Tỉnh Bình Dương: Hoạt động đăng ký lưu giữ luận văn - luận án sau đại học
Trong năm 2019, Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ đã thu nhập và lưu giữ được 39 luận văn - luận án trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 02 luận án tiến sĩ thuộc chuyên ngành Ngôn ngữ học và chuyên ngành Lịch sử phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và giải phóng dân tộc. Hoạt động này được triển khai từ năm 2016, tuy nhiên đến năm 2017 mới được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh.
Để nắm bắt thông tin được rõ ràng hơn, sau đây chúng tôi sơ lược các luận văn, luận án được đăng ký và lưu trữ trong năm 2019 tại kho Cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ của tỉnh:
1. Phát hiện hành vi té ngã dựa trên đặc trưng học sâu và máy học vectơ hỗ trợ
Đề tài do tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hương, Trường THPT Nguyễn Trãi thực hiện với mục tiêu thử nghiệm phương pháp học chuyển tiếp trên các mô hình mạng học sâu tích chập đã được huấn luyện trên tập ảnh tĩnh vào bài toán có chứa yếu tố động. Luận văn sử dụng phương pháp rút trích đặc trưng với mục đích giảm bớt chi phí huấn luyện, phù hợp với tập dữ liệu nhỏ.
Qua nghiên cứu, đề tài đã phát hiện hành vi của con người trong một bối cảnh dựa vào một dãy hành động nhỏ liên tiếp của một video. Dựa vào thông tin nội dung của video, con người có thể dễ dàng phân tích, đánh giá cũng như nhận dạng các hành vi của đối tượng trong video, nhưng để cho máy tính có thể tự hiểu, đánh giá, đưa ra một nhận định chính xác là một thách thức lớn trong ngành Thị giác máy tính.
Kết quả của dề tài còn có ý nghĩa tăng cường khả năng hiểu video của máy tính, giúp máy tính đưa ra những nhận định chính xác một cách tự động. Hay nói cách khác, máy tính có thể hiểu được các hành vi của đối tượng được quan sát trong video để việc phát hiện được chính xác hơn. Từ đó tăng cường khả năng hiểu hoạt động của con người, tiên đoán khả năng có tình huống bất thường xảy ra.
2. Đánh giá hiện trạng chất lượng nước mặt một số vùng đất ngập nước ở vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát - tỉnh Tây Ninh, Bùi Thị Lan Anh
Đề tài do tác giả Bùi Thị Lan Anh, Trường THPT An Mỹ chọn làm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, chuyên ngành sinh thái học với mục tiêu đánh giá chất lượng nước mặt qua một số chỉ tiêu lí hóa và tình trạng dinh dưỡng tại một số kiểu đất ngập nước (suối, bàu, trảng, ao) trong vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Kết quả đề tài nhằm bổ sung cơ sở dữ liệu góp phần đánh giá tác động của các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng đệm lên chất lượng nước mặt tại các kiểu hệ sinh thái đất ngập nước trong Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Đồng thời, làm cơ sở để quản lý và bảo tồn đất ngập nước trong bối cảnh các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
3. Môđun xạ ảnh trên một số lớp vành
Đây là luận văn thuộc chuyên ngành toán học do tác giả Nguyễn Thị Phúc Lan, Trường THPT Nguyễn Trãi thực hiện. Luận văn trình bày lại một số lý thuyết cơ bản về môđun, môđun xạ ảnh, một số tính chất của môđun xạ ảnh trên một số vành đặc biệt như vành Artin, vành Wedderburn, và vành di truyền. Ngoài ra, luận văn còn chứng minh rằng mọi môđun xạ ảnh trên vành địa phương cũng là môđun tự do có hạng xác dịnh duy nhất. Cuối cùng, luận văn còn đề cập đến số chiều xạ ảnh của môđun và số chiều toàn cục của một vành, qua đó ta sẽ thấy mối quan hệ giữa các vành Wedderburn và các vành di truyền. Tác giả đã chứng minh rằng các vành Wedderburn, chính là các vành có số chiều toàn cục bằng 0 và các vành di truyền mà không phải là vành Wedderburn chính là các vành có số chiều toàn cục bằng 1.
4. Tổng hợp và khảo sát hoạt tính của vật liệu xúc tác quang ZnS pha tạp F
Đề tài do tác giả Trần Huỳnh My, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Thuận An thực hiện.
