Thành phố thông minh Bình Dương - Phát triển toàn diện văn hóa xã hội, đô thị đáng sống
Đề án xây dựng Thành phố thông minh đã giúp cho Bình Dương “thay da đổi thịt” sánh vai cùng với các nước phát triển trong khu vực
Có thể nói, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ số đang làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu, công nghệ đang làm cho nhân loại trở nên kết nối và gắn kết hơn, tạo nhiều cơ hội phát triển, song cũng tạo ra không ít thách thức. Trong bối cảnh đó, chỉ khi các hoạt động của đời sống được vận hành theo quy luật xanh - thông minh nhằm giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu, lấy con người làm trung tâm thì khi đó mới đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển để tạo ra những không gian sống nhân văn, hạnh phúc hơn. Trước bối cảnh đó, Bình Dương - vùng kinh tế công nghiệp lớn với hệ thống chính quyền năng động, cơ sở hạ tầng hiện đại là nền tảng cho đề án thành phố thông minh ra đời năm 2016 (theo Quyết định số 3206/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Thành phố Thông minh - Bình Dương).
Giai đoạn 2016-2021, tỉnh Bình Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong chiến lược đột phá xây dựng và phát triển thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương theo hướng đô thị hiện đại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích cộng đồng, đưa tỉnh nhà lên một tầm cao mới, với các kết quả đáng ghi nhận, đề án còn góp phần thực hiện hóa được 4 chương trình đột phá của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2016-2020; các chương trình/dự án từ các Sở, Ban, ngành, viện, trường và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đề án đã được lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai quyết liệt, thu hút toàn xã hội hăng hái góp sức, huy động được nguồn lực, sau gần 5 năm đã đạt được những kết quả thực sự to lớn, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển vượt bậc của tỉnh nhà, mở ra nhiều cơ hội mới đầy tiềm năng cho giai đoạn tiếp theo.
- Phát triển cơ sở hạ tầng - đô thị đáng sống
Trong thời gian qua, Bình Dương chú trọng xây dựng phát triển hệ thống cở sở hạ tầng thông suốt, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng hoàn chỉnh: nâng cấp quốc lộ 13, đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn, Hệ thống xe bus nhanh BRT kết nối ga Suối Tiên đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hoàn thành hạ tầng tuyến xe buýt BRT từ bến xe miền Đông mới về trung tâm thành phố mới Bình Dương; hệ thống camera giám sát điều hành giao thông, hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng, hệ thống lưu trữ điện năng tại các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông…
Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng mong muốn chính đáng của người lao động và người dân, Bình Dương đã triển khai nhiều hình thức, tạo ra nhiều sân chơi bổ ích gắn liền với khu công nghiệp và đô thị như: Nhà hát, các trung tâm văn hóa cộng đồng; các thiết chế văn hóa thể thao; hệ thống chiếu sáng nghệ thuật tiết kiệm năng lượng tại Trung tâm hành chính; hệ thống công viên tại các khu công nghiệp và đô thị… trên diện tích đất hàng trăm ha, giá trị xây dựng hàng trăm tỷ đồng, triển khai đề án thúc đẩy môi trường xanh sạch giai đoạn 2017-2030. các dự án: đầu tư mở rộng hệ thống quan trắc, chia sẻ cơ sở dữ liệu và quản lý môi trường; dự án Xây dựng hệ thống máy chủ vận hành dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển thành phố thông minh tỉnh Bình Dương... hiện đang được triển khai; dự án Đầu tư Trung tâm điều hành thành phố thông minh giai đoạn 1, dự án xây dựng trụ sở Trung tâm điều hành Thành phố thông minh (đã xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương, đang thực hiện trình thẩm định)… đã góp phần tạo ra môi trường sống bền vững, giúp doanh nghiệp và người dân sống và làm việc tốt hơn.
Nhiều dự án về đèn LED, chiếu sáng thông minh, tiết kiệm năng lượng đã được chính quyền và các doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện. Tiêu biểu như lắp đặt hệ thống đèn LED ở Dĩ An, hay đưa vào vận hành hơn 6000 bóng đèn LED thông minh tại Thành phố mới, tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn, và các khu công nghiệp; đề án triển khai băng thông rộng đảm bảo kết nối các hệ thống IoT trên toàn tỉnh...
