Thành phố Thuận An: Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ
Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của thành phố Thuận An đang trở thành động lực trực tiếp góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thời gian qua, thành phố đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Một số đề tài nghiên cứu đã phát huy được hiệu quả và được áp dụng vào mở rộng ngay trong quá trình thực hiện.
Phát huy hiệu quả nghiên cứu, dứng dụng KH&CN
Qua các năm, Hội đồng khoa học và công nghệ thành phố đã tổ chức xét duyệt đề cương các đề tài, dự án khoa học công nghệ và tham mưu đề xuất UBND thành phố các đề tài phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Qua triển khai đăng ký đề tài đã có các cơ quan đăng ký như Viện Địa lý tài nguyên TP.HCM, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm TP.HCM đã đăng ký 02 đề tài theo các lĩnh vực: “Xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo ngập úng khu vực ven sông Sài Gòn thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương” và “Hoàn thiện thiết kế mô hình công nghệ hợp khối xử lý nước nhiễm phèn công suất 200m3/ngày tại xã An Sơn, thành phố Thuận An”.
Phòng Kinh tế đã tham mưu thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện 2 đề tài: “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất gừng đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết tiêu thụ sản phẩm ở TP.Thuận An” và đề tài: “Phát triển sản xuất một số loại nấm ăn có giá trị theo hướng nông nghiệp đô thị thay thế chăn nuôi tại TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương”.
Nhiều dự án đã được triển khai thực hiện và cho hiệu quả như: Dự án “Đầu tư cải tạo và nâng cao hiệu quả vườn cây ăn quả khu vực 6 xã, phường ven sông Sài Gòn thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương” do Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh làm chủ đầu tư đã thực hiện 5 mô hình (tỉa cành tạo tán, bón phân và kỹ thuật bón phân, bảo vệ thực vật, mật độ, trồng mới) trên 30 điểm vườn với quy mô diện tích 11,8 ha. Xây dựng mô hình quản lý, khai thác và phát triển NHTT măng cụt Lái Thiêu; Xây dựng khung tiêu chuẩn chất lượng cho măng cụt Lái Thiêu. Tổ chức kiểm tra thẩm định và cấp 39.900 tem cho 18 hộ, cấp 18 giấy Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “ Măng cụt Lái Thiêu”; tuyên truyền phát 200 cuốn cẩm nang, 5.800 tờ rơi cho hội viên nông dân, khách tham quan, ban ngành, đoàn thể trong các Lễ hội mùa trái chín hàng năm.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Thời gian qua, thành phố đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND tỉnh và hướng dẫn thực hiện của Sở Khoa học và Công nghệ trong việc triển khai KH&CN và ứng dụng. Các nội dung, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ của thành phố đề xuất luôn được sự quan tâm, hỗ trợ và chấp thuận của các ngành liên quan cũng là điều kiện thuận lợi để thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch của thành phố đã đề ra. Thành phố đã có sự chủ động, kịp thời gắn kết và phối hợp thống nhất chặt chẽ giữa cấp, các ngành liên quan trong và ngoài thành phố. Hầu hết các đề tài, dự án đang được thực hiện đúng theo quy trình và nhận được nhiều sự ủng hộ từ các cấp chính quyền và nhân dân địa phương, vì mang nhiều tính thực tiễn khi đưa ứng dụng vào cuộc sống”.
Ứng dụng công nghệ mới
Đẩy mạnh việc ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ, TP.Thuận An đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Trạm BVTV xây dựng và triển khai các dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, tập trung vào các chương trình ứng dụng công nghệ phân bón, phát triển cây giống mới. Hầu hết trên 10 xã, phường trong thành phố đã ứng dựng phần mềm quản lý hộ tịch, ứng dụng giống mới trong kỹ thuật trồng Lan cắt cành, kỹ thuật và giống mới nuôi cá kiểng và giống mới nuôi cá Dĩa bông xanh, ứng dụng chế phẩm sinh học WEGH kết hợp với phytoxin và nấm Trichoderma để giảm 50% lượng phân hoá học trên các cây trồng ngắn ngày, dài ngày.
Ngoài ra thành phố còn ứng dụng các chế phẩm BT 32, BT 36. Bên cạnh đó, tăng cường và quan hệ chặt chẽ hệ thống khuyến nông, các cơ quan nghiên cứu cũng như nâng cao hiệu quả ứng dụng chuyển giao khoa học, công nghệ. Tổ chức 25 lớp tập huấn có 1.150 lượt người tham dự về các chuyên đề chăm sóc, cải tạo vườn cây và và tạo điều kiện 2 nhà vườn tham gia các đợt triển lãm do Hội Nông dân tỉnh Bình Dương tổ chức.
Ông Trương Công Thạch, Phó Trưởng Phòng Kinh tế, TP.Thuận An, cho biết: “Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, thành phố đã triển khai các mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng giống mới, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 12 điểm nuôi thỏ; 28 điểm nuôi cá dĩa; 16 điểm nuôi bồ câu Pháp cho nông dân phường Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, An Thạnh, Thuận Giao và An Sơn đã góp phần nâng cao thu nhập và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị theo định hướng. Bên cạnh đó, thành phố ứng dụng rộng rãi các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi (công nghệ khí sinh học, công nghệ Dewats, chế phẩm sinh học), nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ứng dụng và phát triển công nghệ xử lý môi trường bằng các chế phẩm vi sinh trong nuôi trồng thủy sản; Ứng dụng rộng rãi sản phẩm của công nghệ sinh học (Tets chẩn đoán nhanh), công nghệ nuôi cấy tế bào (Vắc xin) trong chẩn đoán, phòng trị một số bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi như Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn, dịch tả lợn...”
Trong thời gian tới, TP.Thuận An xây dựng các giải pháp tối ưu để thực hiện các đề án: "Phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị trên địa bàn thành phố Thuận An giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030" và "Phát triển dịch vụ du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030"; Xây dựng giải pháp phục hồi, bảo vệ hệ sinh thái vườn cây ăn trái Lái Thiêu. Ứng dụng một số giống hoa tạo ra từ công nghệ sinh học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rau an toàn, tiến tới trồng rau sạch.
Phát triển đa dạng hóa quy trình nhân rộng những mô hình ứng dụng công nghệ mới; các quy trình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; các kiểu mẫu về sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi (phù hợp nông nghiệp đô thị) có năng suất, chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất, thân thiện với môi trường; đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn sinh học, phù hợp với yêu cầu phát triển tại địa phương. Áp dụng công nghệ bảo quản rau tươi, chú trọng mô hình chế biến quy mô hộ gia đình, cụm hộ nông dân.
BOX:
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An: ”Những năm qua, kết quả hoạt động KH&CN của TP.Thuận An đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học đã đi vào cuộc sống, từng bước khẳng định vai trò khoa học và công nghệ trong góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố và trong từng ngành, phục vụ đa mục tiêu: xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu đề ra. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN đang từng bước được kiện toàn, các cơ chế chính sách đối với khoa học công nghệ có bước đổi mới và hoàn thiện”.
Huỳnh Anh
Ảnh 521: mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng rau thủy canh phường Bình Nhâm