Tên đề tài: Nghiên cứu địa danh trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Đơn vị thực hiện: Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương
Chủ nhiệm đề tài: TS. Huỳnh Ngọc Đáng
Thời gian thực hiện: 18 tháng (12/2021 – 6/2023)
Đơn vị được bàn giao kết quả: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương
Sự cần thiết để thực hiện đề tài:
Đề tài nghiên cứu Địa danh trên địa bàn tỉnh Bình Dương được thực hiện trên cơ sở sự thống nhất giữa sự cần thiết, tính cấp bách và ý nghĩa lý luận, ý nghĩa thực tiễn
Vùng đất Bình Dương hơn 300 năm hình thành, phát triển và luôn là vùng đất của hội tụ. Từ thế kỷ XVII đã xuất hiện những luồng cư dân miền Trung đến đây lập nghiệp. Sau này, di dân Trung Hoa cũng đến định cư sinh sống ở Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, Tân Khánh... Họ cùng với cư dân bản địa như người Stiêng, Khmer... hình thành xã hội cộng cư, đa văn hóa. Một xã hội Việt dần định hình và ngày càng phát triển hoàn thiện. Gắn liền với đó là các chỉ dấu địa lý Việt, dẫn đến sự hình thành hệ thống chỉ dấu địa lý hành chính quan phương. Hệ thống địa danh ở Bình Dương ra đời và liên tục biến đổi, phát triển, bao gồm đủ loại: địa danh hành chính, địa danh chỉ các công trình xây dựng, địa danh chỉ vùng, địa hình... Các lớp địa danh theo chiều dài lịch sử cũng lần lượt hình thành: địa danh thời Nguyễn, địa danh thời Pháp thuộc, địa danh thời chính quyền VNCH, địa danh thời sau năm 1975, khi đất nước đi vào công nghiệp và đô thị hóa... Có đủ cả địa danh dân gian, địa danh quan phương, địa danh thuần Việt, Hán Việt, mượn tiếng nước ngoài, ngữ nguyên Khmer, Stieng.... Nhìn chung, địa danh tỉnh Bình Dương rất phong phú và đa dạng, xuất phát từ nhiều nguồn, có nhiều loại, nhiều lớp, phản ánh các yếu tố tự nhiên, địa lý, lịch sử, văn hóa, con người của vùng đất này.
Tìm hiểu những dạng thức địa danh sẽ biết được hành trình khai phá của ông cha, sự hình thành các cộng đồng dân cư ở trong vùng đất mới, tâm thức của lưu dân qua cách thức đặt địa danh, góp phần vào việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như việc quản lý địa danh hiện nay. Vì lẽ đó, địa danh ở tỉnh Bình Dương thực sự cần được khảo sát, thống kê và nghiên cứu sâu sắc về ý nghĩa, nguồn gốc và những trạng thái cấu trúc, định hình cũng như biến đổi của nó theo dòng lịch sử. Địa danh như những tấm bia lịch sử - văn hóa, nó ghi lại dấu ấn tự nhiên, lịch sử cho đến những hoạt động của con người. Hay nói cách khác, đó là tấm “bản đồ” bằng ngôn ngữ về lịch sử - văn hóa của loài người được thể hiện thông qua địa danh.
Về mặt thực tiễn, công trình nghiên cứu là cơ sở khoa học, góp phần quan trọng vào việc lý giải nguồn gốc và ý nghĩa địa danh ở Bình Dương, từ đó hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hoá và di sản quý báu của vùng đất và con người Bình Dương. Đề tài sau khi hoàn thành và công bố sẽ góp phần quảng bá sâu rộng trong quần chúng nhân dân, các nhà nghiên cứu nguồn tư liệu về lịch sử vùng đất và con người Bình Dương qua địa danh, đáp ứng nhu cầu học hỏi, nghiên cứu của nhân dân và giới nghiên cứu học thuật trong, ngoài tỉnh.
- Mục tiêu đề tài:
+ Điều tra, phát hiện, thống kê và nghiên cứu nguồn gốc hình thành, quá trình biến đổi (nếu có), ý nghĩa về mặt ngữ nguyên, văn hóa, lịch sử, các giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục... của địa danh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
+ Hình thành bộ Tổng tập địa danh Bình Dương sắp xếp địa danh theo địa bàn xã/phường/thị trấn thuộc các huyện/thị xã/thành phố và Từ điển địa danh Bình Dương xếp địa danh theo abc.
- Kết quả thực hiện đề tài:
Kết quả nghiên cứu quan trọng nhất của đề tài là 3.448 mục từ của 4.163 tiểu loại địa danh đã được phát hiện, điều tra, thống kê, khảo sát, phân tích đặc điểm, nội dung ý nghĩa lịch sử, văn hóa và các giá trị nhân văn. Có thể khái quát các đặc điểm, nội dung ý nghĩa lịch sử, văn hóa và các giá trị nhân văn của hệ thống địa danh trên địa bàn tỉnh Bình Dương như sau:
+ Địa danh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đa dạng về loại hình và phương thức cấu tạo, biến đổi:
Phân loại theo ngữ nguyên, Bình Dương có 2.185 mục từ địa danh thuần Việt, 736 mục từ địa danh Hán Việt, 1.017 mục từ có ngữ nguyên Hán Việt kết hợp với các yếu tố khác như số đếm, phương vị, chữ cái la tinh, 69 mục từ địa danh có ngữ nguyên là ngôn ngữ dân tộc, 49 địa danh có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài. Phân loại theo loại hình, có 1.310 địa danh chỉ địa hình, 535 địa danh chỉ vùng, 963 địa danh hành chính và 1.355 địa danh chỉ công trình xây dựng. Về phương thức, địa danh Bình Dương được hình thành từ hai phương thức chủ yếu là tự tạo và chuyển hóa.
