Thành phố Thuận An: Tăng cường tiềm lực, tập trung phát triển các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế xã hội
Trương Công Thạch - Phó phòng, Phòng Kinh tế thành phố Thuận An
Hoạt động KH&CN của thành phố đang trở thành động lực trực tiếp góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa. Trong những năm qua, một số đề tài nghiên cứu đã phát huy được hiệu quả và được áp dụng vào mở rộng ngay trong quá trình thực hiện. Hoạt động KH&CN đã có nhiều chuyển biến tích cực, các kết quả nhiệm vụ KH&CN đã đi vào cuộc sống, từng bước khẳng định vai trò KH&CN trong góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố và trong từng ngành, phục vụ đa mục tiêu: xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế- xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu đề ra. Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đang từng bước được kiện toàn, các cơ chế chính sách đối với KH&CN có bước đổi mới và hoàn thiện.
Kết quả hoạt động giai đoạn KH&CN giai đoạn 2016 - 2020
Quản lý các nhiệm vụ KH&CN, tổ chức ứng dụng tiến bộ KH&CN; phát triển phong trào lao động sáng tạo, sáng kiền cải tiến kỹ thuật..
Qua các năm Hội đồng KH&CN thành phố đã tổ chức xét duyệt đề cương các đề tài, dự án khoa học công nghệ và tham mưu đề xuất UBND thành phố các đề tài phù hợp với định hướng phát triển của thành phố Thuận An như:
Triển khai 02 đề tài: “Xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo ngập úng khu vực ven sông Sài Gòn thuộc thành phố Thuận An” và “Hoàn thiện thiết kế mô hình công nghệ hợp khối xử lý nước nhiễm phèn công suất 200m3/ngày tại xã An Sơn, thành phố Thuận An”.
Tham mưu thành lập Hội đồng KH&CN tư vấn xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện các đề tài: Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất gừng đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết tiêu thụ sản phẩm ở thành phố Thuận An; Phát triển sản xuất một số loại nấm ăn có giá trị theo hướng nông nghiệp đô thị thay thế chăn nuôi tại thành phố Thuận An; Xây dựng mô hình vườn hoa sinh thái làm cơ sở phát triển làng nghề tại Thuận An phục vụ tham quan du lịch.
Triển khai Dự án: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Măng cụt Lái Thiêu” thành phố Thuận An; dự án Phát triển cây ăn quả đặc sản gắn với quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu”; dự án Đầu tư cải tạo và nâng cao hiệu quả vườn cây ăn quả khu vực 6 xã, phường ven sông Sài Gòn thành phố Thuận An. Triển khai Ứng dụng công nghệ carbon sinh học (Biochar) tái sử dụng phế thải nông nghiệp trên địa bàn thành phố Thuận An.
Hoạt động lựa chọn và tổ chức áp dụng tiến bộ KH&CN tại địa phương
Đẩy mạnh việc ứng dụng và chuyển giao KH&CN: Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Trạm BVTV xây dựng và triển khai các dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, tập trung vào các chương trình ứng dụng công nghệ phân bón, phát triển cây giống mới. Tăng cường và quan hệ chặt chẽ hệ thống khuyến nông, các cơ quan nghiên cứu cũng như nâng cao hiệu quả ứng dụng chuyển giao KH&CN.
Triển khai các mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng giống mới, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 12 điểm nuôi thỏ; 28 điểm nuôi cá dĩa; 16 điểm nuôi bồ câu Pháp cho nông dân trên địa bàn góp phần nâng cao thu nhập và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị theo định hướng.
Ứng dụng và phát triển công nghệ xử lý môi trường bằng các chế phẩm vi sinh trong nuôi trồng thủy sản; Ứng dụng rộng rãi sản phẩm của công nghệ sinh học (Tets chẩn đoán nhanh), công nghệ nuôi cấy tế bào (Vắc xin) trong chẩn đoán, phòng trị một số bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi như: Cúm gia cầm, LMLM gia súc, Tai xanh ở lợn, dịch tả lợn...
Mô hình thử nghiệm chất kích thích tính kháng để phòng bệnh trên cây khổ qua; mô hình nghiên cứu sử dụng phân hữu cơ sinh học và phân hữu cơ vi sinh trên cây dưa leo, khổ qua, đậu đũa, bí đao, dưa hấu, cà pháo; thực hiện mô trồng thử nghiệm nấm Linh Chi của 1 hộ nông dân bước đầu tạo ra những sản phẩm có chất lượng làm cơ sở nhân rộng...
