Thành phố Thủ Dầu Một: Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Võ Thị Tuyết Thanh - Phòng Kinh tế thành phố Thủ Dầu Một
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, thành phố Thủ Dầu Một đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hành chính công
Triển khai Đề án trang bị hệ thống camera giám sát cho UBND thành phố: Hoàn thành việc lắp đặt và đang vận hành thử nghiệm 65 Camera để quản lý kết nối tập trung, phục vụ nhu cầu giám sát của lãnh đạo UBND thành phố tại các vị trí Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố, Trụ sở Ban tiếp công dân thành phố và Bộ phận một cửa của 14 phường.
Thực hiện Kế hoạch tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT): Để tăng cường năng lực vận hành hệ thống phần mềm ứng dụng và đảm bảo an toàn thông tin, UBND thành phố Thủ Dầu Một đã hoàn thành việc nâng cấp hạ tầng và triển khai mạng riêng ảo (VPN) tại UBND thành phố. Hiện nay hệ thống mạng của thành phố Thủ Dầu Một đã được kết nối thông suốt từ UBND thành phố đến các cơ quan đơn vị và UBND các phường. Hàng năm UBND thành phố điều bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy tính và thiết bị điện tử tại UBND thành phố đảm bảo cho hoạt động của bộ phận phụ trách CNTT.
Triển khai Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước:
- Hoàn thành thực hiện cấp chữ ký số văn bản điện tử cho lãnh đạo các cơ quan khối quản lý nhà nước thuộc UBND thành phố Thủ Dầu Một và lãnh đạo UBND các phường. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương cung cấp 44 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên trang dịch vụ công của tỉnh Bình Dương và cổng dịch vụ công quốc gia (bao gồm 37 thủ tục cấp huyện và 7 thủ tục cấp xã), nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã cung cấp là 54 dịch vụ/tổng số 275 dịch vụ công. Dự kiến nâng theo lộ trình của UBND tỉnh và đăng ký thêm 34 thủ tục cấp huyện và 12 thủ tục cấp xã.
- Cài đặt phần mềm ứng dụng Ecabinet và triển khai phòng họp không giấy tại một số cuộc họp, hội nghị của thành phố.
- Thực hiện Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đối với Thành ủy, UBND thành phố và UBND 14 phường trên địa bàn, thường xuyên tham dự các cuộc họp trực tuyến định kỳ và đối thoại trực tuyến giữa các Trung ương, Tỉnh Ủy, các ngành tỉnh, thành phố....
Triển khai Kế hoạch xây dựng vận hành cổng thông tin điện tử thành phố: Cổng thông tin điện tử thành phố Thủ Dầu Một đã được nâng cấp từ Trang thông tin điện tử thành phố Thủ Dầu Một theo hướng dễ tiếp cận, đầy đủ thông tin và phục vụ hiệu quả cho giải quyết các công việc chuyên môn của cán bộ, công chức và dễ dàng tương tác với người dân và doanh nghiệp; phối hợp với các ban ngành tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị từ tổng đài 1022 của tỉnh Bình Dương.
Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ứng dung CNTT: Hàng năm UBND thành phố đều cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng về ứng dụng CNTT, sử dụng phần mềm soạn thảo văn bản… do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức. Đến nay 100% CBCC đã đạt trình độ căn bản về ứng dụng CNTT. Đang tiến hành phát phiếu điều tra, khảo sát hiện trạng ứng dụng CNTT và nhu cầu đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT tại thành phố, đối tượng bồi dưỡng là cán bộ, công chức, viên chức.
Về Đề án xây dựng hồ sơ thủ tục hành chính điện tử công dân: Hiện nay, UBND tỉnh cũng đang triển khai xây dựng hồ sơ thủ tục hành chính điện tử của công dân trên toàn địa bàn tỉnh, UBND thành phố Thủ Dầu Một đang phối hợp với Trung tâm CNTT của tỉnh để tham mưu UBND tỉnh Bình Dương chọn thành phố Thủ Dầu Một là đơn vị thí điểm thực hiện. Đang triển khai thực hiện số hóa tài liệu về xây dựng và đất đai theo kế hoạch của kế hoạch của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Về Đề án mạng wifi công cộng một số khu vực trọng tâm trên địa bàn thành phố: UBND thành phố đang kêu gọi các đơn vị để thực hiện xã hội hóa việc đầu tư nhưng đến nay chưa có đơn vị nào đăng ký triển khai thực hiện.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý đô thị và môi trường
Đề án ứng dụng hệ thống tích hợp thông tin phục vụ quản lý đô thị và tài nguyên môi trường: Sở Xây dựng đang triển khai thực hiện phần mềm ứng dụng GIS trên địa bàn tỉnh (đã bàn giao và đang triển khai thực hiện tại 04 phường trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một), hiện đang tiếp tục hoàn thiện.
