Thị xã Tân Uyên: Khoa học và công nghệ là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Bà Lê Minh Phương - Trưởng phòng, Phòng Kinh tế thị xã Tân Uyên
Xác định khoa học công nghệ (KH&CN) là một nhiệm vụ cấp thiết của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp; các dự án, mô hình KH&CN đã được đánh giá hiệu quả việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu, của cấp ủy Đảng và chính quyền hàng năm. UBND thị xã chỉ đạo quán triệt và triển khai các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy trong các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội của địa phương, quan tâm đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong các hoạt động, nhất là lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân. UBND thị xã ưu tiên bố trí nguồn vốn để nghiên cứu các đề tài, mô hình ứng dụng trong nông nghiệp; nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất đã khẳng định được hiệu quả và nhân rộng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động KH&CN tại thị xã Tân Uyên đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kết quả nghiên cứu khoa học đã đi vào cuộc sống, từng bước khẳng định vai trò KH&CN trong góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị xã và trong từng lĩnh vực, phục vụ các mục tiêu: phát triển kinh tế- xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN từng bước được kiện toàn, các cơ chế chính sách đối với KH&CN của thị xã có bước đổi mới và hoàn thiện; đội ngũ cán bộ làm công tác KH&CN của thị xã phát triển về số lượng và nâng dần về chất lượng.
Kết quả hoạt động KH&CN giai đoạn 2016 - 2020
Thực hiện ban hành các văn bản quản lý nhà nước, kế hoạch hàng năm và 05 năm biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, xây dựng và triển khai kế hoạch dự toán ngân sách KH&CN hàng năm trên địa bàn; đồng thời, UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng Kinh tế xây dựng Kế hoạch chi tiết để triển khai hoạt động KH&CN trên địa bàn thị xã Tân Uyên hiệu quả.
Về hoạt động của Hội đồng KH&CN
Hiện nay, Hội đồng KH&CN thị xã được kiện toàn theo Quyết định số 1635/QĐ-UBND ngày 27/4/2020 của UBND thị xã. Hội đồng có 11 thành viên bao gồm các cơ quan ban ngành của thị xã và mời Đại diện Hội nông dân thị xã tham gia; hàng năm, Hội đồng luôn được kiện toàn, bổ sung khi có thay đổi thành viên nhằm tham mưu cho UBND thị xã thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về KH&CN, đồng thời tổ chức triển khai ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống trên địa bàn thị xã.
Từ năm 2016 đến nay, Hội đồng KH&CN thị xã đã tổ chức triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức đầu tư ứng dụng chuyển giao công nghệ mới và áp dụng vào thực tiễn sản xuất; từng bước nâng cao trình độ về KH&CN; triển khai, thực hiện các chương trình, dự án... trong sản xuất nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Các dự án được triển khai đã tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn thị xã thay đổi tập quán sản xuất theo kinh nghiệm dần dần chuyển sang ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Thông qua các chương trình, dự án KH&CN, cán bộ, công chức thuộc UBND thị xã và các xã, phường cũng được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về Hệ thống Quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2015 lồng ghép trong chương trình tập huấn về cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng của UBND thị xã góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng chính quyền điện tử. Ngoài ra, Thị xã đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh, các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực an toàn bức xạ; hướng dẫn, định hướng cho các đơn vị trong việc xác định nhiệm vụ và lựa chọn các đề tài KH&CN.
Hoạt động thông tin, lưu trữ, tuyên truyền, phổ biến pháp luật KH&CN và công tác tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về quản lý KH&CN:
Thị xã Tân Uyên đã tích cực hợp tác với các Trường đại học, các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài tỉnh ứng dụng chuyển giao các kỹ thuật mới về biện pháp canh tác như giống cây trồng để đưa vào áp dụng trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nông thôn, nâng cao hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích gieo trồng, góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới của thị xã.
Thực hiện 114 điểm mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ KHKT trên cây trồng, vật nuôi diện tích 30,044 ha như sản xuất rau ăn lá, ăn quả an toàn trong nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới, lúa theo hướng 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, VietGAP, trồng đu đủ trong chậu, nấm bào ngư, khoai sọ, hoa layơn, hoa lan Mokara, hoa vạn thọ, cỏ VA06, thâm canh cây hành lá, thâm canh cây bưởi trong thời kỳ kinh doanh, bao trái bưởi, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi lươn không bùn.