ZnS được xem là vật liệu bán dẫn tiềm năng ứng dụng trong xúc tác quang nhờ vào năng lượng vùng cấm phù hợp, quá trình hình thành e- quang sinh và lỗ trống quang sinh nhanh khi kích thích quang và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, bởi vì ZnS có vùng cấm rộng (3,77eV với ZnS Wurtzite) nên chất bán dẫn ZnS chỉ hoạt động trong vùng ánh sáng tử ngoại. Ngoài ra, quá trình tái tổ hợp giữa electron và lỗ trống quang sinh xảy ra nhanh trong ZnS. Các vấn đề này ngăn cản ZnS được ứng dụng rộng rãi trong vật liệu xúc tác quang. Để giải quyết vấn đề này, trong nghiên cứu hướng đến tổng hợp ZnS bằng các phương pháp khác nhau sau đó biến tính vật liệu ZnS theo cách pha tạp Fluor bằng nhiều cách để nâng cao hoạt tính xúc tác quang hóa khảo sát trực tiếp trên chất màu Alizarin đỏ S.
5. Nghệ thuật sử dụng thành ngữ trong tác phẩm của Vương Hồng Sển
Luận văn do tác giả Vũ Thị Việt Hà, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh thực hiện. Nghiên cứu nghệ thuật sử dụng thành ngữ trong các tác phẩm của Vương Hồng Sển là một hướng nghiên cứu mới. Trong báo cáo này, tác giả mong muốn tìm hiểu sâu sắc hơn về nghệ thuật sử dụng thành ngữ trong tác phẩm văn chương nói chung và trong một số tác phẩm văn chương của Vương Hồng Sển nói riêng.
Kết quả của Luận văn góp phần làm sáng tỏ những đặc trưng về hình thức và nội dung ngữ nghĩa của các đơn vị thành ngữ tiếng Việt. Góp phần quan trọng trong việc xác định cương vị, đặc điểm của các đơn vị khác nhau trong hệ thống từ vựng, bao gồm cả bản thân thành ngữ cũng như các đơn vị lân cận như từ ghép, quán ngữ, từ ngữ; khẳng định thêm tầm quan trọng của thành ngữ trong việc hình thành nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm văn học nói chung và tác phẩm của Vương Hồng Sển nói riêng. Đồng thời, kết quả nghiên cứu này còn giúp người đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về phong cách của Vương Hồng Sển cũng như giá trị nhân văn trong các sáng tác của ông.
6. Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết “giữa dòng chảy lạc” và “cuộc đời ngoài cửa” của Nguyễn Danh Lam
Luận văn do tác giả Lê Thị Kim Liên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Tân Uyên thực hiện. Trong luận văn này, tác giả đặt vấn đề tìm hiểu nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc và Cuộc đời ngoài cửa của Nguyễn Danh Lam chính là đi sâu tìm hiểu các phương thức tự sự mà nhà văn đã lựa chọn, đã sử dụng để xây dựng thế giới tiểu thuyết của mình, qua đó chuyển tải các vấn đề của con người và xã hội đương đại. Đây cũng chính là nét đặc sắc, đóng góp lớn nhất và cũng là yếu tố khẳng định vị thế của tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam trên văn đàn. Đồng thời, từ góc nhìn tự sự học, đề tài soi chiếu vào hai tiểu thuyết cụ thể sẽ góp phần nhận thức rõ hơn lý thuyết này, góp nhặt thêm một điều nhỏ bé trong hành trình giới thiệu một lý thuyết nghiên cứu còn khá non trẻ ở Việt Nam.
7. Xây dựng phong cách lãnh đạo của Bí thư đảng ủy xã ở tỉnh Bình Dương giai đoạn hiện nay
Đây là luận văn của tác giả Trương Vương Khánh, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương. Luận văn được thực hiện trên cơ sở kết hợp chặt chẽ phương pháp logic và lịch sử, khảo sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn, phân tích, tổng hợp và thống kê so sánh biểu hiện phong cách lãnh đạo của Bí thư Đảng ủy tại 48/91 xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ năm 2010 đến năm 2017. Kết quả nghiên cứu về phong cách lãnh đạo của 48 bí thư Đảng uỷ xã ở tỉnh Bình Dương sẽ làm sáng tỏ về bản chất, đặc điểm, vai trò và các nhân tố ảnh hưởng đến phong cách lãnh đạo ở góc độ khoa học xây dựng Đảng đề từ đó đề xuất giải pháp xây dựng phong cách lãnh đạo của bí thư Đảng uỷ xã ở tỉnh Bình Dương trong giai đoạn hiện nay.