Đề án thay thế đèn LED và ứng dụng CNTT trong công tác quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị: UBND tỉnh Bình Dương đã có chủ trương cho Công ty cổ phần giải pháp cơ điện MES nghiên cứu, lập Đề án đổi mới giải pháp quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một theo phương pháp điều khiển thông minh, có xét đến việc thay thế đèn Sodium cao áp hiện hữu sang đèn LED. Hiện nay UBND thành phố Thủ Dầu Một đang trình Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh gia hạn thời gian lập đề án và phê duyệt chủ trương đầu tư đề án đổi mới giải pháp quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục
Ứng dụng, triển khai một số phần mềm như: Phối hợp với công ty cổ phần Misa triển khai phần mềm quản lý trường học đối với một số nghiệp vụ như kế toán, quản lý tài sản, quản lý học sinh. Dự kiến sẽ tiếp tục triển khai đối với các nghiệp vụ quản lý thư viện, thiết bị, quản lý nguồn thu học phí học sinh qua hê thống ngân hàng…
Các trường tiểu học, THCS đã triển khai việc dạy và học theo hình thức trực tuyến và online, đã thực hiện được tổng cộng 9.355 tiết học.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn giao thông
Đề án Trung tâm quản lý đô thị thông minh thành phố Thủ Dầu Một: Thành phố đã bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công, tuy nhiên, do kinh phí đầu tư lớn (khoảng 60 - 70 tỷ đồng), mặt khác thành phố không có nguồn nhân lực để vận hành (nếu thuê vận hành khoảng 355 triệu/tháng) nên hiện UBND thành phố đang triển khai xây dựng đề án theo hướng thuê dịch vụ trọn gói bao gồm thuê đường truyền và vận hành trung tâm (khoảng 1,5 tỷ đồng/tháng). Hiện Sở Xây dựng đang thẩm định đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Y tế"
Triển khai phần mềm khám chữa bệnh BHYT liên thông kết nối dữ liệu khám chữa bệnh và kết quả xét nghiệm trong hệ thống từ tuyến Trung tâm đến 14/14 Trung tâm y tế phường; phần mềm quản lý tiêm chủng mở rộng, đang triển khai phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân và phần mềm bệnh án điện tử.
Định hướng trong thời gian tới
Thành phố Thủ Dầu Một sẽ phối hợp với các Sở Ngành và các đơn vị liên quan thực hiện nâng cấp, bổ sung chức năng, vận hành ổn định, khai thác hiệu quả các phần mềm đã được triển khai.
Tăng cường phối hợp với các Sở Ngành trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng về ứng dụng CNTT, an ninh thông tin cho cán bộ, công chức, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng của các ứng dụng đã thực hiện hoàn thành, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực CNTT cho các ứng dụng sẽ hoàn thành, vận hành trong thời gian tới như Trung tâm quản lý đô thị thông minh, tổng đài 1022, App Mobile quản lý vi phạm trật tự đô thị, trật tự xây dựng v.v...
Tiếp tục vận hành Cổng thông tin điện tử của thành phố để đảm bảo nền tảng xây dựng và tích hợp, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi trong nhân dân bằng nhiều hình thức để người dân tiếp cận, sử dụng các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ.
Quan tâm, lập phương án cụ thể đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của thành phố đáp ứng yêu cầu. Thuê Hosting bên ngoài để lưu trữ web đảm bảo an toàn thông tin.
Phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông tiếp tục cung cấp thêm các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên trang dịch vụ công của tỉnh Bình Dương và Cổng dịch vụ công quốc gia
Triển khai thực hiện ứng dụng hệ thông tin địa lý (GIS), tích hợp thông tin về quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, phục vụ công tác quản lý đô thị và tài nguyên môi trường.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện việc xây dựng trung tâm quản lý đô thị thông minh; đổi mới giải pháp quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng theo phương pháp điều khiển thông minh.
Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để chia sẻ dữ liệu thông tin, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phần mềm.
Nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực khác như khiếu nại tố cáo, quản lý dự án, theo dõi xử phạt hành chính v.v...
Phối hợp với Văn phòng Thành phố thông minh triển khai thực hiện tốt các kế hoạch thực hiện Đề án thành phố thông minh của Tỉnh, chủ động đề xuất cơ chế, nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh đối với những đề án đổi mới, sáng tạo phục vụ cho Đề án thành phố thông minh của thành phố.
Ngoài ra, thành phố Thủ Dầu Một cũng đang tổ chức rà soát lại chiến lược, quy hoạch, chương trình hành động, kế hoạch… của địa phương để xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm của trên địa bàn phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng lần thứ 4. Ưu tiên phát triển công nghệ số, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh và đô thị thông minh. Rà soát lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, bám sát công nghệ sản xuất mới, tích hợp công nghệ mới để tập trung ưu tiên đầu tư phát triển.