Tiếp cận tài chính toàn diện trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Tài chính toàn diện (Financial inclusion) là việc cung cấp các dịch vụ tài chính chính thức đến các đối tượng khách hàng có nhu cầu một cách thuận tiện nhất, phù hợp với nhu cầu và chi phí của tất cả người dân. Tài chính toàn diện được coi là một chỉ số quan trọng cho sự phát triển của một nền kinh tế toàn cầu.
Phát triển một hệ thống tài chính toàn diện là một biện pháp chủ động và ưu tiên cơ bản của nhiều quốc gia. Tài chính toàn diện còn được coi là phương tiện hiệu quả để phát triển tăng trưởng kinh tế bền vững và nhằm bảo đảm cho công dân của các quốc gia có thể sử dụng nguồn tài chính để tái bố trí các nguồn lực lao động và sản xuất cho nền kinh tế.
Tài chính toàn diện mang lại những lợi ích không nhỏ cho xã hội và cho nền kinh tế, tạo ra các giá trị tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu vay vốn và tạo nhiều cơ hội cho việc mở rộng và phát triển các hoạt động kinh doanh, giúp người dân có thể bảo vệ mình trước những tổn thương và các cú sốc của cuộc sống. Ở Việt Nam, các định chế tài chính nói chung cũng như các định chế tài chính chính thức nói riêng đã tập trung đẩy mạnh nhiều chính sách, dịch vụ nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng đến các cộng đồng dân cư trong cả nước.
Bình Dương là một tỉnh công nghiệp, có tốc độ phát triển kinh tế cao nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, với số dân hơn 2 triệu dân và mật độ dân số trung bình 741 người/km2. Toàn tỉnh có khoảng 67 chi nhánh các ngân hàng thương mại, 10 quỹ tín dụng nhân dân, các quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ, với 173 phòng giao dịch, 770 điểm hoạt động ATM phục vụ nhu cầu giao dịch tài chính cho người dân trong tỉnh…
Trước xu hướng phát triển của nền kinh tế trong thời kỳ công nghệ số, tài chính toàn diện được đánh giá có tầm ảnh hưởng quan trọng trong quá trình phát triển bền vững, tài chính toàn diện ngày nay đã trở thành mối quan tâm toàn cầu, là chìa khóa giúp thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng xã hội và là cơ hội cho nhiều người thực hiện mục tiêu các dự án trong tương lai… Đề tài “Tiếp cận tài chính toàn diện trên địa bàn tỉnh Bình Dương” đã được TS. Nguyễn Hồng Thu đề xuất nghiên cứu hướng đến đề xuất các giải pháp tăng cường và phát triển tài chính toàn diện đến cộng đồng dân cư trong tỉnh, góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội của tỉnh nói riêng và các nước nói chung trước xu hướng phát triển và hội nhập.
Mở đầu cho vấn đề nghiên cứu, tác giả đã tổng quan về cơ sở lý thuyết về tài chính toàn diện, trong đó tập trung vào tiếp cận tài chính toàn diện dưới cấp độ cá nhân. Các khái niệm về tiếp cận tài chính toàn diện theo nhiều góc độ nghiên cứu; các đặc điểm, vai trò của tiếp cận tài chính đối với các chủ thể liên quan và nền kinh tế; chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá tiếp cận tài chính và các nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận tài chính ở cấp độ cá nhân. Đây sẽ là cơ sở được sử dụng để phân tích thực trạng tiếp cận tài chính cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận tài chính của người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Từ dữ liệu thứ cấp và số liệu sơ cấp cho thúc đẩy tiếp cận tài chính ở tỉnh Bình Dương, tác giả đã phân tích thực trạng tiếp cận tài chính tại Bình Dương. Kết quả cho thấy, khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân ngày càng được gia tăng; số lượng tài khoản ngân hàng của người dân ngày càng gia tăng trong giai đoạn nghiên cứu. Phân tích thực trạng cho thấy số lượng tài khản tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng vào các tổ chức tín dụng ngày một tăng; các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt của người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương ngày càng tăng về số lượng và giá trị giao dịch; số lượng món vay và quy mô món vay của khách hàng cá nhân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhóm khách hàng yếu thế khác tại các tổ chức tín dụng không ngừng tăng lên…
Có kết quả như vậy là nhờ sự chú trọng của Chính phủ và NHNN đến tiếp cận tài chính ở Việt Nam được thể hiện rõ qua việc triển khai nhiều chương trình, dự án liên quan đến hạ tầng công nghệ nhằm triển khai các sản phẩm dịch vụ tài chính sâu rộng đến người dân; các chủ thể cung cấp dịch vụ tài chính chú trọng đến việc mở rộng mạng lưới hoạt động; các cá nhân sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Dương ngày càng nhận thức được lợi ích mà dịch vụ tài chính đem lại, đặc biệt là dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Và với lợi thế là một trong những địa phương có kinh tế phát triển nhanh và mạnh nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người không ngừng được nâng cao đã giúp cho người dân có điều kiện để tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính…
Bên cạnh đó, để đánh giá thực nghiệm các nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận tài chính của người dân tỉnh Bình Dương, đề tài đã thực hiện hồi quy mô hình probit với các biến độc lập phản ánh đặc điểm nhân khẩu học của các cá nhân gồm giới tính, tuổi, trình độ, thu nhập và nơi cư trú. Trong đó, tuổi, trình độ, thu nhập và nơi cư trú là những biến có ý nghĩa thống kê và ảnh hưởng đến việc tiếp cận dịch vụ tài chính của khách hàng cá nhân. Trên cơ sở phân tích định tính và định lượng, đề tài đã rút ra kết quả đạt được, hạn chế còn tồn tại trong tiếp cận tài chính của người dân ở Bình Dương.
Dựa trên kết quả đánh giá thực trạng tiếp cận tài chính trong giai đoạn 2015 - 2019 và định hướng của tỉnh Bình Dương đến năm 2025, đề tài đã đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy tiếp cận tài chính góc độ cá nhân trên địa bàn tỉnh:
Đối với các chủ thể cung cấp dịch vụ tài chính chính thức: Mở rộng cơ sở hạ tầng tài chính bằng cách gia tăng điểm giao dịch kết hợp với ứng dụng công nghệ trong việc phân phối dịch vụ tài chính đến khách hàng cá nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong đó, chú trọng đến việc mở rộng mạng lưới ở khu vực nông thôn. Thiết kế nhiều hơn các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu của người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế trong xã hội như người nghèo, sinh viên, nông dân…
Đối với các chính quyền địa phương: Nâng cao hơn nữa hiểu biết, nhận thức của người dân về dịch vụ tài chính - đây là yếu tố quan trọng để người dân nảy sinh nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính từ đó thúc đẩy tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm nâng cao hiểu biết về dịch vụ tài chính đối với nhóm người có thu nhập thấp, trình độ thấp, người sống ở khu vực nông thôn; Quan tâm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nhằm tăng thu nhập bình quân đầu người; Giảm tỷ lệ thất nghiệp; Giám sát hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, hiệu quả; Ban hành các chính sách hỗ trợ người yếu thế, người nghèo trên địa bàn nhằm đảm bảo đời sống và góp phần thúc đẩy tiếp cận tài chính trên địa bàn.
Đối với các cơ quan quản lý cấp Trung ương: Hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân khi sử dụng dịch vụ tài chính cũng như các văn bản pháp luật liên quan đến tiếp cận tài chính; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn dân; Ban hành các chính sách hỗ trợ nhóm người yếu thế, người nghèo.
Ngọc Loan