Phối hợp xây dựng và triển khai các dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, tập trung vào các chương trình bảo tồn nguồn gen trên cây Măng cụt, Sầu riêng, ứng dụng công nghệ phân bón, đã chọn được 6 vườn măng cụt đạt yêu cầu để nghiên cứu theo dõi bảo tồn gen.
Ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất như: Sử dụng giống mới (bắp cải tím, cà chua rau, đậu Hà Lan, cải ngọt, cải xanh, dưa chuột Đài Loan, Bí đỏ F1, Bí xanh...); trồng trong nhà lưới. Nghiên cứu và ứng dụng công thức luân canh tiên tiến cho thu nhập cao trên một đơn vị diện tích, ứng dụng các chế phẩm sinh học để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Trong lĩnh vực môi trường, tập trung ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái ô nhiểm môi trường; đánh giá và ứng dụng tài nguyên vi sinh vật, kỹ thuật lên men vi sinh vật trong sản xuất phục vụ phát triển công nghiệp sinh học; công nghiệp sinh học phục vụ bảo vệ môi trường tập trung sản xuất các chế phẩm vi sinh vật làm sạch môi trường và xử lý ô nhiễm.
Trong lĩnh vực y dược, công nghệ sinh học có nhiệm vụ góp phần giảm nhập khẩu, từng bước tự túc các nguyên liệu làm thuốc và bảo đảm sản xuất các vắc - xin thiết yếu và một số loại thuốc phục vụ phòng và chữa bệnh như ứng dụng thuốc điều trị có nguồn gốc protein tái tổ hợp. Nhanh chóng đưa liệu pháp công nghệ gen, công nghệ tế bào vào điều trị các bệnh hiểm nghèo và sử dụng vi sinh vật tái tổ hợp để sản xuất kháng sinh, vitamin và acid amin.
Trong Lĩnh vực giáo dục - văn hóa du lịch, ứng dụng CNTT để soạn giáo án điện tử; trình chiếu trong giảng dạy, minh họa hình ảnh cho học sinh dễ tiếp thu bài như: hệ tuần hoàn của máu, hình ảnh trong cơ thể người, sinh vật và thực vật; hệ thống động cơ 2 thì, 4 thì (môn vật lý); hình học không gian (môn toán). Sử dụng phần mềm trong CNTT trong nhập điểm theo công thức được thiết lập sẵn, lưu trữ hồ sơ giáo viên, thời khóa biểu, thông báo điểm cho phụ huynh học sinh.
Tiếp nhận triển khai ứng dụng kết quả 2 đề tài: Thiết kế quy hoạch khu du lịch vườn cây ăn trái Lái Thiêu theo hướng phát triển bền vững và Phát triển du lịch sinh thái và làng nghề tại tỉnh Bình Dương.
Hoạt động sở hữu trí tuệ, đo lường chất lượng
Lĩnh vực sở hữu trí tuệ, phối hợp với Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN) tổ chức 10 lớp tập huấn chuyên đề xác lập quyền Sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, nhãn hàng hóa… cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các xã, phường có tổng số 562 lượt người tham dự; hỗ trợ phát triển thương hiệu “ Măng cụt Lái Thiêu”; tổ chức, phối hợp tổ chức thông tuyên truyền về hoạt động SHTT trên địa bàn một cách hiệu quả.
Lĩnh vực đo lường chất lượng, phối hợp triển khai dán tem kiểm định cân lò xo đồng hồ tại các chợ Lái Thiêu được 652 cân, chợ Thạnh Bình (An Thạnh) 187 cân, chợ Quang Minh và chợ Đồng An (Bình Hòa) 54 cân; chợ Thuận Giao (Thuận Giao) được 58 cân; tổ chức thống kê cân đối chứng ở 25 chợ có khoảng 6.250 lượt người tiêu dùng kiểm tra hàng hóa về đo lường thông qua cân đối chứng; phối hợp khảo sát kiểm định đồng hồ điện, đồng hồ nước trên địa bàn; thường xuyên tham gia, tham mưu cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm tra nhà nước về đo lường chất lượng sản phẩm.