+ Địa danh ở Bình Dương là một bản đồ địa lý lịch sử bằng ngôn ngữ, đậm sắc thái Đông Nam Bộ với hai vùng Bưng và vùng Gò rõ rệt.
Hệ thống địa danh ở Bình Dương có cả địa danh của vùng bưng và địa danh của vùng gò. Vùng bưng tuy hẹp nhưng cư dân sớm sinh sống, phố chợ, bến, trại, vựa, vườn, lò… phần nhiều tập trung ở đây, địa danh cũng do đó rất phong phú. Địa danh vùng gò tuy hình thành muộn hơn nhưng cũng khá sinh động do địa hình đa dạng, nhiều chủng loài động thực vật sinh động, cư dân có nhiều tộc người sống chung, tập quán kinh tế xã hội khác nhau.
+ Bên cạnh các địa danh ngữ nguyên Khmer, địa danh Bình Dương có nhiều địa danh ngữ nguyên Stiêng.
Địa danh từ mượn và biến đổi từ tiếng Khmer trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 3 yếu tố chung tiêu biểu đã Việt hóa từ sớm gồm: Bưng, rạch và vàm. Về địa danh có từ nguyên ngôn ngữ Stieng, yếu tố chung chủ yếu là “bố”. Các địa danh là từ mượn và biến đổi từ ngôn ngữ Stiêng ở Bình Dương như cà, đác ngu, rương, sam…
+ Địa danh của vùng đất sớm được người Việt khẩn hoang, lập làng và xác lập chủ quyền với sự tồn tại bền bỉ của các địa danh dân gian thuần Việt và địa danh hành chánh cổ xưa Hán-Việt.
Ở Bình Dương, địa danh dân gian xuất hiện khắp nơi, phong phú và dày đặc, nhất là ở các vùng sớm được di dân người Việt đến khẩn hoang lập làng, bắt đầu bằng những chỉ dấu địa lý Việt đầu tiên. Bên cạnh đó, địa danh cổ Bình Dương đã lưu giữ gần 1/3 đến gần ½ hệt hống đơn vị hành chính đã được định danh từ thời Gia Long (1802 – 1820) qua đến gần cuối thời Minh Mệnh (1820 – 1840). Hệ quả của nó là một xã hội Việt hình thành ngày càng hoàn chỉnh gắn với hệ thống các địa danh dân gian và địa danh hành chính quan phương của vùng đất và con người ở đây.
+ Hệ thống địa danh phản ánh chân thật các chặng đường lịch sử của đất và người Bình Dương.
Lịch sử khai phá vùng đất, xây dựng làng phố, kiến tạo xã hội buổi đầu được phản ánh qua hệ thống địa danh dân gian và địa danh hành chánh cổ xưa. Quá trình lịch sử của đất và người Bình Dương sau đó tiếp tục được trần thuật chân thật qua hệ thống địa danh ở Bình Dương với địa danh phản ánh hệ thống đồn điền cao su, địa danh phản ánh sự hình thành và phát triển công giáo, địa danh của vùng đất vốn là chiến trường trọng điểm trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, địa danh của vùng công nghiệp và đô thị hóa năng động.
+ Hội tụ các giá trị nhân văn
Địa danh vừa là quyển sử truyền miệng vừa là tấm bia ngôn ngữ. Qua hệ thống địa danh ở Bình Dương, các giá trị nhân văn tiêu biểu của đất và người Bình Dương đã hội tụ và biểu hiện sinh động. Đó là Truyền thống gần gũi, chan hòa với thiên nhiên; Truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn trọng, kính tưởng những người có công với làng với nước; Truyền thống bình đẳng, đề cao công lao của người phụ nữ và Truyền thống thân thiện, bao dung của làng xã nông thôn Đông Nam Bộ.
Sản phẩm chính nghiên cứu của đề tài: Bao gồm:
Bộ Tổng tập địa danh Bình Dương hình thành trên cơ sở các chuyên đề nghiên cứu địa danh của 91 xã, phường trên địa bàn của 9 huyện, thị, thành phố của tỉnh Bình Dương. Các mục từ và từ loại địa danh được sắp xếp theo từng địa phương xã, phường; và theo huyện thị, thành phố. Đây là bộ tư liệu chung về các loại mục từ và các lớp địa danh ở Bình Dương trong quan hệ biện chứng với đất và người từng địa phương ở các vùng, cac địa bàn cụ thể trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể. Dung lượng của bộ Tổng tập dày gần 1.800 trang khổ A4, size chữ 12.
Bộ Từ điển địa danh Bình Dương tập hợp và trình bày nội dung ý nghĩa 3.462 mục từ của 4.155 tiểu loại địa danh. Các mục từ và tiểu loại được sắp xếp theo phương pháp biên soạn từ điển, với đơn vị là mục từ, từng mục từ có các tiểu loại địa danh riêng. Đây sẽ là bộ sách có ích cho việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử đất và người Bình Dương. Bản thảo của từ điển khá dày, được gửi kèm theo báo cáo này bằng file điện tử.
Minh Thư