Tăng trưởng xanh: Chìa khóa phát triển bền vững
Huỳnh Hoàng Anh
“Tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam” là một trong những quan điểm của Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Bối cảnh thế giới cho thấy, “Tăng trưởng xanh” đã trở thành xu hướng tất yếu với nhiều sáng kiến và cam kết quốc tế, như các mục tiêu phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính. Những tiến bộ của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian qua làm xuất hiện những xu thế mới như việc tăng đầu tư vào hoạt động sản xuất xanh và sản phẩm công nghệ cao, Chính phủ số, Đô thị thông minh… Đặc biệt, phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng “phục hồi xanh” đang được nhiều quốc gia thúc đẩy trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tăng trưởng xanh là một chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ. Chiến lược này cũng góp phần quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh đã được xác định là chiến lược quốc gia, là xu hướng tất yếu để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Vào ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đề ra hai nhiệm vụ chiến lược: Thứ nhất, xanh hoá sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hoá sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh. Thứ hai, xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.
Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, trong đó, đề ra 4 chủ đề chính gồm: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Trong thời gian qua, Chiến lược tăng trưởng xanh ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật thể hiện ở các nội dung xây dựng thể chế, nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện, huy động nguồn lực nhà nước và tư nhân… tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại và hạn chế nhất định.
Nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2012 - 2020 và cập nhật và phản ánh xu thế và bối cảnh trong nước và quốc tế mới, trong đó phải kể đến việc Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững, Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định và đặc biệt là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Vào ngày 05/3/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp Ban soạn thảo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, Phó Trưởng ban soạn thảo để tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Ở Bình Dương, vào ngày 04/5/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 1847/KH-UBND về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 nhằm cụ thể hóa những quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp thực hiện Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012; Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020; tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân đang sinh sống, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh cùng chung tay xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững; triển khai các dự án thuộc kế hoạch bảo vệ môi trường, Tăng trưởng xanh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh, gắn với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tăng cường kiểm soát dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên…
Trong Kế hoạch thực hiện Đề án Thành phố Thông minh Bình Dương trong năm 2020, một trong các dự án trọng điểm là phát triển các chương trình phát triển bền vững (năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, công khai thông tin cho người dân…), tạo dựng một môi trường sống tốt cho người dân, thu hút chuyên gia đến sống và làm việc, tạo dựng một thương hiệu Bình Dương thông minh, xanh, sạch và sống tốt. Điển hình, là triển khai Làng thông minh, đây là một xu thế toàn cầu và phù hợp với những chương trình mới của Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF. Làng thông minh sẽ là nơi tập trung nhiều sáng kiến và những vấn đề và nhu cầu hàng đầu hiện nay trong các cộng đồng công như công nghệ, nông nghiệp, sự tham gia gắn kết cộng đồng, việc làm, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, khu vực đáng sống, bảo vệ môi trường, xanh, sạch…
Một trong những hành động cụ thể cho nội dung này, vào ngày 02/10/2020, Ủy ban nhân dân tịn Bình Dương đã ban hành Quyết định số 2949/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện thí điểm xây dựng “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, giai đoạn 2020-2025, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Đồng thời, dựa trên nền tảng sẵn có về phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng các khu công nghiệp truyền thống, tỉnh Bình Dương đặt quyết tâm nâng dần chất lượng về phát triển, thu hút đầu tư gắn với sản xuất theo xu hướng khoa học - công nghệ tiên tiến, ít thâm dụng lao động, tỉnh Bình Dương đã mở rộng không gian phát triển từ Đề án xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương lên Vùng đổi mới sáng tạo. Đề án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy và xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh có một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng hơn, tạo nền tảng để xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị hàng hóa có chất xám cao và một môi trường sống lành mạnh.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển thương mại và dịch vụ như kết nối hợp tác quốc tế, mở rộng các quan hệ đối tác để hỗ trợ và thu hút các nguồn đầu tư quốc tế FDI; phát triển các khu vực nông thôn thông qua các chương trình Làng thông minh, nông nghiệp tiên tiến, nghiên cứu phát triển giống cây trồng trên cơ sở nông nghiệp hữu cơ.
Trong nghiên cứu khoa học, tác giả Thân Thị Diệp Nga cũng đã triển khai đề tài “Giáo dục bảo vệ môi trường cho sinh viên hệ cao đẳng sư phạm Trường Đại học Thủ Dầu Một theo hướng giáo dục trải nghiệm qua các hoạt động ngoài giờ bằng tiết học xanh” với mục tiêu tìm hiểu nhận thức của sinh viên sư phạm Trường Đại học Thủ Dầu Một về môi trường, bảo vệ môi trường và kỹ năng, thái độ, hành động về môi trường; nghiên cứu xây dựng nội dung và phương pháp tổ chức thực hiện giáo dục môi trường cho sinh viên sư phạm theo mô hình giao dục trải nghiệm qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp bằng “tiết học xanh”. Kết quả, đề tài đã lan tỏa “lối sống xanh” cho không chỉ sinh viên sư phạm Trường Đại học Thủ Dầu Một mà còn lan tỏa đến 20 trường tiểu học đóng trên địa bàn Tp. Thủ Dầu Một, Tp. Thuận An, Tp. Dĩ An và thị xã Bến Cát.