8. Tản văn Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn phê bình sinh thái
Với mong muốn chỉ ra sự hòa kết giữa văn chương và sinh thái trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, tác giả Hoàng Thị Hạnh, Trường THPT Dĩ An đã tập trung tìm hiểu tản văn của chị từ góc nhìn phê bình sinh thái. Tính đến thời điểm luận văn được tiến hành, chưa có một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh nào về đề tài này ra đời. Do đó, tác giả rất hy vọng đề tài nghiên cứu vừa là một phát hiện thú vị trong sáng tác của nhà văn vừa đem đến cái nhìn sâu sắc, xuyên suốt nhằm có thể bổ sung thêm một số nhận định xác đáng, nhất quán, có giá trị bên cạnh những ý kiến đã có trước đây về mảng sáng tác này của tác giả. Mặt khác, kết quả nghiên cứu mong muốn góp phần khẳng định giá trị của dòng văn học sinh thái trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam đương đại.
9. Xây dựng đội ngũ công nhân tỉnh Bình Dương hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Luận văn do tác giả Nguyễn Thị Lê Vân, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương thực hiện đã góp phần làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, nội dung xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam. Làm rõ thực trạng đội ngũ công nhân tỉnh Bình Dương trong 5 năm (2013 - 2018), qua đó đưa ra nội dung, giải pháp xây dựng đội ngũ công nhân tỉnh Bình Dương theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, luận văn cũng góp phần làm sáng tỏ những quan điểm lý luận về giai cấp công nhân Việt Nam của Hồ Chí Minh.
Luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho việc xây dựng, hoạch định những chủ trương, chính sách và giải pháp xây dựng đội ngũ công nhân tỉnh Bình Dương đáp ứng yêu cầu mới trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, có thể dùng làm dữ liệu lưu trữ và tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu và giảng dạy, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh.
10. Liên văn bản trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương
Luận văn của tác giả Trần Thị Hồng, Trường THPT Dầu Tiếng tập trung khảo sát một số phương diện của tính liên văn bản trong tiểu thuyết của nhà văn đất Thái, mà theo tác giả là cơ bản, như: sự ảnh hưởng, trích dẫn, pha trộn thể loại và sự dung hợp văn hóa. Từ góc nhìn chủ quan của tác giả cho thấy, đây là công trình đầu tiên nghiên cứu hệ thống, chuyên sâu về biểu hiện của tính liên văn bản và chỉ ra được những hiệu quả thẩm mĩ của tính liên văn bản trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương.
11. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn
Đỗ Phấn là nhà văn sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà thành - mảnh đất được xem là nơi đón đầu cơn lốc xoáy những đổi thay của nền kinh tế, xã hội đất nước trong thời kì mở cửa và hội nhập. Tác giả Trần Thị Anh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Bến Cát đã thông qua việc khảo sát thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn để chỉ ra các kiểu nhân vật trong tiểu thuyết của ông, những biện pháp nghệ thuật tiêu biểu trong việc xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn; khái quát được quan niệm của nhà văn về con người để thấy được đóng góp của ông đối với văn học Việt Nam đương đại.
12. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Dương Thụy
Thông qua luận văn, tác giả Trần Minh Nguyệt, Trường THPT Nguyễn Trãi mong muốn người đọc có thể tiếp cận tương đối đầy đủ đường văn Dương Thụy và dấu ấn của cô trong nền văn xuôi Việt Nam đầu thế kỉ XXI. Và hơn hết, là cách xây dựng nhân vật mang dấu ấn hậu hiện đại trong sáng tác của nữ nhà văn này. Cụ thể hơn là thế giới nhân vật và cách xây dựng nhân vật trong những tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết của nhà văn, nhằm bổ sung cho người đọc thêm một phần tri thức mới mẻ về nhà văn Dương Thụy cũng như các nhân vật trong tiểu thuyết của cô. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn góp thêm một góc nhìn về thế giới nhân vật phong phú, đa dạng trong văn học đương đại và phần nào thấy được sự vận động tiếp biến của văn học Việt Nam với văn học thế giới trong thời đại toàn cầu.
13. Truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư - từ tác phẩm văn học sang điện ảnh
Từ sự kế thừa những kết quả nghiên cứu trước đây, vốn hiểu biết và kinh nghiệm của tác giả Nguyễn Thị Vân, Trường THPT Bình An về hai loại hình nghệ thuật văn học và điện ảnh, Luận văn đã đi sâu và tìm hiểu những khía cạnh cùng một số vấn đề mà chưa được các nhà nghiên cứu khác đề cập đến. Từ đó, tác giả tìm ra những đóng góp mới mẻ, sáng tạo có ý nghĩa cho mối quan hệ giữa văn học và phim chuyển thể.