Công tác quản lý nhiệm vụ KH&CN, tổ chức ứng dụng tiến bộ KH&CN; phát triển phong trào lao động sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật…
Tổ chức họp hội đồng KH&CN hàng năm, thẩm định nghiệm thu đối với đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cây bạc hà và Bí đỏ hạt đậu đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương”.
Tổ chức triển khai 3 nhiệm vụ ứng dụng KH&CN thuộc lĩnh vực nông nghiệp:
- Dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cây bạc hà và Bí đỏ hạt đậu đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương”. Dự án đã kết thúc, hiện nay được người dân triển khai nhân rộng trên địa bàn xã Thạnh Hội.
- Dự án: “Bình tuyển, công nhận cây đầu dòng Bưởi đường da láng, Bưởi ổi và xây dựng vườn cây đầu dòng Bưởi đường da láng, Bưởi ổi và bưởi đường lá cam ở xã Bạch Đằng thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương”. Thời gian thực hiện 36 tháng từ tháng 10/2018 đến tháng 09/2021. Dự án đang được triển khai với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,5 tỷ đồng.
- Dự án: “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Rau Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương”. UBND tỉnh đã chấp thuận cho Hội nông dân xã Thạnh Hội sử dụng địa danh “Thạnh Hội” để đăng ký Nhãn hiệu tập thể. Do đó, đơn vị chủ trì đã nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ và đã được chấp nhận hồ sơ hợp lệ (thời gian xem xét hồ sơ là 18 tháng). Dự án chưa được nghiệm thu do phải chờ Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Dự án được gia hạn đến tháng 12/2020.
Hoạt động lựa chọn và tổ chức áp dụng các tiến bộ KH&CN tại địa phương
Hàng năm, sau khi xác định nhiệm vụ KH&CN, UBND thị xã thành lập Hội đồng xét chọn cá nhân, tổ chức thực hiện đề tài, dự án sau đó sẽ giao đơn vị chủ trì thực hiện triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tại địa phương.
Tập huấn phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng chính; quy trình sản xuất rau, cây ăn trái theo hướng VietGAP, sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả trên các loại cây trồng được 145 lớp, với 4.015 lượt nông dân tham dự.
Thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới kín, diện tích 17.000m2, có 18 hộ tham gia. Kết quả rau trong mô hình năng suất tăng 15 - 20%; phun thuốc BVTV giảm 4-8 lần/ vụ, giảm thểu đáng kể tác hại của nhóm côn trùng chích hút rầy xanh, bọ phấn trắng, tạo ra sản phẩm an toàn.
Trong 5 năm qua, Hội đồng KH&CN thị xã đã phát huy hiệu quả nguồn nhân lực của thị xã, các đơn vị xã, phường xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội và lao động sản xuất. Nổi bật là:
- Nhân rộng kết quả dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất cây bạc hà và Bí đỏ hạt đậu đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương”.
- Các mô hình Nông nghiệp khác cũng được quan tâm và nhân rộng như: Trồng cỏ VA06, Lươn không bùn, Sản xuất rau ăn lá an toàn trong nhà lưới, Sản xuất lúa theo hướng 3 giảm 3 tăng, Trồng hành theo hướng VietGAP, Sản xuất lúa theo hướng 1 phải 5 giảm,… Kết quả trong 5 năm đã triển khai được 23 mô hình với 94 điểm với diện tích 38,31 ha.
