Tăng trưởng hai con số - đặt nền móng cho Bình Dương phát triển bền vững
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 933/KH-UBND vào ngày 13/3/2025, nhằm thực hiện Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số trên địa bàn tỉnh trong năm 2025. Đây là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới của Bình Dương.
Kế hoạch xác định rõ quan điểm phát triển: lấy tăng trưởng đột phá để phát triển bền vững, phát triển bền vững để thúc đẩy “kỷ nguyên vươn mình” của tỉnh. Bình Dương quyết tâm vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2025 từ 10,5%, riêng ngành công nghiệp tăng trên 11,2% và dịch vụ tăng trên 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô nền kinh tế tỉnh dự kiến vượt 574.899 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt trên 198 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ, trong đó công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 65,2%, thương mại - dịch vụ đạt 24,9%, nông, lâm, thủy sản đạt 2,7% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 7,2%. Kim ngạch xuất nhập khẩu phấn đấu tăng trên 10%/năm, đạt lần lượt 38 tỷ USD xuất khẩu và 26,8 tỷ USD nhập khẩu. Tỉnh đặt mục tiêu thành lập mới từ 8.000-10.000 doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư FDI trên 3 tỷ USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 200.000 tỷ đồng, tăng trên 24% so với năm trước.
Để đạt được mục tiêu này, Kế hoạch số 933/KH-UBND nhấn mạnh thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 6/12/2024 của Tỉnh ủy: huy động mọi nguồn lực đầu tư với đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, phát huy tối đa hiệu quả các tuyến đường cao tốc, vành đai, cảng biển, sân bay quốc tế; đổi mới khâu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra theo hướng rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả và tăng cường kiểm tra, giám sát. Tỉnh tập trung phát triển các ngành công nghiệp thế hệ mới như sản xuất vi mạch, chip bán dẫn, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính ngân hàng, bất động sản; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương trên thị trường quốc tế.
Song song với phát triển kinh tế, Bình Dương chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được đầu tư đồng bộ, hướng tới phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, khuyến khích phát triển doanh nghiệp mới, chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, phấn đấu thành lập mới từ 8.000-10.000 doanh nghiệp trong năm 2025. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến đạt trên 200.000 tỷ đồng, thu hút vốn FDI trên 3 tỷ USD, tạo việc làm mới cho 35.000-45.000 lao động, phát triển mạnh nhà ở xã hội, hướng tới mục tiêu toàn tỉnh có trên 20.000 căn nhà ở xã hội vào cuối năm 2025.
Kế hoạch số 933/KH-UBND là kim chỉ nam để các cấp, ngành, địa phương đồng lòng hành động, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, quyết tâm đưa Bình Dương trở thành điểm sáng phát triển năng động, hiện đại, văn minh, góp phần vào thành tựu chung của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Mỹ Linh