Tên nhiệm vụ: Các nhân tố ảnh hưởng đến việc sử dụng hệ thống thông tin trong kiểm toán báo cáo tài chính – Nghiên cứu thực nghiệm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam
Đề tài khoa học và công nghệ
3. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ/Tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả: Trường đại học Thủ Dầu Một
4. Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: Nguyễn Thị Hoàng Yến
5. Ngày được nghiệm thu, đánh giá chính thức: ngày 16 tháng 04 năm 2021
6. Mô tả nội dung ứng dụng kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ:
- Về mặt khoa học: đề tài đã tổng hợp, đánh giá được các nhân tố và xác định mô hình ảnh hưởng đến việc sử dụng hệ thống thông tin (IS) trong kiểm toán (KiT) báo cáo tài chính (BCTC). So với các nghiên cứu trước ở nước ngoài và Việt Nam, đề tài bổ sung thêm các nhân tố chưa hoặc hiếm khi được nghiên cứu như: kỳ vọng về điều kiện IS bên trong đơn vị khách hàng và kỳ vọng về các điều kiện thực hiện KiT BCTC. Hơn nữa, cùng phạm vi chủ đề về IS, đề tài này có cách thức tiếp cận nghiên cứu dưới góc nhìn công nghệ nhưng vẫn đặt trong bối cảnh đặc thù của nghề nghiệp KiT và khám phá những vấn đề mới về việc sử dụng IS tại các công ty KiT trong nghiên cứu liên ngành giữa khoa học máy tính và hành vi của cá nhân kiểm toán viên (KiTV) dựa trên cơ sở lý luận của lý thuyết chấp nhận và sử dụng công nghệ (Unified theory of acceptance and use of technology, viết tắt UTAUT) của Venkatesh, V. và các cộng sự (2003). Đồng thời, hầu hết các nghiên cứu trước thực hiện trong phạm vi sử dụng công nghệ nói chung của KiTV thì đề tài nghiên cứu trong phạm vi KiT chuyên sâu hơn là xem xét thuật ngữ IS dưới cách tiếp cận về quy trình KiT BCTC.
- Về mặt thực tiễn: đề tài này không những đóng góp về mặt lý luận trong lĩnh vực KiT, quản trị doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa thực tiễn đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về KiT, các hội nghề nghiệp KiT, công ty KiT, các đối tượng sử dụng kết quả KiT cũng như các trường đại học, các Nhà nghiên cứu trong quá trình xây dựng chính sách, cơ chế quản lý, điều hành doanh nghiệp, ra quyết định trong kinh doanh cũng như mở ra các hướng tiếp theo nhằm không ngừng nâng cao vận dụng IS trong KiT BCTC, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng KiT.
- Nghiên cứu này có những đóng góp nhất định trong sự phát triển nhanh chóng bối cảnh ứng dụng công nghệ của nhiều lĩnh vực, ngành nghề và đối với KiTV thì kỹ thuật kiểm toán hỗ trợ bằng máy tính (Computer Assisted Audit Techniques, viết tắt CAATs) là cách thức tiếp cận điển hình. Hành vi ứng dụng CAATs trong IS của KiTV không còn được nhìn nhận dưới góc nhìn tự nguyện và cần đặt trong chiều hướng phải chấp nhận liên quan đến sự cạnh tranh của các công ty KiT để nâng cao hiệu quả công việc. Bằng cách nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến việc sử dụng IS của KiTV trong các công ty KiT, các khuyến nghị và hàm ý chính sách sau cùng được đúc kết từ kết quả nghiên cứu của đề tài này. Từ quan điểm học thuật, mô hình nghiên cứu thực nghiệm được xây dựng mới cho công ty KiT áp dụng, có cân nhắc đến các nhân tố ảnh hưởng đến việc sử dụng CAATs, là một ý tưởng nghiên cứu hành vi cá nhân trong bối cảnh tổ chức và có thể vận dụng để công ty KiT định hướng chính sách liên quan đến việc áp dụng các công nghệ mới.
7. Nếu hiệu quả kinh tế (nếu có), tác động kinh tế-xã hội, môi trường, ý nghĩa khoa học, v.v.. mà những ứng dụng kết quả nhiệm vụ mang lại (nếu có):
- Về kinh tế - xã hội: kết quả nghiên cứu này không những có đóng góp về mặt lý luận có thể vận dụng trong giáo dục và đào tạo như đã phân tích ở trên mà còn đưa ra những hàm ý chính sách định hướng vận dụng vào thực tiễn, đặc biệt ở không gian thực nghiệm tại vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) phía Nam của Việt Nam. Các hàm ý dành cho các bên liên quan với cá nhân KiTV gồm: công ty KiT độc lập, các doanh nghiệp có KiT hằng năm, các chuyên gia IT hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và tư vấn phần mềm KiT và ở cấp độ vĩ mô là Nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp. Từ đây, đề tài này góp phần giải quyết vấn đề ứng dụng công nghệ trong KiT là phù hợp với xu hướng, định hướng chính sách của tỉnh Bình Dương nói riêng và của VKTTĐ phía Nam của Việt Nam. Nghiên cứu này còn đưa ra hướng nghiên cứu mở rộng trong tương lai, nói cách khác, kết quả nghiên cứu này có thể kế thừa để phát triển trên phạm vi cả nước, từ đó, tạo ra hiệu quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
- Báo cáo tổng hợp này là sản phẩm của Hợp đồng khoa học phát triển công nghệ, do vậy, nhóm tác giả nghiêm túc tuân thủ theo hướng dẫn của Phòng Khoa học, Trường Đại học Thủ Dầu Một về các phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu liên quan và địa chỉ ứng dụng theo quy định.