Hệ thống thông tin địa lý (GIS) và phần mềm chuyên ngành xây dựng được phát triển dựa trên mô hình liên kết Ba Nhà là Sở Xây dựng - VNPT - Đại học Bách Khoa TP.HCM, hệ thống đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng và bàn giao cho các Sở, Ban, ngành và các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu không gian và hệ thống phần mềm ứng dụng hỗ trợ khai thác dữ liệu nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đến nay, dự án đã khởi tạo thành công hệ thống thông tin địa lý chuyên ngành xây dựng, hệ thống được cài đặt trên Trung tâm dữ liệu dùng chung của tỉnh Bình Dương và thực hiện các dịch vụ cung cấp dữ liệu tại địa chỉ: www.gisxd.binhduong.gov.vn. Khối lượng dữ liệu đã số hóa rất lớn, bao gồm: 01 quy hoạch chung toàn tỉnh, 13 quy hoạch chung đô thị, 41 quy hoạch phân khu, 46 quy hoạch nông thôn mới và 302 quy hoạch chi tiết trên toàn tỉnh; hơn 5.000 công trình xây dựng và các hồ sơ liên quan; dữ liệu về quy hoạch và hiện trạng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; ngoài ra một khối lượng lớn các dữ liệu hạ tầng kỹ thuật trên toàn tỉnh cũng đã được thu thập, chuẩn hóa và lưu trữ trong hệ thống như: hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống viễn thông, hệ thống chiếu sáng, công viên - cây xanh, môi trường đô thị…
Tổng đài 1022 và hệ thống mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để người dân, doanh nghiệp kết nối trực tiếp với chính quyền 24/7. Thông qua hệ thống tổng đài 1022 chỉ tính riêng năm 2021 hệ thống đã tiếp nhận và giải đáp khoảng 226.530 cuộc gọi phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Trong đó: có 45.849 cuộc gọi về cấp cứu, 51.297 cuộc gọi về cứu trợ, 5.327 cuộc gọi về an ninh, trật tự, 3.097 cuộc gọi về an toàn giao thông, 20.960 cuộc gọi giải đáp, hỗ trợ thông tin khác. Tổng đài đã chuyển cho các đơn vị tư vấn sức khỏe 1.975 trường hợp; tư vấn tâm lý cho 2625 trường hợp. Ngoài ra, việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, yêu cầu hỗ trợ của người dân còn được thực hiện qua các kênh khác như: website; zalo connect; email; mobile app theo khung giờ 24/7 với hơn 30.587 yêu cầu, trong đó chuyển xử lý khoảng 4.238 thông tin yêu cầu.Từ các kết quả trên cho thấy giữa người dân và chính quyền đã tạo được sự liên hệ mật thiết.
- Phát triển y tế, văn hóa xã hội
Triển khai các giải pháp y tế thông minh phục vụ cho ngành Y tế: xây dựng hệ thống chẩn đoán, khám chữa bệnh từ xa Telemedicine và hệ thống chuyển giao kỹ thuật khám chữa bệnh trực tuyến (hình thức cầu truyền hình).
Nhiều lễ hội, hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh với nhiều hình thức đổi mới, quốc tế hóa đang được khuyến khích tại Bình Dương, tiêu biểu như Lễ hội văn hóa Nhật Bản tại Thành Phố Mới được tổ chức định kỳ với quy mô ngày càng lớn và sôi động, năm 2018 thu hút hơn 15000 người tham gia.
Đẩy mạnh việc áp dụng và triển khai mô hình hợp tác “Ba nhà” (Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp) trong việc liên kết, phối hợp với các Trường Đại học, Viện Nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh xây dựng các dự án, đề án trọng điểm của các ngành như: Đề án “Phát triển TDTT tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Đề án “Phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Dự án “Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu cảng Bà Lụa, phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một phục vụ phát triển du lịch...
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng đang phối hợp với các viện trường nghiên cứu các đề tài như: các giải pháp nâng cao môi trường sống, xây dựng bộ chỉ số thành phố sống tốt tại Bình Dương; khởi động nghiên cứu nhằm xây dựng môi trường văn hóa, thể thao, du lịch thông minh, Làng thông minh...
Chính từ định hướng rõ ràng và đúng đắn của chiến lược thành phố thông minh đã tạo bước đột phá phát triển vượt bậc kinh tế - xã hội, tạo cho Bình Dương trở thành một đô thị đáng sống, góp phần đưa Bình Dương là tỉnh duy nhất trong cả nước lọt vào Top 7 của cộng đồng thông minh thế giới ICF từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư nước ngoài, định vị thương hiệu Bình Dương trên trường quốc tế.
Diệu Hiền