14. Bồi dưỡng năng lực thực nghiệm cho học sinh phổ thông qua hoạt động ngoại khóa chủ đề “Chế tạo và tiến hành thí nghiệm về cảm ứng từ với các dụng cụ đơn giản”
Cốt lõi của việc đổi mới dạy và học là hướng người học tới hoạt động học tập chủ động, phát huy tính tích cực. Tác giả Nguyễn Thụy Phương, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Bến Cát đã thông qua luận văn để tìm giải pháp khắc phục những hạn chế trong quá trình dạy học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên. Kết quả cho thấy, hoạt động ngoại khoá do giáo viên tổ chức được thực hiện ngoài thời gian học tập trên lớp không những giúp cho học sinh nắm vững các kiến thức đã học mà còn giúp học sinh có thể bồi dưỡng năng lực thực nghiệm thông qua việc chế tạo và thí nghiệm về cảm ứng điện từ với các dụng cụ đơn giản.
15. Thơ Huỳnh Văn Nghệ trong dòng chảy của kháng chiến ở Nam bộ giai đoạn 1945-1954
Đến với Huỳnh Văn Nghệ ta bắt gặp một hồn thơ gần gũi, bình dị. Từng lời thơ được tác giả viết ra như những lời tâm tình, phản ánh chân thực những gì đang diễn ra nơi mảnh đất quê hương, những gì người chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ đã tận mắt chứng kiến trong cuộc chiến đấu gian khổ của dân tộc… Thông qua luận văn, tác giả Trần Thị Mai, Trường THPT Bình An muốn đưa đến một hướng nghiên cứu mới khi đặt thơ Huỳnh Văn Nghệ trong dòng chảy của thơ kháng chiến ở Nam Bộ, từ đó thấy được những nét tương đồng, khác biệt trong nội dung cũng như cách thức thể hiện của một nhà thơ, chiến sĩ được mọi người ưu ái với tên gọi “thi tướng rừng xanh” với các nhà thơ khác cùng thời. Qua đó ta thấy được đóng góp của thơ Huỳnh Văn Nghệ trong nền thơ văn kháng chiến chống Pháp nước nhà.
16. Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái
Trước đây, đã có nhiều nghiên cứu về Hồ Anh Thái cũng như tác phẩm của ông. Các công trình nghiên cứu đã đề cập đến những vấn đề nổi bật trong tiểu thuyết của ông. Tuy nhiên chưa có công trình nào nghiên cứu về nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết của tác giả như một đối tượng nghiên cứu khoa học độc lập. Xuất phát từ thực tế đó, tác giả Nguyễn Thanh Tòng, Trường THPT Tân Phước Khánh đã tiến hành nghiên cứu nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái nhằm xác định phong cách nghệ thuật của tác giả cũng như những đóng góp của ông đối với văn học Việt Nam đương đại.
17. Dạy học theo mô hình 5E nhằm phát triển năng lực tìm tòi khám phá cho học sinh thông qua chương Oxi - Lưu huỳnh hóa học 10 trung học phổ thông
Hiện nay có nhiều tài liệu nghiên cứu chuyên sâu về lí thuyết kiến tạo nhưng những nghiên cứu về dạy học theo mô hình 5E còn khá mới mẻ trong dạy học hóa học. Gần đây, có một số tác giả đã nghiên cứu về vấn đề này, những công trình này còn ít và chưa đầy đủ. Do đó, tác giả Trần Thị Lựu, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ đã tiến hành nghiên cứu nghiên cứu và vận dụng dạy học theo mô hình 5E thông qua chương Oxi-Lưu huỳnh, Hóa học lớp 10 THPT. Kết quả, xây dựng được khung cấu trúc năng lực tìm tòi khám phá thông qua dạy học hóa học theo mô hình 5E. Thiết kế và sử dụng bộ công cụ đánh giá năng lực tìm tòi khám phá của học sinh thông qua dạy học chương Oxi-Lưu huỳnh, Hóa học 10 THPT theo mô hình 5E. Đồng thời, thiết kế kế hoạch dạy học theo mô hình 5E.
18. Áp dụng độ đo entropy cho bài toán tách đặc trưng của bọt khí trên video và đề xuất kết hợp SVM cho vấn đề tự động theo dõi sục khí tại trạm quan trắc môi trường
Luận văn do tác giả Trịnh Văn Dũng, Trường Trung học phổ thông Bình Phú thực hiện với mục tiêu tìm hiểu và nghiên cứu một số kỹ thuật xử lý phân tích, trích chọn đặc trưng ảnh để có thể lấy ra được những ảnh mẫu tốt nhất phục vụ việc huấn luyện phân lớp mẫu và nhận dạng. Đồng thời khảo sát, nghiên cứu một số thuật toán học phục vụ việc huấn luyện mô hình phân lớp mẫu. Từ đó sử dụng so sánh với các frame ảnh trích xuất từ các camera giám sát bất kỳ nào có thể dự đoán, nhận dạng được frame ảnh đó có bọt khí hay không có bọt khí nhằm giải quyết bài toán nhận dạng ảnh để xác định bể nuôi vi sinh có được sục khí hay không được sục khí.
