Tìm hiểu liễn, đối Hán - Nôm trong các đình, chùa, miếu ở Bình Dương
Tìm hiểu về tinh thần, tư tưởng của người Bình Dương trong các thời kỳ lịch sử qua khải sát nội dung ý nghĩa của các liễn đối chữ Hán, Nôm trong các chùa, đình, miếu; cố gắng khắc họa những nội dung, đặc điểm của quan niệm về đạo lý nhân sinh, về ý thức cộng đồng, tư tưởng triết học Nho, Phật và đạo lý cổ truyền Việt Nam của người Bình Dương xưa.
a/ Tên nhiệm vụ: Tìm hiểu liễn, đối Hán - Nôm trong các đình, chùa, miếu ở Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Hội Khoa học lịch sử tỉnh
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Huỳnh Ngọc Đáng
- và những người tham gia chính:
1. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thủy
2. Thạc sĩ Lê Thị Hòe
3. Thạc sĩ Nguyễn Văn Ngoạn
4. Cử nhân Văn Thị Thùy Trang
5. Cử nhân Phan Thị Mến
6. Cử nhân Nguyễn Văn Quốc
7. Cử nhân Đỗ Thị Tiên
8. Cử nhân Nguyễn Thị Hiền
9. Cử nhân Đỗ Thị Thanh
10. Cử nhân Trần Đức Thuận
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ:
- Điều tra, khảo sát, ghi chép, phiên âm, dịch nghĩa, phân tích, chú giải nội dung và ngữ nghĩa các mặt của liễn đối chữ Hán, Nôm trong các đình, đền, miếu trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
- Tìm hiểu về tinh thần, tư tưởng của người Bình Dương trong các thời kỳ lịch sử qua khải sát nội dung ý nghĩa của các liễn đối chữ Hán, Nôm trong các chùa, đình, miếu; cố gắng khắc họa những nội dung, đặc điểm của quan niệm về đạo lý nhân sinh, về ý thức cộng đồng, tư tưởng triết học Nho, Phật và đạo lý cổ truyền Việt Nam của người Bình Dương xưa.
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
I. Đặt vấn đề
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 200 đình, miếu lớn nhỏ thờ thành hoàng và nội dung chữ Hán trong các cơ sở thờ tự và những nơi sinh hoạt cộng đồng của họ thường ghi chép tinh thần, tư tưởng các mặt trong sinh hoạt cộng đồng của con người Thủ Dầu Một - Bình Dương xưa. Nội dung ghi chép ấy là những giá trị của quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa Việt - Hoa trên vùng đất mới Bình Dương.
Chính vì thế, đề tài “Tìm hiểu liễn đối Hán - Nôm trong các đình, chùa, miếu ở Bình Dương” được triển khai nhằm tìm hiểu văn hóa Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh và góp phần tăng cường tư liệu văn hóa, lịch sử và hiểu biết khoa học về vùng đất và con người Bình Dương.
II. Kết quả nghiên cứu
1. Nội dung văn hóa của các liễn đối Hán - Nôm
a. Đối với các chùa thờ Phật của người Việt
Nhóm tác giả nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 36 ngôi chùa thờ Phật và tiến hành ghi chép, phiên âm, dịch nghĩa 421 hoành phi, chữ thờ và 505 cặp liễn đối với những nội dung triết lý Phật giáo ẩn hiện ca ngợi đức phật từ bi, khuyến khích mọi người tu tâm dưỡng tính, thực hành phật pháp… Trong hơn 500 cặp đối liễn có nội dung Phật giáo, có thể chọn lọc được khá nhiều cặp đối hay cả về ý và luật và một số cặp đối có thể xếp vào kho tàng tinh hoa văn học Hán - Nôm Phật giáo Việt Nam.
Thông qua quá trình khảo sát, cho thấy đa phần các chùa thường xếp các cặp đối theo 05 nhóm: Nhóm những câu đối ở trước và sau cổng chùa; nhóm những cặp đối ở điện thờ Địa tạng, bà Ngũ hành, chiến sĩ trận vong; nhóm các câu đối ở khu các tháp phù đồ, nơi an vị của các sư trụ trì; nhóm câu đối ở chùa tổ, nhà trai tăng; nhóm các cặp đối ở gian chánh điện, nơi thờ chư Phật với những câu đối hay, nội dung sâu sắc, trí tuệ uyên thâm, thanh luật chỉnh chu ở trình độ nghệ thuật cao
b. Trong các đình thần của người Việt
Nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát 39 đình thần và tiến hành ghi chép, phiên âm, dịch nghĩa, ghi chú 431 hoành phi, chữ thờ và 581 cặp câu đối Hán - Nôm, chứa đựng tinh thần Nho giáo được khéo léo thể hiện trong các cặp đối liễn, hoành phi, chữ thờ được trưng bày trang trọng trong các đình.