Công tác triển khai TCVN ISO 9001: 2008 hành chính công
Việc xây dựng, áp dụng và duy trì Hệ thống QLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; các quy trình đã mang lại hiệu quả thiết thực; xác định khi giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân phải công khai các yêu cầu về hồ sơ, tài liệu phải nộp, thời gian hoàn thành, từ đó đưa ra biện pháp giúp đơn giản hóa các TTHC; đáp ứng yêu cầu của công tác cải cách hành chính ở địa phương. Các quy trình được cụ thể hoá, xác định rõ trách nhiệm của các phòng, ban, đơn vị; từng bước nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức. Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi giải quyết TTHC và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức khi giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.
Định hướng hoạt động trong thời gian tới
(1) Tập trung thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Lĩnh vực Nông nghiệp, nông thôn
Xây dựng các giải pháp tối ưu để thực hiện các đề án: "Phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị trên địa bàn thành phố Thuận An giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030" và "Phát triển dịch vụ du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030";
Ứng dụng một số giống hoa tạo ra từ công nghệ sinh học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rau an toàn, tiến tới trồng rau sạch; phát triển đa dạng hóa quy trình nhân rộng những mô hình ứng dụng công nghệ mới, các quy trình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các kiểu mẫu về sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi (phù hợp nông nghiệp đô thị) có năng suất, chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất, thân thiện với môi trường, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn sinh học, phù hợp với yêu cầu phát triển tại địa phương. Áp dụng công nghệ bảo quản rau tươi, chú trọng mô hình chế biến quy mô hộ gia đình, cụm hộ nông dân.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Áp dụng các giải pháp đổi mới công nghệ và thiết bị, nâng cao chất lượng các sản phẩm; từng bước nâng cao trình độ công nghệ trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trên địa bàn thành phố để không bị tụt hậu so với sự phát triển KH&CN hiện nay; tái chế chất thải sinh hoạt, thương mại - dịch vụ, công nghiệp, xây dựng… nhằm tạo ra sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị kinh tế và giảm thiểu tác động đến môi trường; ứng dụng công nghệ mới hiện đại hóa các ngành nghề truyền thống (gốm sứ, sản xuất vật liệu xây dựng mới …)
Lĩnh vực môi trường
Áp dụng tiến bộ kỹ thuật để xử lý chất thải, trước mắt cần tập trung cho việc xử lý nước thải, rác thải bệnh viện, rác thải đô thị và chất thải công nghiệp; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa trên địa bàn thành phố Thuận An theo định hướng quy hoạch của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020 - 2025 định hướng đến năm 2030; từng bước xử lý cục bộ nước thải sinh hoạt đô thị trên đia bàn. Áp dụng hệ thống GIS trong việc quản lý nước thải ở các khu vực trọng điểm thường xuyên bị ngập úng.
Ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý các chất thải gây ô nhiễm, phục hồi và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hệ thống vườn cây ven sông Sài Gòn, bảo vệ môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, đất đai, nước, không khí vì mục tiêu phát triển bền vững.
Lĩnh vực CNTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án "Phát triển CNTT và đột phá cải cách hành chính thành phố Thuận An giai đoạn 2020 - 2025 "; ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước tại các ban, ngành, xã phường... trên toàn thành phố.
Ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động quản lý, tuyên truyền sản xuất kinh doanh cho các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp.
Triển khai áp dụng các nhiệm vụ về khoa học xã hội phục vụ công tác lãnh đạo và quản lý
Khảo sát đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; ứng dụng các thành tựu KH&CN nâng cao chất lượng dạy học ở trường tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học.
Nghiên cứu vấn đề lịch sử, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, đình, miễu và đặc điểm của con người Thuận An qua các thời kỳ. Xây dựng danh mục bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu tại Thuận An; nghiên cứu bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống gốm sứ, mai vàng Vĩnh Phú, mứt gừng Bình Nhâm, hoa quả tạo hình Thuận An.
(2) Tăng cường nguồn lực KHCN
Phát triển nhân lực cán bộ tham gia ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực quản lý: Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ sau đại học tham gia nghiên cứu ứng dụng KH&CN; tăng cường cán bộ có năng lực cho các đơn vị triển khai KH&CN như các trung tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các trạm, bệnh viện, trường học.
Xác định nhiệm vụ KH&CN triển khai ứng dụng ở địa phương: Xây dựng mạng lưới cộng tác viên KH&CN tới cơ sở, tạo tiền đề cho việc chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KH&CN và tiếp nhận thông tin KH&CN chuyển giao cho cơ sở; tập trung nâng cao chất lượng cán bộ và hoạt động của cơ quan chuyên trách KH&CN cấp thành phố, hướng dẫn và tạo điều kiện cho công tác KH&CN hoạt động thuận lợi.
Vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tích cực ứng dụng và chuyển giao các thành tựu KHCN vào sản xuất và đời sống: Tập trung phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, đẩy nhanh quá trình xây dựng công nghiệp cơ bản, công nghiệp phụ trợ; phát triển một số sản phẩm công nghiệp chủ lực và các sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường và coi đó là biện pháp, là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
(3). Đổi mới, chuyển giao công nghệ
Thúc đẩy, đánh giá việc đổi mới công nghệ mới theo hướng mới và hiện đại; ngăn chặn hiệu quả những đề xuất, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng xấu trực tiếp đến sức khỏe con người, môi trường, tài nguyên, kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.
Các giải pháp triển khai thực hiện
Đổi mới tổ chức và quản lý tạo môi trường thuận lợi cho KH&CN phát triển: Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án KH&CN trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố một cách bền vững; thực hiện chính sách xã hội hóa trong KH&CN, vận động và hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp KH&CN; trích lập và sử dụng quỹ phát triển KH&CN từ vốn của doanh nghiệp; thực hiện cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kiện toàn tổ chức và bộ máy ngành KH&CN thành phố: Nâng cao đào tạo về chuyên môn cho cán bộ chuyên trách về KH&CN; tăng cường vai trò và quy chế hoạt động của Hội đồng KH&CN Thành phố; xây dựng kế hoạch đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực chuyên môn ở các phòng, ban làm công tác hỗ trợ KH&CN, tạo ra được một mạng lưới cán bộ, cơ quan tham mưu cho công tác KH&CN. Phát động phong trào sáng tạo KH&CN trong cán bộ công chức, đề xuất biểu dương khen thưởng.
Tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN và đổi mới, chuyển giao công nghệ: Triển khai kịp thời các chính sách về sử dụng hiệu quả, trọng dụng và phát huy tài năng cán bộ KH&CN; khuyến khích các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, triển khai, quản lý và sản xuất; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ tiềm lực KH&CN các đơn vị trong và ngoài tỉnh; có kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển KH&CN; đẩy mạnh đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu suất các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, ưu tiên những ngành có thế mạnh của địa phương.
Phát triển thị trường công nghệ, hợp tác về KH&CN: Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phối hợp tham gia các hội chợ công nghệ và thiết bị; các trung tâm giao dịch công nghệ; khuyến khích tham gia các hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh và Quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp; tranh thủ các chương trình hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức quốc gia, cho hoạt động nghiên cứu, triển khai khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trình độ lãnh đạo của các cấp uỷ đảng và chính quyền đối với KH&CN: Các cấp uỷ đảng phải thực sự coi phát triển KH&CN là một trong những nội dung lãnh đạo chủ yếu của mình, một trong những nhiệm vụ chính trị then chốt của tất cả các cấp ủy đảng và chính quyền; phân công cán bộ phụ trách và chịu trách nhiệm chỉ đạo tìm ra những biện pháp thực hiện có hiệu quả, đưa các tiến bộ KH&CN vào phục vụ thiết thực và hiệu quả cho sản xuất, đời sống, quốc phòng và an ninh; hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế theo hướng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực để các thành phần kinh tế đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; xây dựng kế hoạch hàng năm liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước". Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Đảng đối với trí thức.
Đề xuất, kiến nghị
Để phát triển KH&CN, UBND tỉnh nên có Quy hoạch hoạt động phát triển KH&CN tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2035. Để lĩnh vực KH&CN ở cấp tỉnh, huyện có định hướng mang tầm chiến lược; có chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp chủ động tham gia sâu hơn vào nghiên cứu, chuyển giao, liên kết với các ngành, các cơ sở nghiên cứu khoa học.
Biên soạn tài liệu Sổ tay nghiệp vụ, cẩm nang (nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn bức xạ...) nhằm hướng dẫn hoạt động quản lý KH&CN trên địa bàn cấp huyện.
Xây dựng cơ chế phối hợp với UBND cấp huyện nhằm tăng cường quản lý các đề tài, dự án đang triển khai trên địa bàn một cách chặt chẽ; cung cấp thông tin các kết quả nghiên cứu KH&CN cấp tỉnh phù hợp với từng địa phương để có phương án nhân rộng mô hình bằng nguồn kinh phí KH&CN cấp huyện.