19. Nghiên cứu tổng hợp và đánh giá hoạt tính tiêu diệt tế bào ung thư của hệ Heparin - Pluronic P123 Nanogel mang Cisplatin
Trong nghiên cứu này, tác giả Nguyễn Xuân Ánh, Trường THPT Bến Cát giới thiệu một hệ chất mang thuốc mới trên cơ sở heparin liên hợp pluronic P123 (Hep-P123) và bước đầu đánh giá khả năng ức chế sự phát triển dòng tế bào ung thư phổi NCI-H460 của hệ nanogel Hep-P123 mang cisplatin hydrate. Kết quả, nghiên cứu đã tổng hợp thành công 4 hệ copolymer ghép trên cơ sở heparin liên hợp pluronic P123 (Hep-P123) với 4 tỉ lệ ghép khác nhau là 1:3, 1:7, 1:10, 1:14; đánh giá được hiệu quả nang hóa thuốc cisplatin và cisplatin dạng hydrate của 4 hệ nanogel Hep-P123 và xác định được hệ nanogel Hep-P123 (1:3) mang được hàm lượng cisplatin dạng hydrate nhiều nhất; khảo sát được hiệu quả giải phóng thuốc của hệ chất mang nanogel Hep-P123CisOH (1:3) ở điều kiện pH = 7,4 và pH = 5,5; đánh giá được hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư phổi NCI-H460 của hệ chất mang nanogel Hep-P123-CisOH (1:3) thông qua giá trị IC50 (IC50 = 1,265 ± 0,069 µg/ml).
20. Giáo dục đào tạo Dĩ An từ năm 1999 đến năm 2015
Luận văn của tác giả Nguyễn Thị Hồng, trường THPT Bình An đã nghiên cứu quá trình phát triển của ngành giáo dục thị xã Dĩ An từ năm 1999 - 2015, khôi phục được bức tranh giáo dục Dĩ An trong hơn 15 năm tái lập dưới nhiều gốc độ: Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; quá trình phát triển của ngành giáo dục thị xã Dĩ An, trình bày cụ thể những thành tựu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém cần được khắc phục. Từ đó, nhận thức toàn diện hơn vai trò động lực của giáo dục đối với sự phát triển xã hội. Bên cạnh đó, cung cấp luận cứ khoa học về giáo dục, góp phần định hướng cho công tác giáo dục ở thị xã Dĩ An trong những năm tới, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Dĩ An nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung.
21. Phát hiện đối tượng ảnh dựa trên R-CNN
Trong nghiên cứu luận văn của tác giả Đặng Thị Thanh Tuyền, Trường THPT Trần Văn Ơn chỉ xử lí với dữ liệu ảnh, dữ liệu được lấy từ tập dữ liệu trứng kí sinh trùng của trường đại học JAIST và đại học Kansas. Mục tiêu nghiên cứu là tìm hiểu các mô hình áp dụng CNN và phương pháp R-CNN trong việc phân loại và cục bộ đối tượng trong ảnh. Phân tích ưu nhược điểm của RCNN từ đó trình bày các phương pháp cải tiến Fast R-CNN và Faster R-CNN. Áp dụng Faster R-CNN đồng thời tinh chỉnh phương pháp này để áp dụng phù hợp vào tập dữ liệu trứng kí sinh trùng.
22. Theo vết đối tượng dựa trên RPN
Đây là luận văn của tác giả Nguyễn Khánh Duy, Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương thực hiện với mục tiêu nghiên cứu các kiến thức lĩnh vực thị giác máy tính bao gồm các thuật toán, mô hình huấn luyện và đào tạo dữ liệu để phát hiện đối tượng và theo vết đối tượng. Cụ thể là áp dụng mô hình Faster R-CNN huấn luyện bộ dữ liệu gồm các lớp đối tượng: car, motorbike, bicycle, people. Sau dó áp dụng kết quả mô hình để phát hiện và theo vết đối tượng đó trong video. Luận văn nghiên cứu dựa trên các kết quả chính xác và hiệu quả của mô hình máy dò phát hiện đối tượng (Object Detection). Có nhiều phương pháp để giải quyết xử lý bài toán theo vết đối tượng (Object Tracking). Từ đó tùy vào môi trường, ngữ cảnh, mục tiêu và điều kiện tác giả lựa chọn phương pháp cho phù hợp với bài toán.
23. Nhận dạng cảm xúc của người dựa trên ảnh nhiệt
Luận văn của tác giả Nguyễn Thị Anh Thư, Trường THPT chuyên Hùng Vương làm rõ cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu liên quan đến nhận dạng cảm xúc của người dựa trên ảnh nhiệt của khuôn mặt người cũng như thực nghiệm, đánh giá kết quả đạt được trong thực tế và khả năng phát triển của luận văn. Quan trọng hơn, luận văn mong muốn đóng góp một phần nghiên cứu về sự cải tiến quá trình rút trích đặc trưng tốt hơn trong bài toán nhận dạng cảm xúc.