Các hoạt động khác
UBND thị xã đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra về đo lường chất lượng nhãn hàng hóa trong các dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn thị xã Tân Uyên giai đoạn 2016 - 2020. Qua kiểm tra, vẫn còn một số tiểu thương sử dụng cân đo đã hết hiệu lực kiểm định và các cơ sở sản xuất có ghi nhãn hàng hóa tương đối đầy đủ, tuy nhiên trên nhãn hàng hóa chưa ghi rõ trọng lượng của sản phẩm theo quy định. Đoàn kiểm tra lập biên bản yêu cầu các tiểu thương thực hiện kiểm định lại cân đồng hồ đã hết hiệu lực hoặc thay mới phương tiện đo lường và yêu cầu các cơ sở bổ sung trọng lượng của sản phẩm trên bao bì theo đúng quy định.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đo lường đối với công tơ điện và đồng hồ nước lạnh tại các hộ kinh doanh nhà trọ trên địa bàn thị xã; phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhà cho thuê có sử dụng đồng hồ nước lạnh và công tơ điện 01 chiều. Kết quả kiểm tra, các đồng hồ nước lạnh và công tơ điện đều có tem kiểm định và dấu chì kiểm định theo quy định.
Ban chỉ đạo Hệ thống quản lý chất lượng theo tiểu chuẩn Việt Nam TCVN ISO 9001:2015 được kiện toàn qua các năm, ban hành Quyết định quy chế, quy định hoạt động và phân công nhiệm vụ thành viên Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện, ban hành mục tiêu chất lượng và kế hoạch thực hiện mục tiêu chất lượng được thực hiện thường xuyên.
Đến nay UBND thị xã Tân Uyên đã chuyển đổi áp dụng duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN từ TCVN ISO 9001:2008 sang TCVN ISO 9001:2015 đối với 273 thủ tục hành chính, đã có 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND thị xã và 12 xã, phường xây dựng TTHC theo quy trình khung của hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2015.
Định hướng hoạt động trong thời gian tới
Tăng cường cử cán bộ tham gia đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý KH&CN cấp huyện theo các chương trình của Bộ KH&CN, Sở KH&CN tổ chức. Tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở KH&CN để triển khai tốt các hoạt động quản lý Nhà nước về KH&CN trên địa bàn, chú trọng các lĩnh vực: thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, an toàn bức xạ, trong đó tập trung vào các sản phẩm hàng hóa thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh như: xăng dầu, thực phẩm, nước sạch, nước đóng chai, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng hóa đóng gói sẵn.
Đối với nhiệm vụ triển khai ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, cần lựa chọn các nhiệm vụ KH&CN mang tính cấp thiết tại cơ sở như: xây dựng các mô hình sản xuất phục vụ chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; khai thác thông tin KH&CN để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận được các chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh về đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sở hữu trí tuệ.
Có thể nói, mặc dù hoạt động KH&CN trên địa bàn còn nhiều hạn chế như: chưa tạo được phong trào rộng khắp về ứng dụng KH&CN vào sản xuất, đời sống. Công tác xã hội hóa hoạt động KH&CN còn thực hiện chậm, phong trào sáng kiến, lao động sáng tạo chưa được mạnh mẽ. Thị trường hoạt động KH&CN tuy có phát triển, nhưng vẫn còn chậm, quy mô nhỏ. Sở hữu công nghiệp, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật chưa được các ngành, các cấp, các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường… Nhưng trong quá trình triển khai, đã có sự chủ động, kịp thời gắn kết và phối hợp thống nhất chặt chẽ giữa cấp, các ngành liên quan trong và ngoài thị xã.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, thị xã Tân Uyên đã triển khai các hiệu quả các đề tài, dự án KH&CN, nhận được nhiều sự ủng hộ từ các cấp Chính quyền và nhân dân địa phương, vì mang nhiều tính thực tiễn khi đưa ứng dụng vào cuộc sống. Các ngành liên quan cũng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thị xã triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Để thuận lợi hơn nữa trong công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực KH&CN trên địa bàn thị xã Tân Uyên nói riêng và các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh nói chung, UBND tỉnh nên có chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp chủ động tham gia sâu hơn vào nghiên cứu, chuyển giao, liên kết với các ngành, các cơ sở nghiên cứu khoa học. Đối với Sở KH&CN, cần xây dựng cơ chế phối hợp với UBND cấp huyện nhằm tăng cường quản lý các đề tài, dự án đang triển khai trên địa bàn một cách chặt chẽ; hỗ trợ chuyển giao các dự án, đề tài đã được nghiên cứu, nghiệm thu đưa vào ứng dụng; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên ngành về lĩnh vực quản lý KH&CN cho cán bộ công chức viên chức cấp huyện.