Thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai hoạt động quản lý truy xuất nguồn gốc
Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái lưu thông trên thị trường không rõ nguồn gốc, xuất xử, sản phẩm chức chất cấm, độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng.
Truy xuất nguồn gốc (TXNG) trở thành vấn đề quan tâm chung của toàn xã hội. Các cấp, ngành, các tổ chức quốc tế, các quốc gia đã xác định vai trò, vị trí quan trọng của TXNG đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, hiện nay TXNG sản phẩm, hàng hóa là nhu cầu tất yếu của thị trường, là cánh cửa cho hàng hóa của Việt Nam xâm nhập vào các thị trường khó tính. TXNG được các cơ quan, tổ chức, đặc biệt các doanh nghiệp rất quan tâm và mong muốn thực hiện.
Để hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc ở nước ta; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa; nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc, vào tháng 01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Quyết định 100). Trong Hội nghị Giám đốc các Sở KH&CN vào tháng 5/2020, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã đưa ra những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện Quyết định này ở các địa phương.
Thuận lợi
Quyết định 100 là cơ sở pháp lý quan trọng giúp hoạt động quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đi vào nề nếp theo một chuẩn mực chung. Đồng thời, Bộ KH&CN đã ban hành Công văn số 1735/BKHCN-QĐ ngày 14/6/2019 về việc triển khai Đề án giúp cho địa phương nắm rõ hơn các nhiệm vụ, các công việc cụ thể cần triển khai.
Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG tại địa phương tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kết nối Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia, giúp nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về TXNG, ý thức trong việc chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việc triển khai Quyết định 100 góp phần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TXNG để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường. Đồng thời, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về TXNG… cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Khó khăn
Hệ thống văn bản, quy định về quản lý, xử lý vi phạm; văn bản hướng dẫn áp dụng, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về TXNG sản phẩm, hàng hóa chưa được ban hành đầy đủ. Do vậy việc triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống TXNG chưa triển khai thực hiện thống nhất và đồng bộ.
Việc triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG theo Quyết định số 100 là nhiệm vụ quản lý hoàn toàn mới của địa phương nên cũng gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện cũng như tổ chức triển khai các nhiệm vụ của đề án vào tình hình thực tế (nguồn nhân lực phục vụ công tác triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG thiếu và hạn chế về trình độ; cơ quan quản lý ở địa phương (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) chưa có kinh nghiệm, nghiệp vụ trong hoạt động triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG trong thực tiễn để hướng dẫn các tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh, thành phố…
Kinh phí phục vụ cho công tác triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG, công tác đào tạo, hội nghị, hội thảo, phục vụ cho công tác chuyên môn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu…
Doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của TXNG và chưa hiểu đúng bản chất của TXNG, thói quen và ý thức làm việc chưa tuân thủ quy trình, ngại ghi chép cũng là yếu tố khó khăn cho quá trình thực hiện. Bên cạnh đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai hệ thống TXNG cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm cụ thể.
Việc triển khai, áp dụng cấp mã QR Code (thông qua hệ thống tem điện tử) cho các sản phẩm phải đảm bảo thông qua tem gắn trên sản phẩm sau khi đã được kích hoạt thông tin và đưa ra phân phối trên thị trường còn phụ thuộc vào đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, chưa chuẩn hóa việc triển khai áp dụng hệ thống TXNG theo chuẩn mực nhất định. Mã QR Code chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm chủ yếu là nông sản. Tem TXNG áp dụng trên các sản phẩm hiện nay chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức.
Cổng thông tin TXNG quốc gia đang trong giai đoạn xây dựng. TXNG mang tính khép kín không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống TXNG này có thể tham gia với các hệ thống TXNG khác.
Hiện nay có nhiều đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ thực hiện ứng dụng quản lý TXNG. Tuy nhiên, chưa có cơ sở để đánh giá chất lượng các giải pháp, để lựa chọn các đơn vị cung cấp giải pháp để triển khai thực hiện.
Giải pháp đối với địa phương
Từ những thuận lợi và khó khăn khi triển khai Quyết định 100 trong thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã đưa ra một số giải pháp thiết thực để các địa phương triển khai một cách thuận lợi hơn trong thời gian tới:
Phê duyệt Kế hoạch và tổ chức triển khai các công việc theo Kế hoạch đã được tỉnh phê duyệt; bố trí tài chính và nhân lực triển khai các hoạt động liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa hằng năm, trung hạn và dài hạn tại địa phương; xây dựng chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, thu hút doanh nghiệp trên địa bàn có thể đầu tư xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước; lồng ghép với các Chương trình, Đề án của tỉnh, thành phố để bổ sung nguồn lực, kinh phí cho hoạt động này.
Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn áp dụng, đào tạo, tập huấn cho các cơ quan quản lý, các cán bộ thực hiện công tác TXNG, tổ chức, doanh nghiệp về TXNG.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật để doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và người tiêu dùng hiểu được vai trò, hiệu quả của TXNG, các quy định về TXNG; định hướng cho các cơ quan thông tin truyền thông hiểu đúng các quy định của Nhà nước về TXNG.
Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Mã số Mã vạch (MSMV) Quốc gia xây dựng, vận hành và quản lý hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.
Lựa chọn, xây dựng Danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm ưu tiên, các sản phẩm bắt buộc triển khai truy xuất nguồn gốc tại địa phương; chủ trì/phối hợp cơ quan chuyên môn trợ xây dựng thí điểm một số mô hình TXNG cho một số sản phẩm làm mô hình mẫu để phổ biến tại địa phương…
Chủ trì, phối hợp nghiên cứu phát triển các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi, kết nối dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của địa phương với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các vi phạm đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Công tác triển khai ở Bình Dương
Sau khi Quyết định 100 được ban hành, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở Bình Dương đã tiến hành triển khai với nhiều hình thức đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Điển hình như, phối hợp với Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia khảo sát nhu cầu làm TXNG sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia tổ chức Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc với các loại hoa quả” cho hơn 70 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh liên quan đến các loại nông sản có nhu cầu hoặc gặp khó khăn liên quan đến yêu cầu TXNG đối với sản phẩm hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời, có cơ sở tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Chính phủ.
Trong quá trình triển khai Quyết định 100, Chi cục nhận thấy việc quản lý, triển khai ứng dụng mã số mã vạch ở địa phương còn gặp một số khó khăn như: phần mềm quét mã vạch Scan and Check trên điện thoại di động của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để quét kiểm tra tính hợp pháp của MSMV và thông tin chính hãng về xuất xứ, về các thuộc tính của hàng hóa gắn MSMV chưa được hoàn thiện (chỉ có một vài thông tin cơ bản như thông tin về chủ nhãn hiệu, điện thoại liên hệ, chưa có tên sản phẩm, hình ảnh sản phẩm). Chưa có phần mềm kiểm tra các tổ chức, cá nhân đã gia hạn khi giấy chứng nhận quyền sử dụng MSMV hết hiệu lực hoặc chưa thực hiện đóng phí duy trì sử dụng MSMV theo quy định.
Do đó, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đề xuất cần phải xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc và tài liệu hướng dẫn áp dụng; xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Sớm hoàn thiện phần mềm quét mã vạch để kiểm tra tính hợp pháp của MSMV và hướng dẫn các Chi cục cách thức để kiểm tra các tổ chức, cá nhân không gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng MSMV.
Ngọc Trang