24. Nghiên cứu xây dựng chương trình giảng dạy môn bóng chuyền ngoại khóa cho học sinh khối 11 trường THPT Nguyễn Trãi, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương
Luận văn của tác giả Vũ Hoài Nam, Trường THPT Nguyễn Trãi đã đưa ra được những thực trạng về công tác giáo dục thể chất tại trường THPT Nguyễn Trãi, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Sau đó tiến hành so sánh sự tăng trưởng của nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng sau 1 học kỳ học tập nhằm đánh giá hiệu quả của chương trình thực nghiệm mới mang lại, kết quả cho thấy các tố chất thể lực của học sinh nhóm thực nghiệm được cải thiện rõ rệt qua từng giai đoạn học tập. Ở cả học sinh nam và học sinh nữ nhóm thực nghiệm đều có sự phát triển tốt hơn so với nhóm đối chứng, cụ thể có 4/6 test thể lực tăng trưởng có ý nghĩa thống kê ngưỡng xác suất P<0.05 cả học sinh nam và nữ. Điều đó có thể khẳng định tính hiệu quả của chương trình giảng dạy môn bóng chuyền mới mang lại.
25. Cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của Việt Nam trên lĩnh vực đối ngoại từ năm 1954 đến năm 1975
Đây là luận án Tiến sĩ lịch sử, chuyên ngành Lịch sử phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và giải phóng dân tộc của tác giả Đinh Đức Duy, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương thực hiện. Luận án phân tích, làm rõ cơ sở hoạch định, nội dung chính sách đối ngoại và quá trình triển khai đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 từ đó rút ra nhận xét và kinh nghiệm. Luận án này có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu, giảng dạy môn Lịch sử phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và giải phóng dân tộc, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc tế học và Quan hệ quốc tế.
26. Quản lý cơ sở vật chất ở các trường mầm non công lập trên địa bàn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương
Luận văn của Phan Thị Cẩm Hương, Trường Mầm non Hoa Hồng 2 đã bám sát vào cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và thực trạng công tác quản lý cơ sở vật chất ở các trường trong thời gian nghiên cứu để đánh giá những thành công, hạn chế của các nhà trường. Thông qua thực trạng nghiên cứu, luận văn đã đề ra các biện pháp khắc phục những hạn chế và phát huy những thành công của các trường hiện nay. Qua đó giúp các trường nắm chắc được các biện pháp cần phải thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý cơ sở vật chất ở các trường trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực học sinh hiện nay.
27. Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trường THCS tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương
Trên cơ sở hệ thống hóa lý luận về kỹ năng sống, tác giả Phạm Thị Hồng Hạnh, Trường THCS Bình A đã xây dựng và phân tích hệ thống các kỹ năng sống cần thiết cho học sinh THCS. Từ những cơ sở lý luận về hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THCS bao gồm mục đích, nội dung, hình thức, phương pháp, lực lượng giáo dục và các điều kiện giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THCS, tác giả đã đề xuất một số biện pháp quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THCS tại thị xã Dĩ An tỉnh Bình Dương.
28. Quản lý hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở trường tiểu học trên địa bàn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương
Đây là luận văn của tác giả Triệu Quốc Thanh, Trường Tiểu học An Bình. Luận văn đã đánh giá được thực trạng quản lý hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở các trường tiểu học trên địa bàn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Từ đó, đề xuất một số biện pháp quản lý hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở các trường tiểu học của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học. Các biện pháp này sẽ giúp học sinh có thể tự vận dụng tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và thái độ để xử lý hiệu quả các tình huống trong học tập và cuộc sống, sẽ nâng cao hiệu quả trong quản lý hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Qua đó đã chứng minh được giả thuyết khoa học mà luận văn đã đề ra.
29. Đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất đai khu đô thị mới thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
Thông qua đề tài của tác giả Trần Thị Kim Liên, Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương cho thấy, có 03 nhóm yếu tố chính tác động đến hiệu quả quản lý và sử dụng đất Khu đô thị mới được sắp theo mức độ tác động giảm dần: (i) Yếu tố kinh tế (giá bất động sản, điều kiện việc làm, vốn tài chính); (ii) Yếu tố xã hội (điều kiện tiếp cận: y tế, giáo dục, an ninh trật tự, thương mại-tiêu dùng, vui chơi, giải trí); (iii) Yếu tố Môi trường (cấp thoát nước và cảnh quan). Đề tài đề xuất 03 nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất Khu đô thị mới gồm: Nhóm các giải pháp về quy hoạch; nhóm các giải pháp về chủ trương, chính sách và một số các giải pháp khác.
