Thực hiện Chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Ngày 25/11/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2692/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 theo Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Với mục tiêu phấn đấu mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 3 đến 4 %/năm; giai đoạn 2026-2030 trung bình từ 4 đến 5%/năm.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại: đến năm 2025 đạt từ 265 đến 267 ngàn tấn, trong đó tỷ lệ thịt heo - thịt gia cầm - thịt gia súc ăn cỏ chiếm: 60% - 38,5% - 1,5%; đến năm 2030 đạt từ 278 đến 280 ngàn tấn, trong đó tỷ lệ thịt heo - thịt gia cầm - thịt gia súc ăn cỏ chiếm: 59,5% - 39% - 1,5%. Phấn đấu nâng tỷ lệ đàn heo nuôi tập trung trang trại so với tổng đàn heo của tỉnh đạt trên 90%, đàn gia cầm đạt trên 80%.
Sản lượng trứng: đến năm 2025 đạt từ 650 - 670 triệu quả trứng; đến năm 2030 đạt khoảng 700 triệu quả trứng. Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung theo phương thức giết mổ bán công nghiệp và công nghiệp đạt tương ứng khoảng 85% và 60% vào năm 2025, khoảng 90% và 70% vào năm 2030.
- 30% số trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAHP). Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt: từ 20 đến 25% vào năm 2025, từ 30 đến 35% vào năm 2030.
Về xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đến năm 2025 xây dựng được ít nhất 30% tổng số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã được cơ quan thú y công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh và đến năm 2030 ít nhất 40% tổng số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã được cơ quan thú y công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh.
Kế hoạch tập trung vào một số giải pháp trọng tâm: Tuyên truyền các chủ trương, chính sách có liên quan đến hoạt động chăn nuôi; Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, cơ cấu lại giống vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất và giá trị; Hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi; Đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến trong chăn nuôi. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào quy trình sản xuất giống, sản xuất thức ăn, chăm sóc. Từng bước cải thiện những điều kiện chăn nuôi hiện có, nâng cao cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại phù hợp trong chăn nuôi.
Nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi. Tiếp tục đào tạo để nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ chăn nuôi, thú y các cấp, nhất là hệ thống chăn nuôi thú y cấp xã. Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ gắn với hoạt động khuyến nông.
Khuyến khích phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý ngành chăn nuôi, nhất là các phần mềm tin học phù hợp với đặc thù của từng loại hình chăn nuôi trang trại và chăn nuôi nông hộ. Đổi mới tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết.
Tăng cường năng lực quản lý nhà nước lĩnh vực chăn nuôi và thú y thông qua các hoạt động. Xã hội hóa các dịch vụ công về lĩnh vực chăn nuôi, thú y để mọi thành phần kinh tế có đủ điều kiện có thể tham gia nhằm công khai, minh bạch các hoạt động quản lý, giảm áp lực về biên chế, ngân sách nhà nước và cung cấp cho người dân chất lượng dịch vụ tốt nhất.
Huỳnh Anh