Thời tiết ảnh hưởng đến sức khỏe
Những điều kiện thời tiết diễn biến khác nhau gây nên những biến đổi sinh lý trong cơ thể khác nhau. Điều này ngay từ thời xa xưa con người đã nhận ra và ngày nay đã được khoa học chứng minh
Khi thời tiết thay đổi vừa phải, sẽ làm cho các chức năng sinh lý càng thêm linh hoạt, dần dần nâng cao giới hạn thích ứng của cơ thể. Nhưng khi thời tiết biến động mạnh vượt qua giới hạn thích ứng của phản ứng cơ thể, sự cân bằng giữa cơ thể với ngoại cảnh sẽ bị rối loạn gây nên hiện tượng bệnh lý.
Sự thay đổi đó có thể làm cho con người mắc bệnh nhất là người già, người yếu, người ít rèn luyện. Tuy nhiên, cần lưu ý, con người có khả năng thích nghi rất lớn. Nếu rèn luyện, sức chịu đựng của cơ thể sẽ tăng lên nhiều, có thể chủ động chống đỡ và dần dần đưa cơ thể vào “quỹ đạo” thích nghi với những biến động thời tiết.
Biến đổi khí hậu làm gia tăng dịch bệnh đói nghèo: Làm phát sinh những bệnh truyền nhiễm như: Cúm H1N1, AH5N1, sốt xuất huyết, sốt rét, tả, thương hàn, tiêu chảy, viêm não do virut, bệnh đường hô hấp. Ngoài ra, còn có bệnh viêm phổi, tai biến mạch máu não, tay chân miệng và ung thư.
Khu vực tỉnh Bình Dương, do nằm trong miền khí hậu nhiệt đới gió mùa (nóng và ẩm) nên thời tiết có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô với khí hậu nóng, oi bức là yếu tố thuận lợi cho sự bùng phát của nhiều loại bệnh: Các bệnh liên quan đến thời tiết mùa nóng như (say nắng, cảm lạnh, tiêu chảy, viêm mũi - họng, viêm phổi, chốc lở, rôm sẩy...), các bệnh truyền nhiễm đường ruột (tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng, tả, lỵ, thương hàn,...), các bệnh truyền nhiễm như tay - chân - miệng, cúm, lợn tai xanh, bệnh do muỗi là trung gian truyền bệnh (sốt xuất huyết, viêm não...).
Trong khi mùa mưa không khí lại ẩm ướt làm cho vi sinh vật, côn trùng phát triển dễ gây những ổ dịch lớn. Các bệnh dịch lây truyền do ăn uống xảy ra nhiều nơi, các bệnh do ruồi muỗi truyền cũng xảy ra đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Các bệnh lây truyền do ăn uống như: ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, dịch tả, kiết lỵ, thương hàn... xảy ra quanh năm, cao điểm vào mùa khô. Bệnh có thể gây dịch nhất là những nơi có nguồn nước ô nhiễm, vệ sinh môi trường kém, thiếu nước sinh hoạt, phân rác ứ đọng, tập quán uống nước lã, ăn sống...
Bên cạnh con đường lây truyền do ăn uống, các dịch bệnh do muỗi truyền cũng cần được quan tâm. Bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn lây truyền đã có những ổ dịch nhỏ và có khả năng lan rộng. Điều chúng ta cần quan tâm là bệnh nhân sốt xuất huyết nếu không được điều trị đúng, kịp thời thì có thể tử vong.
Để hạn chế những tác động của thời tiết đến sức khỏe:
- Mọi người cần nâng cao sức đề kháng, củng cố sự vững vàng của hệ thần kinh. Bất cứ tuổi nào cũng cần rèn luyện. Tuổi trẻ rèn luyện là để có một cơ thể cường tráng trước thiên nhiên, một sự thích nghi tốt, là điểm tựa cho sự sống khi về già. Có thể lấy rèn luyện để thay nhiều thứ thuốc, nhưng nhiều thứ thuốc không thể nào thay được rèn luyện.
Riêng đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, khi chuyển mùa từ nắng sang mưa, từ khô sang ẩm, lạnh, càng cần phải đặc biệt chú ý và chăm sóc sức khỏe cẩn thận. Các bậc cha mẹ cần áp dụng thường xuyên các biện pháp sau để tăng cường sức khỏe của trẻ:
- Giúp trẻ ăn uống bổ dưỡng, ngủ ngon, học đủ, chơi an toàn. Chọn thức ăn nóng, uống nước ấm. Tránh ăn thức ăn lạnh, quá mặn hoặc quá ngọt.
- Giữ da và rốn trẻ sạch khô. Dùng kem dưỡng ẩm duy trì độ ẩm da. Cắt móng tay ngắn, tránh gãi ngứa. Không tự ý băng, đắp thuốc theo kinh nghiệm.
- Dạy trẻ thói quen vệ sinh: Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người chăm sóc cũng phải thường xuyên rửa tay trước khi ẵm bồng hoặc chăm sóc trẻ, chế biến thức ăn và cho trẻ ăn uống.
Kim Tuyền