30. Hình tượng thuyền trong tranh khắc gỗ hiện đại Việt Nam
Hình tượng thuyền luôn là nguồn cảm hứng cho người yêu nghệ thuật, những chứng tích lịch sử, các tác phẩm hội họa Việt Nam, nghệ thuật khắc gỗ truyền thống tới hiện đại. Tác giả Trần Hồng Giang, Trường Trung cấp Mỹ thuật Văn hóa Bình Dương đã tập trung nghiên cứu giá trị nghệ thuật của hình tượng thuyền trong tranh khắc gỗ Việt Nam từ năm 1925 đến nay. Tìm hiểu những nét đẹp của hình tượng thuyền qua từng vùng miền văn hóa khác nhau, nghiên cứu những tác phẩm của các họa sĩ đi trước, phân tích và đánh giá những thông điệp, từ đó rút ra những kinh nghiệm cụ thể giúp cho bản thân cũng như người xem hiểu biết nhiều hơn vẻ đẹp của chiếc thuyền trong tranh khắc gỗ tiêu biểu ở Việt Nam.
31. Ảnh hưởng của giá thể, nồng độ đạm, kali đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng cây dưa lê (Cucumis melo L.) trồng trong nhà màng tại tỉnh Bình Dương
Đề tài được tác giả Lê Thị Trà My, Trường THPT chuyên Hùng Vương triển khai tại xã Long Nguyên huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Mục tiêu của đề tài là xác định ảnh hưởng của giá thể, nồng độ đạm, kali trong dung dịch tưới đến sự sinh trưởng, năng suất và phẩm chất cây dưa lê trồng trong nhà màng. Đề tài được thực hiện trong hai vụ với ba giống dưa lê có nguồn gốc Việt Nam, Nhật Bản, Israel và khảo sát ba giá thể, ba nồng độ đạm và bốn nồng độ kali. Thí nghiệm được tiến hành trong nhà màng từ tháng 6/2018 - 12/2018.
32. Hình tượng con ngựa trong tranh in khắc gỗ hiện đại Việt Nam
Hình tượng con ngựa gắn liền với dòng chảy văn hóa Việt luôn là một đề tài hấp dẫn đối với người làm sáng tác mỹ thuật. Tác giả Nguyễn Hữu Duy, Trường Trung cấp Mỹ thuật Văn hóa Bình Dương đã rút ra giá trị nghệ thuật của hình tượng ngựa được thể hiện trong tranh khắc gỗ hiện đại Việt Nam. Đồng thời, khẳng định giá trị tinh thần của con ngựa trong đời sống cũng như trong nghệ thuật tranh khắc gỗ Việt Nam từ ngàn xưa đến nay như một sự tiếp nối dài lâu. Sự gắn kết, kế thừa và phát huy hình tượng ngựa từ truyền thống đến hiện đại trong văn hóa Việt.
33. Quản lý hoạt động trải nghiệm theo hướng tiếp cận năng lực cho học sinh tiểu học tại thị xã Dĩ An tỉnh Bình Dương
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, năng lực con người đòi hỏi phải được rèn luyện nhiều hơn nữa để hòa nhập với nhu cầu phát triển của thế giới. Tổ chức giảng dạy hoạt động trải nghiệm theo hướng tiếp cận năng lực cho học sinh tiểu học tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã thực hiện theo sự chỉ đạo và đã đạt được một số thành tích rất khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại cần được tìm ra nguyên nhân và đề ra biện pháp để khắc phục. Do đó, tác giả Trần Thị Mỹ Phượng đã thực hiện đề tài Quản lý hoạt động trải nghiệm theo hướng tiếp cận năng lực cho học sinh tiểu học tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương để tìm ra biện pháp nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân trong lý luận giáo dục và có biện pháp giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, từng địa phương.
34. Phong cách ngôn ngữ thơ Bùi Giáng
Đây là luận án tiến sĩ ngôn ngữ học của tác giả Nguyễn Đức Chính. Tác giả thuần túy khảo cứu ngôn ngữ thơ Bùi Giáng bằng phương pháp chuyên ngành Ngôn ngữ học. Kết quả đạt được đã minh định phong cách ngôn ngữ nhà thơ Bùi Giáng, đồng thời giúp chứng minh đặc điểm ngôn ngữ thơ hậu hiện đại, một khuynh hướng trên tiến trình lịch sử phát triển văn học Việt Nam. Bênh cạnh đó, những bảng thống kê mô hình hòa phối thanh điệu, vần, nhịp, các phương tiện và phương thức ngôn ngữ, cấu trúc bài thơ… được Bùi Giáng sử dụng sẽ cung cấp nguồn ngữ liệu cho những độc giả yêu mếm thi sĩ đặc biệt nay.