Qua cuộc khảo sát các liễn đối Hán - Nôm trong các đình thần cho thấy tinh thần Nho giáo ẩn chứa trong đó, thể hiện những nội dung đạo lý thông thường đã thấm sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân, có tác dụng nhấn mạnh lễ nghĩa, gắn bó quê hương…; trực tiếp đề cập đến các nội dung đạo đức Nho giáo và một số nội dung khác trong những nguyên lý chung như phương châm tư duy, ứng xử, hành động của Nho gia.
c. Trong các chùa người Hoa
Tác giả đề tài nghiên cứu đã khảo sát 15 chùa Hoa và tiến hành ghi chép, phiên âm, dịch nghĩa, chú thích 60 hoành phi, chữ thờ và 104 cặp câu đối Hán - Nôm, bước đầu cho thấy bên cạnh những nội dung ca ngợi công đức của các nhân thần Trung Hoa di dân mang theo trong hành trang vượt ngàn dặm xa xôi, gian khổ đến định cư và lập nghiệp ở vùng đất mới với khát vọng được an cư lạc nghiệp, ước mơ có cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Qua đó, khẳng định sự hòa nhập sâu sắc của người Hoa với vùng đất và con người địa phương, trong quan hệ giao lưu Việt Hoa về văn hóa, xã hội vốn hình thành từ lâu đời và luôn hài hòa, sâu sắc.
d. Trong các đền thờ mẫu:
Đạo mẫu chỉ mới du nhập vào vùng đất Bình Dương trong thời gian gần đây. Đạo mẫu là một dạng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa. Mặc khác, đạo mẫu luôn hướng về trần thế và luôn hướng con người đến cuộc sống hòa hợp trong môi trường văn hóa đa dân tộc.
Với số lượng hoành phi, chữ thờ và câu đối trong các đền thờ mẫu tuy không nhiều như ở các đình, chùa nhưng từ ngữ và nội dung của các hoành phi, chữ thờ và câu đối ở đền đều có những đặc điểm riêng thường ca ngợi công đức của mẫu và các thánh
2. Hình thức và ngữ nghĩa của các liễn đối
Nhóm tác giả tiến hành khảo sát 99 cơ sở thờ tự trong tỉnh; tiến hành ghi chép, phiên âm, chú giải, dịch nghĩa 949 hoành phi, chữ thờ và 1225 cặp câu đối Hán - Nôm và 152 lạc khoản cho thấy có hiện tượng một số cặp câu đối được sử dụng ở nhiều chùa, đình và phát hiện được nhiều câu đối hay. Như vậy, tổng số các đơn vị Hán - Nôm đã được đề tài khảo sát nghiên cứu là 2174 cặp câu đối và bức hoành phi, trong đó khu vực đình có số lượng câu đối và hoành phi, chữ thờ nhiều nhất với 1012 đơn vị Hán Nôm, kế đó là khu vực các chùa Phật người Việt với 926 đơn vị Hán - Nôm.
Theo đó, ở khu vực đình người Việt và chùa người Hoa cũng có hiện tượng có một số cặp đối liễn được dùng chung ở nhiều cơ sở thờ tự. Tuy nhiên, ở các đình hiện tượng dùng chung hay vay mượn của nhau chỉ thể hiện rõ rệt ở những bức hoành phi. Riêng trong chùa người hoa, các cặp đối giống nhau về ý và từ ngữ thường là những cặp đối ca ngợi công đức của Thiện hậu, quan Thánh đế và Huyền thiên thượng đế. Tỷ lệ dùng chung và gần nhau về nội dung và từ ngữ thường khá đậm đặc trong các chùa Bà, chùa Ông và các chùa ông Bổn…
Thông qua những kết quả ghi nhận được từ các cuộc khảo sát của nhóm tác giả thực hiện đề tài, đã chứng minh rằng vùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương sớm được tiếp thụ nền học vấn chữ Hán. Mặt khác, các cặp đối đều theo thể phú, mỗi câu thường từ 07 chữ trở lên, một số câu có trên 15 chữ, tuyệt đại đa số là câu cách cú và hạc tất…
III. Kết luận
Đề tài nghiên cứu đã tím hiểu và phác họa được những nét căn bản của triết lý Phật giáo và Nho giáo trong đời sống tinh thần của con người Thủ Dầu Một - Bình Dương xưa và đạt được những kết quả đáng kể. Đây sẽ là một di sản quý báu và là tài liệu hữu ích để các phường, xã sử dụng trong công tác giáo dục truyền thống cũng như tìm hiểu thêm về văn hóa và lịch sử của vùng đất và con người Bình Dương
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 08/2014
- Thời gian kết thúc: 08/2015
g/ Kinh phí thực hiện: 487.150.000 đồng
Quang Vinh