liệu đa phương tiện, phần mềm (nếu có). Bản điện tử phải sử dụng định dạng Portable Document (.pdf) và phải sử dụng phông chữ tiếng Việt Unicode (Time New Roman) theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 6909:2001). Đây là nguồn tài nguyên thông tin KH&CN dạng số rất có giá trị.. Tính đến nay, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đang lưu giữ trên 27.800 báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN các cấp. Ngoài Cục Thông tin KH&CN quốc gia, các cơ quan thông tin trực thuộc các bộ, ngành cũng lưu giữ, các cơ quan thông tin-thư viện thuộc trường đại học, cao đẳng, cơ quan thông tin thuộc các viện nghiên cứu cũng đều lưu giữ các báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước.
- Luận án tiến sỹ: Theo quy định, tất cả các nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sỹ trên lãnh thổ Việt Nam (người Việt Nam và người nước ngoài) và nghiên cứu sinh người Việt Nam bảo vệ luận án ở nước ngoài đều phải nộp một bản luận án và tóm tắt luận án tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Thư viện Quốc gia Việt Nam lưu giữ khoảng 29.200 bộ luận án tiến sĩ của người Việt Nam bảo vệ trong nước và nước ngoài, và của người nước ngoài bảo vệ tại Việt Nam, với tổng số trang tài liệu hơn 4,5 triệu trang.
Về Cơ sở dữ liệu, CSDL KH&CN nội sinh cũng là tài nguyên thông tin KH&CN số quan trọng. Khảo sát gần đây của Cục Thông tin KH&CN quốc gia cho thấy các đơn vị thuộc Bộ, ngành đã xây dựng khoảng 2.620 CSDL; các trường đại học xây dựng khoảng 15.322 CSDL. Tuy nhiên số lượng biểu ghi là rất hạn chế. Một số CSDL KH&CN nội sinh trong nước có quy mô tương đối lớn là:
- CSDL công bố KH&CN Việt Nam (còn gọi là CSDL tài liệu KH&CN Việt Nam) lưu giữ thông tin về các bài báo KH&CN từ hơn 236 tạp chí KH&CN có tính điểm công trình. Đến tháng 9/2020, CSDL có trên 271.843 biểu ghi thư mục, trong đó khoảng 70% được đính kèm file toàn văn.
- CSDL nhiệm vụ KH&CN là CSDL thư mục lớn nhất Việt Nam về các nhiệm vụ KH&CN, lưu giữ thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN, nhiệm vụ KH&CN đang tiến hành và kết quả ứng dụng nhiệm vụ KH&CN. Đến tháng 9/2020, CSDL có hơn 35.598 biểu ghi, trong đó có hơn 29.950 biểu ghi về kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN, khoảng 4.500 biểu ghi nhiệm vụ KH&CN đang tiến hành.
- CSDL luận án tiến sỹ ở Thư viện quốc gia Việt Nam. Đến tháng 12/2019, Thư viện quốc gia Việt Nam tạo lập được CSDL luận án tiến sỹ với 20.477 luận án, tổng số 314.239 trang [Thư viện quốc gia Việt Nam].
Tài nguyên thông tin KH&CN số ở Bình Dương
Hiện tại, tài nguyên thông tin KH&CN số ở Bình Dương chủ yếu là tài liệu xám: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN, luận văn luận án sau đại học.
Tỉnh Bình Dương đã cụ thể hóa Thông tư số 14 /2014/TT-BKHCN ngày 11/6/2014 của Bộ KH&CN bằng Quyết định số 54/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 về việc ban hành quy định về thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh Bình Dương, với phạm vi điều chỉnh bao gồm: Thu thập thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ đang tiến hành; đăng ký và lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đăng ký và lưu giữ kết quả thực hiện luận văn - luận án sau đại học; thu thập thông tin về ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN: Lưu giữ gần 300 nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
- Kết quả thực hiện luận văn - luận án sau đại học: Lưu giữ hơn 200 bộ luận văn - luận án sau đại học có sử dụng ngân sách nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Bình Dương được thực hiện từ năm 2016 đến nay.
- Thông tin về ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN: Lưu giữ hơn 200 biểu ghi về thông tin ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh.
Tất cả thông tin tài liệu xám trên địa bàn tỉnh được cập nhật vào một CSDL được gọi là CSDL KH&CN tỉnh. Đồng thời, công bố thông tin trên website KH&CN và Cổng thông tin KH&CN tỉnh Bình Dương.
Có thể nói, một trong những nội dung thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động thông tin KH&CN là cần tập trung xây dựng CSDL quốc gia về KH&CN. Cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện mô hình kiến trúc CSDL quốc gia về KH&CN; xây dựng và ban hành kiến trúc dữ liệu chung cho hệ thống CSDL quốc gia về KH&CN, các quy định pháp lý, kỹ thuật, công nghệ cho CSDL quốc gia về KH&CN.
Để đảm bảo hạ tầng dữ liệu cho chuyển đổi số, cần tiếp tục quan tâm phát triển nguồn tài nguyên số KH&CN, triển khai thực hiện truy cập mở đến tài nguyên thông tin KH&CN. Phát triển dữ liệu mở cần được chú trọng trong thời gian tới. Đồng thời chúng ta cần nghiên cứu áp dụng mã định danh số cho đối tượng (DOI), hoàn thiện mô hình cấp và quản lý DOI ở quy mô quốc gia.
Ngọc Loan