35. Phân tích thể loại và mật độ từ vựng của 10 đoạn đọc hiểu trong sách giáo khoa tiếng anh thử nghiệm lớp 10 tại Việt Nam (An analysis on genre anh lexical density of 10 reading texts in the grade 10TH experimental english textbook in Viet Nam)
Đây là luận văn thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng anh của tác giả Đinh Tấn Thọ. Luận văn tìm hiểu mức độ đa dạng của mật độ từ vựng, đặc biệt là các mục từ vựng và thể loại đọc văn bản được hình thành trong 10 văn bản trong sách giáo khoa tiếng anh thử nghiệm lớp 10. Kết quả nghiên cứu từ 10 bài đọc này chỉ ra rằng 10 văn bản đọc này không cân bằng về thể loại và mật độ từ vựng và không đáp ứng được mong muốn thể loại của học sinh. Sự đa dạng từ vựng được sử dụng trong 10 văn bản đọc này không hợp lý cho quá trình học tập. Bài đọc trong bài ba có mật độ từ vựng cao nhất trong khi bài đọc trong bài chín có mật độ từ vựng thấp thứ hai. Đó là một trong những ý kiến với các nhà biên soạn sách cần quan tâm nhiều hơn trong lần sửa đổi tiếp theo của sách giáo khoa này.
36. Văn xuôi Trần Bảo Định dưới góc nhìn phê bình sinh thái
Phê bình sinh thái là một ngành khoa học trẻ, mới chỉ manh nha vào những năm 70 của thế kỉ XX nhưng có những chuyển biến mạnh mẽ, lan rộng ra nhiều quốc gia, châu lục trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tác giả Phạm Thị Thanh Thủy đã thực hiện đề tài này với mong muốn đem đến một cái nhìn mới về văn chương sinh thái qua lăng kính của một nhà văn suốt cuộc đời sống giữa lòng dân, giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hi vọng, đề tài này góp phần làm cho diện mạo nghiên cứu về phê bình sinh thái nói riêng và phê bình văn học Việt Nam hiện đại nói chung ngày càng phong phú, đa dạng; góp thêm tiếng nói cho việc xây dựng môi trường sinh thái hiện nay.
37. Đảng bộ huyện Dầu Tiếng lãnh đạo đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1945-1954)
Tác giả Trần Quốc Ngàn thực hiện nghiên cứu toàn bộ các hoạt động đấu tranh quân sự ở huyện Dầu Tiếng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, bao gồm việc quán triệt chủ trương đường lối của Đảng, của Bộ chỉ huy quân sự miền Nam, Quân khu 7 và của tỉnh vào thực tiễn địa phương, quá trình xây dựng lực lượng vũ trang của huyện, xã, ấp, nông trường, quá trình tổ chức chiến đấu và phối hợp chiến đấu trên địa bàn huyện, tổ chức chiến đấu và phối hợp lực lượng vũ trang của tỉnh, của Miền…
38. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Bình Dương từ năm 1945 đến năm 2017
Tác giả Đỗ Thị Thanh đã làm rõ lịch sử hình thành và quá trình phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam ở Bình Dương thông qua việc tìm hiểu quá trình hình thành các cơ sở thờ tự của Tín ngưỡng; chủ thể của Tín ngưỡng; trong chừng mực nhất định sẽ khái quát đặc điểm chung trong cách thức bài trí và cách thực hành tín ngưỡng của từng thời kỳ. Từ nghiên cứu lịch sử hình thành, đánh giá những mặt tích cực và những mặt còn hạn chế để từ đó đề xuất những giải pháp khả thi khắc phục những hạn chế trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của ngưỡi Việt ở Bình Dương.
39. Bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Bình Dương từ năm 1997 đến năm 2017
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là một lĩnh vực hoạt động quan trọng nhưng cũng đầy khó khăn và phức tạp. Đây là một lĩnh vực vừa mang tính khoa học sâu sắc vừa mang tính thực tiễn đa dạng, một hoạt động thể hiện tính xã hội rất cao. Tác giả Văn Thị Thùy Trang đã chỉ rõ những chủ trương, chính sách của chính quyền Tỉnh với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa ở Bình Dương. Nhận diện, phân tích và đánh giá những hoạt động của các cơ quan chức năng đối với bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nâng cao hoạt động nhằm tăng cường việc bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa đối với việc giáo dục truyền thống, phát triển du lịch văn hóa của địa phương.
Thơ Mộng - Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN