Tích cực phòng - chống dịch sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng Dengue gây ra. Nó lây lan thông qua loại muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành. Bệnh chưa có vacxin phòng tránh vì thế chúng ta không nên chủ quan mà cần phải theo dõi và chuẩn đoán sớm để có cách xử lý kịp thời.
Bệnh được ghi nhận rộng khắp ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là các vùng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh này. Theo ước tính trên thế giới có khoảng 500.000 ca bệnh phải nhập viện hàng năm với số tử vong lên tới hàng chục nghìn trường hợp. Theo đó, tính đến 16/8/2017, cả nước đã ghi nhận 90.626 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó, 24 trường hợp tử vong; số ca mắc bệnh tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2016 và số tử vong tăng 07 trường hợp. (http://www.baomoi.com)
Việc phòng chống SXH trên thế giới và tại Việt nam hiện nay là vô cùng khó khăn vì chưa có loại vắcxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc phòng chống dịch bệnh để giảm số ca mắc hiện nay chủ yếu dựa vào việc tiêu diệt muỗi truyền bệnh và loại trừ nơi sinh sản của muỗi mà vẫn thường gọi là ổ bọ gậy (loăng quăng).
Chính vì thế, các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh SXH và các biện pháp phòng tránh; vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch liệt lăng quăng trên địa bàn; giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, hủy các vật dụng phế thải chứa nước; súc rửa bình hoa, lu khạp chứa nước thường xuyên; ngủ màn, sử dụng các biện pháp diệt muỗi truyền thống và bằng các hóa chất như nhang muỗi, bình xịt muỗi... Đồng thời, chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, tổ chức trực cấp cứu, điều trị kịp thời, hiệu quả cho bệnh nhân… góp phần phục vụ tốt công tác chống dịch sốt xuất huyết.
Ngọc Loan