Thực trạng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến
Từ những năm đầu thế kỷ XX việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc xây dựng Chính phủ điện tử là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về chính phủ điện tử và gần đây nhất là Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017 nhằm hướng đến xây dựng một nền hành chính công hiện đại.
Việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp các đơn vị, cơ quan nhà nước giảm thiểu được áp lực công việc, giải quyết được các công việc nhanh hơn. Qua đó, người dân có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí đăng ký, làm các thủ tục hành chính. Và đặc biệt là việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ tránh được những tệ nạn tham nhũng, quan liêu đúng với chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện theo chương trình hành động về công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 theo Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ nhằm cải thiện và nâng cao các dịch vụ hành chính công công khai, thật sự công bằng và minh bạch.
Những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến, từ mức độ 1 đến mức độ 4, trong đó phổ biến nhất vẫn là cấp độ 2 và một số ở cấp độ 3 (cấp độ 2: cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu, sau đó hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; cấp độ 3: cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ).
Theo lộ trình của Chính phủ tại Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 thì việc ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, cải thiện cách thức thực hiện, đổi mới phương thức phục vụ trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin cho tổ chức, cá nhân nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cải cách thủ tục hành chính hàng năm; nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị.
Tại Bình Dương, trong năm 2019, chỉ số ứng dụng CNTT được xếp hạng thứ 23 (tăng 13 bậc so với năm 2018) và đứng thứ 29 về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (tăng 19 bậc so với năm 2018) theo báo cáo của của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam thực hiện khảo sát.
Bảng 1. Bảng xếp hạng ứng dụng CNTT
Bảng 2. Bảng xếp hạng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến
Từ các số liệu trên cho thấy việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến tại Bình Dương ngày càng được hoàn thiện và phát triển. Hơn nữa, trong năm 2017 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành triển khai nâng cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 cho các Sở, Ban, Ngành trên toàn tỉnh. Điều này cho thấy rằng, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao khả năng đáp ứng phục vụ của chính quyền địa phương đối với người dân và doanh nghiệp đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh.
Trước thực tế đó, vấn đề đặt ra là cần có cuộc khảo sát nhằm đánh giá về sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với dịch vụ công trực tuyến của chính quyền cung cấp. Có như thế mới có thể phát hiện cũng như đo lường được mức độ của các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của họ, để từ đó có những giải pháp cải thiện nhằm nâng cao công tác vì dân phục vụ của chính quyền địa phương.
Hoàng Ngọc