Gần đây nhất, vào ngày 28/4/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1109/QD-UBND phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm một số mô hình tăng trưởng xanh quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh trên địa bàn với mục tiêu cụ thể: Xác định được phạm vi, quy mô các đối tượng triển khai mô hình thí điểm; Đề xuất được các giải pháp cụ thể, các tiêu chí nhằm hướng tới tăng trưởng xanh cho các đối tượng triển khai thí điểm; Đánh giá sơ bộ hiệu quả mang lại từ các mô hình đề xuất;
Lập được kế hoạch triển khai các mô hình thí điểm với các mốc thời gian cụ thể, đơn vị thực hiện, nguồn kinh phí,…
Nhiệm vụ đề xuất các dự án, đề án, các mô hình tăng trưởng xanh quy mô nhỏ để thực hiện thí điểm ở một số ngành sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề truyền thống, công nghiệp chế biến, năng lượng, phát triển đô thị, hoạt động vận tải, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, văn hóa (lối sống cộng đồng, hành vi tiêu dùng), giáo dục, y tế... Đồng thời, luận chứng tính khả thi, khả năng nhân rộng sau khi thực hiện thí điểm và các giải pháp tổ chức thực hiện từng dự án, đề án, mô hình thí điểm cụ thể:
(1) Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi gia súc: Quy mô cho mô hình này có 3 hộ, mỗi hộ có 10-30 con heo, triển khai địa bàn huyện Bắc Tân Uyên với mục tiêu: Xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học với chi phí đầu tư nhỏ, không chiếm nhiều diện tích đất; thu hồi được nguồn năng lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại chỗ (trong đun nấu, thắp sáng) và đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính; Nâng cao nhận thức đến các hộ nông dân, chủ trang trại chăn nuôi về sản xuất sạch hơn, xanh hơn, mang lại lợi ích về mặt chi phí kinh tế, môi trường, xã hội, giảm tiêu dùng năng lượng gây ô nhiễm môi trường.
(2) Mô hình xanh hóa vườn cây có múi: Với quy mô từ 10 - 15 hộ, diện tích mỗi hộ từ 1.000 - 10.000 m2 thực hiện trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên với mục tiêu giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực về năng lượng, nước tưới, hóa chất nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu), giảm ô nhiễm tài nguyên đất, nước, không khí góp phần bảo vệ môi trường; hạn chế sử dụng hóa chất độc hại (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo quản thực phẩm...) bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến để khắc phục và kiểm soát ô nhiễm môi trường; Nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất sạch hơn, xanh hơn hướng đến việc xây dựng thương hiệu cho vùng chuyên canh trái cây có múi.
(3) Mô hình tiết kiệm nước tưới cho cây xanh, vườn hoa tại đô thị: với quy mô diện tích 7.300 m2 được triển khai tại Công viên Phú Cường với mục tiêu thông qua xây dựng và vận hành thí điểm hệ thống tưới nước nhỏ giọt đến các hố trồng cây xanh, vườn hoa nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức về tiết kiệm nước ngọt tưới cây, (cũng như tiết kiệm các chi phí hoạt động chăm sóc khác), góp phần tạo không gian xanh, mỹ quan đô thị, vừa nâng cao ý thức công dân về gìn giữ môi trường sống đô thị. Đồng thời mở rộng áp dụng tại nhà dân nếu có nhu cầu.
(4) Mô hình xanh hóa khu nhà trọ tác các khu, cụm công nghiệp: với quy mô khu nhà trọ 40 phòng, triển khai tại thị xã Tân Uyên với mục tiêu nâng cao nhận thức, định hướng hành vi tiêu dùng, lối sống cho cộng đồng công nhân sinh sống trong các khu nhà (phòng) trọ về sử dụng bao bì, phân loại rác thải sinh hoạt, tiết kiệm điện, nước sinh hoạt hằng ngày, hay việc xanh hóa không gian nhà trọ…
(5) Mô hình trường học xanh với quy mô 1 trường tiểu học với mục tiêu nhằm giáo dục học sinh cách sống khỏe mạnh; ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh trường, lớp, môi trường sống xung quanh; tạo cho học sinh một môi trường học tập và sinh hoạt, vui chơi an toàn, sạch sẽ; thông qua mô hình trên nhằm tăng cường, kiện toàn công tác quản lý của nhà trường, sự quan tâm của các cấp ban, ngành, chính quyền địa phương, sự phối hợp hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nhà trường; tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh đối với việc tạo cảnh quan môi trường, sử dụng tài nguyên hợp lý và năng lượng sạch; giúp học sinh có kỹ năng quan sát, nhìn nhận thực trạng vấn đề môi trường và từ đó nâng cao ý thức và trách nhiệm của bản thân đến môi trường.
Thiết nghĩ, Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại và tương lai. Do đó, cần có nhiều chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững hơn nữa trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.